- Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi bài báo “Sự thật nợ BĐS: Rùng mình những con số”. Nhiều bạn đã gửi email về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Các NH giống…cái ‘hộp đen’, không ai biết bên trong thế nào?

Email e1325612@rtrtr.com khen: “Bài viết hay. Cám ơn tác giả đã đưa ra cái nhìn thắng thắn và góp ý tích cực. Mong sẽ có thêm nhiều tác giả mạnh dạn viết để thêm nhiều sự thật được phơi bày.”

Nhận xét của email tranghy1969@yahoo.com: “Theo tôi nghĩ, tỷ lệ nợ xấu như tác giả đưa ra vẫn là rất thấp so với thực tế. Vì hiện nay tôi đang có nhu cầu mua nhà để ở, tuy nhiên khi tìm hiểu hồ sơ nhà đất rao bán thì thấy đều đang thế chấp sổ đỏ trong ngân hàng, họ đều yêu cầu mình chuyển trước cho họ số tiền lớn để giải chấp trước khi làm hợp đồng công chứng.”

Chiêm nghiệm của email hoangngoc1410@gmail.com: “Đến bây giờ thì mọi người mới vỡ lẽ vì sao cách đây không lâu, BIDV ‘tự nguyện tiên phong’ đưa ra gói 4.100 tỷ đồng vào bất động sản, và sẵn sàng cho vay lãi suất thấp đối với người mua nhà dự án họ đã tài trợ. Theo số liệu trên, nếu so sánh bằng 10% con số dự nợ BĐS của BIDV. Rõ ràng họ chẳng vô tư cứu giúp các nhà đầu tư mà là tự cứu họ. Nợ xấu mà BIDV đang ‘nuôi bệnh’ là bao nhiêu? Chắc không lâu nữa cũng sẽ lộ ra thôi.

Ngoài số liệu dư nợ về bất động sản mà các đại gia Vietinbank, BIDV đã nêu, vẫn còn những đối tượng dư nợ đáng ngại của 2 đại gia này như các tập đoàn vinaX, ximăng, sắt thép, cầu cảng... Con số chắc cũng rất khủng. Câu hỏi đặt ra là tại sao đến bây giờ người ta mới đưa ra những con số đáng lo ngại này? Phải chăng là để sau khi các đại gia phát hành cổ phiếu ra công chúng được suôn sẻ? Bây giờ mình cũng cần phải xem lại danh mục đầu tư cổ phiếu của mình thôi, vì giá thị trường của 2 vị này quả thật đáng ngờ.”

Email binhminhquehuong@yahoo.com bức xúc: “Thế mà ngân hàng lại yêu cầu mua lại nợ xấu? Thật là đáng xấu hổ, đáng chê trách khi nhóm lợi ích ngân hàng - DN bất động sản làm tổn thương nền kinh tế, rồi giờ đây lại kêu gào quyền lợi nữa.”

Lo ngại của email mhd@gmail.com: “SBV chưa được trang bị đầy đủ nhân lực cũng như phương tiện để kiểm soát, cảnh báo kịp thời tình trạng của các ngân hàng. Đến khi phát hiện được con số thực tế thì đã quá muộn.”

Email viet_thanh1968@yahoo.com cho rằng: “Các ngân hàng Việt Nam hiện giống 1 cái ‘hộp đen’. Không ai (có thể cả Ngân hàng nhà nước) biết được thực tế bên trong chúng thế nào? Do đó, sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu giải pháp ‘giải cứu nền kinh tế’ của Chính phủ là: Cứ tạo vốn rẻ cho ngân hàng rồi sau đó vốn sẽ đến các doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua đã chứng minh: Điều đó hầu như không được thực hiện. Do đó, thay vì luẩn quẩn với chuyện giải cứu ngân hàng, hãy để giới chủ ngân hàng tự lo, còn tiền nhà nước sẽ rót thẳng đến các doanh nghiệp cần ưu tiên, dưới hình thức cho vay ủy thác qua ngân hàng. Ngân hàng chỉ làm dịch vụ cho Nhà nước và hưởng phí bằng 3% dư nợ, tiền vốn là tiền nhà nước. Chỉ có cách đó thì dòng vốn mới nhanh chóng chảy đến các doanh nghiệp sản xuất. Còn nếu cứ bơm vốn qua ngân hàng thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục thoi thóp.”

“Các ngân hàng Việt Nam nhiều năm liên tiếp lãi lớn, thưởng nhiều. Ai mà xin được vào ngành Ngân hàng thì lương và thu nhập cuả họ sẽ gấp 10 lần các ngành khác. Nợ xấu xảy ra, cả nước phải bàn giải pháp để giải cứu.
Nay Chính phủ tạo vốn rẻ cho ngân hàng để cứu nguy cho ngân hàng rồi…ngân hàng lại lãi lớn, lại trích thưởng to. Còn vốn lãi suất thấp đến với các doanh nghiệp thì được mấy đồng? Thực tế thời gian qua đã chứng minh như vậy”, đó là ý kiến của email hoavietle.40@gmail.com.

