- Chị gái tôi trước khi đi lấy anh rể tôi hiện nay đã có một con trai riêng 10 tuổi. Trong thời gian sống với người chồng thứ 2 này hai anh chị có xây cất được một căn nhà cấp bốn trên mảnh đất riêng của chồng.

TIN BÀI KHÁC:

Nay chị tôi bị bệnh hiểm nghèo sắp chết, con riêng chị cũng đã 25 tuổi chưa lập gia đình. Các con riêng của anh rể đã có gia đình và ở riêng cả rồi.

Anh rể thì bị tai nạn mất khả năng lao động (61%). Đã 02 năm nay, lao động chính hiện tại là con riêng của chị gái tôi lo toan, chăm sóc cả mẹ và cha dượng.

Vậy con riêng của chị gái tôi có được chia hoặc thừa kế tài sản như đất nền nhà của gia đình anh rể và nhà của anh chị xây dựng không? Luật sư hãy tư vấn cho tôi được rõ xin cám ơn. (Câu hỏi của bạn đọc Lương Thị Hồi).

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Căn cứ theo các quy định pháp luật dân sự về thừa kế (Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành), tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, đối với phần đất nền nhà của gia đình anh rể:

Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về Tài sản riêng của vợ, chồng: Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; đồ dùng, tư trang cá nhân. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

Theo như thông tin bạn đã đưa ra thì anh rể bạn đã có mảnh đất riêng trước khi kết hôn với chị gái bạn. Như vậy, nếu sau khi kết hôn anh rể và chị gái bạn không làm thủ tục nhập mảnh đất đó vào khối tài sản chung vợ chồng thì mảnh đất đó là tài sản riêng của anh rể bạn.

Điều đó cũng có nghĩa, nếu sau này anh rể bạn mất đi mà không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, mảnh đất đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật (theo quy định tại Điều 675 Bộ luật Dân sự 2005). Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005). Khi đó, con riêng của chị gái bạn không được hưởng phần di sản thừa kế từ mảnh đất được xác định là tài sản riêng của anh rể bạn.

Con riêng của chị gái bạn chỉ được hưởng phần di sản thừa kế mảnh đất đó nếu anh rể bạn lập di chúc (hợp pháp) cho con riêng của chị gái bạn được hưởng quyền thừa kế mảnh đất đó.

Thứ hai, đối với ngôi nhà anh chị bạn xây dựng: Theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về Tài sản chung của vợ chồng thì: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Trong thời gian chung sống chị gái và anh rể bạn đã xây cất được một căn nhà cấp bốn trên mảnh đất riêng của anh rể bạn. Như vậy, căn nhà cấp bốn này là tài sản chung của vợ chồng chị gái và anh rể bạn.

Nếu sau này chị gái bạn mất đi mà không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp... căn nhà cấp bốn trên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo đó, giá trị căn nhà cấp bốn đó được chia đôi, một nửa thuộc sở hữu của anh rể bạn, một nửa thuộc sở hữu của chị gái bạn.

Con riêng của chị gái bạn sẽ được hưởng di sản thừa kế từ phần giá trị một nửa căn nhà cấp bốn này của chị gái bạn.

Tuy nhiên, con riêng của chị gái bạn sẽ không được hưởng toàn bộ phần giá trị một nửa căn nhà cấp bốn đó. Vì di sản thừa kế của chị bạn để lại nếu chia theo pháp luật sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha mẹ nuôi (nếu có), con đẻ, con nuôi (nếu có) của chị bạn.

Như vậy, để đảm bảo quyền lợi và ghi nhận công sức lo toan, chăm sóc cả mẹ và cha dượng của con riêng của chị gái bạn, anh rể và chị gái bạn nên lập di chúc (có chữ ký xác nhận của cả hai người và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền), trong đó cho phép con riêng của chị gái bạn được quyền hưởng di sản thừa kế nhà và đất của mẹ và cha dượng (có thể cho toàn bộ hoặc một phần di sản thừa kế tùy ý anh rể và chị gái bạn).

Tư vấn bởi Luật sư Đào Thanh Huyền, điện thoại: 0944479360, địa chỉ email luatsudaothanhhuyen@gmail.com


Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).