Dân cạn túi; DN vỡ nợ, phá sản; NH nợ xấu, vậy tiền đi đâu?

Thắc mắc của email kiemkhach@gmail.com: “Cuối cùng tiền đi đâu hết nhỉ? Dân cạn túi, doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản, ngân hàng nợ xấu. Tiền chảy về đâu?”

Lo lắng của email chuaoiconyeunguoi888@yahoo.com: “Chỉ lo Chính Phủ sẽ giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu BĐS, bằng hình thức phát hành tiền mua lại nợ. Lạm phát sẽ tăng và người dân sẽ mất tiền (vì tiền mất giá).”

Bạn Hoàng Sa (email tth_utth@yahoo.com) ấm ức: “Thoạt nhìn các block cao tầng của các khu chung cư đồ sộ tưởng chừng tự hào về sự phát triển của đất nước, nhưng khi bước vào bên trong mới thấy thất vọng vì những thiết kế bất hợp lý 100%, người mua phải bỏ nhiều tiền của ra sửa sang chỉnh chu mới sử dụng được. Đại gia bất động sản lãi lớn do biết ‘tăng gia’ trên lưng dân chúng.”

Bạn Ngọc Sơn (email sonngahuy@yahoo.com) ‘nói mát’: “Trên cơ sở các số liệu cho vay kinh doanh BĐS cả nước, tình hình thực tế có quá nhiều các khu nhà trên cả nước xây dựng dở dang, tập trung nhiều ở các TP lớn, đang phơi sương vì cú phanh gấp nhưng còn kịp thời, nếu không sẽ vỡ toác quả bóng chứ chả phải xì từ từ, mà khiếp vía. Ngân hàng chứa đầy tủ sổ đỏ thế chấp. Việc BĐS trở lại thời toàn dân đổ sô kinh doanh khó lắm, vì ai cũng biết nhu cầu thực thì ít người có tiền, còn toàn mua đi bán lại hòng kiếm lời. Nay mặc dù giá có hạ thấp, bán lỗ cũng khó. Lỗi tại tham!”

Ý kiến bạn Nguyễn Văn Hùng (email hugovn08@yahoo.com) cũng tương tự: “Con số công bố của UB Giám sát cao hơn rất nhiều các con số ngân hàng công bố. Điều này cho thấy trước đây thị trường bất động sản với giá cả tăng vùn vụt là do yếu tố đầu cơ và đẩy giá, trong đó có sự đóng góp của ngân hàng là rất lớn. Mua một căn hộ hay mảnh đất hôm nay, ngày mai hét giá trên trời vậy mà người người vãn đổ xô vào mua. Vậy tiền lấy ở đâu? Tiền đã có ngân hàng hậu thuẫn bơm cho chứ gì! Đúng là chỉ đua nhau đầu tư vào buôn bán dịch vụ mà không sản xuất tạo của cải vật chất, tăng tích lũy. Thật lãng phí tiền của!”

Phân tích của ban Hồ Nam (email honammai@yahoo.com): “Tôi nghĩ nền kinh kế của chúng ta có rất nhiều lĩnh vực cần được nhà nước chú ý để có giải pháp giúp phát triển hơn; đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hơn là 'giải cứu' BĐS. Vì sao? Vì rằng, đấy là những lĩnh vực cuộc sống mà người dân được thụ hưởng thiết yếu nhất, rộng nhất và sản xuất cũng phát triển bền vững nhất, đồng vốn được sử dụng hiệu quả nhất góp phần quyết định về ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Về BĐS, tôi nghĩ cần để cho thị trường thanh lọc, bởi một thời gian dài BĐS phát triển méo mó từ đầu tư, qui mô, chất luợng, giá cả, tính thiếu minh bạch ...Đặc biệt về giá, giá quá cao được đẩy lên 5-10 lần trong thời gian 5,6 năm qua mà không mấy người dân có nhu cầu thực tiếp cận được, chủ yếu là do nạn đầu cơ, làm giá, cò đi, cò lại mà ra .Khách hàng chủ yêu là các nhà đầu cơ, những người có tiền ( chủ yếu là tham nhũng mà có) và các chủ đầu tư cứ 'phát triển' từ nguồn vốn vay ngân hàng để rồi ngân hàng 'ôm một cục nợ' với một mớ tài sản dở dang với tình trạng 'đi cũng dở, ở không xong'.

Giờ nếu tung tiền ra cứu BĐS thì thử hỏi, cứ cho là BĐS có sản phẩm hoàn thành thì ai mua? Lại là các nhà đầu cơ chứ người dân có nhu cầu thực thí rất ít người mua nổi, vì câu hỏi tiền đâu? Đi vay ngân hàng liệu mấy gia đình có thu nhập để trả vay lãi và gốc? Thế là tiền nhà đầu tư vay ngân hàng lại càng phình to hơn, nợ xấu ngân hàng lại lớn hơn và vài năm sau hệ lụy cho nền kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, cứ để thị trường quyết định và đây cũng là điều tái cấu trúc nền kinh tế mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang hướng đến.”

Ban Bạn đọc