- Trả lời chất vấn của QH, có vị đá quả bóng trách nhiệm vào hư không: “Không được báo cáo nên tôi không nắm được”. Vị khác lại trả bóng “làm thế nào”, “bao giờ” về cho đại biểu.
Trước phiên chất vấn, những sai phạm, thất thoát tại Vinalines và chuyện lùng nhùng xung quanh Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng, cựu lãnh đạo Vinalines nhắc nhớ không khí Quốc hội cách đây một năm rưỡi, khi những món nợ của Vinashin được công bố và lãnh đạo tập đoàn vướng vào lao lý.
Khi ấy, trong hai ngày rưỡi chất vấn, "trái bóng" trách nhiệm cá nhân trong sai phạm tại Vinashin đã được chuyền hết từ Bộ Tài chính sang Bộ GTVT, đến Phó Thủ tướng thường trực, và cuối cùng đến chân Thủ tướng - người đăng đàn cuối cùng.
Bộ trưởng KH-ĐT khi đó là ông Võ Hồng Phúc sau khi được các đại biểu tấn công liên tục, dồn ép, vẫn quyết tâm cố thủ: "Chúng tôi không có một trách nhiệm gì để mà phải chịu trách nhiệm như đại biểu yêu cầu". Bởi theo ông, Quốc hội với việc xây dựng luật đã biến Bộ trưởng như ông và các đồng nhiệm thành "đười ươi giữ ống", chẳng có quyền lực gì với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Lần này, đại biểu và cử tri "nín thở" đợi liệu kịch bản tương tự có xảy ra, với sai phạm tại Vinalines, với sự cố thủy điện Sông Tranh, với tình hình lao động, thương lái nước ngoài làm việc trái phép... Nhất là khi những lần thông tin trên báo chí trước đó, các vị quan chức luôn miệng khẳng định “đúng quy trình”, “đúng trách nhiệm”… “Trái bóng” mang tên trách nhiệm liệu có tiếp tục lăn tròn?
Nhiều người băn khoăn: rồi chất vấn sẽ về đâu, nhất là khi danh sách bộ trưởng đăng đàn thiếu vắng những cái tên muốn hỏi. Đến mức đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã phải xin phép được "lạc đề" trong phiên thảo luận ngay trước chất vấn, để đòi hỏi "phải tôn trọng ý kiến đại biểu".
Hai ngày rưỡi chất vấn với 10 vị bộ trưởng, trưởng ngành, hai Phó Thủ tướng trực tiếp và tham gia trả lời, cử tri và đại biểu có người hài lòng, có người chưa.
Vẫn có lúc, không khí nghị trường giống như một vở kịch nói, mà bộ trưởng là diễn viên độc thoại trên sân khấu, buộc chủ tọa phải nhắc nhở. (Thành thực mà nói, với 10-15 đại biểu hỏi một lượt mà số câu hỏi thường lên tới suýt soát con số 20, bộ trưởng có muốn tạo không khí đối thoại, chất vấn thực sự cũng khó).
Có khi người nghe bấm bụng, rúc rích cười vì câu hỏi của đại biểu nhưng cũng có không ít lần Bộ trưởng phải than “câu hỏi khó quá”, “trả lời được câu này chắc tôi sẽ lên điểm đây”.
Quốc hội cũng có phần trách nhiệm để bộ trưởng không chỉ biết chuyền bóng, đỡ bóng, mà còn biết ghi bàn. Ảnh: Minh Thăng |
Để đối phó, không khác gì các cầu thủ cứ dắt bóng vòng quanh, có vị dùng chiêu lảng tránh, để chủ tọa phải nhắc “đồng chí nói loanh quanh thì nó cũng không ra đâu, nên cứ xin với Quốc hội về nghiên cứu, kỳ họp sau sẽ trả lời”.
Lại có vị bày tỏ “không được báo cáo nên tôi không nắm được” (việc sai phạm ở Vinalines), "không ai bàn giao nên không biết có chuyện đó" (pháp lệnh quản lý ODA). Quả bóng trách nhiệm được ông đá vào hư không, bởi dân gian có câu "không biết không có tội”. Nhưng ông quên, dân gian cũng có câu khác: “không biết điều phải biết cũng là có tội”.
Vị khác lại thường xuyên trả lại bóng cho đại biểu, khi đá lại chính câu hỏi “làm thế nào”, “bao giờ” về cho người hỏi. Hình như ông quên, đây không phải là phiên họp ông chỉ đạo cấp dưới “làm thế nào”, cũng không phải cuộc giao ban hằng ngày với các thứ trưởng đã thành thông lệ vào mỗi bữa trưa từ khi ông nhận nhiệm.
Gây ấn tượng tốt nhất trong hai ngày rưỡi chất vấn là Bộ trưởng Công an. Nắm lĩnh vực mình điều hành trong lòng bàn tay, từ tổng thể đến chi tiết, ông thuyết phục được cả những người khó tính nhất. Đặc biệt, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để quyết định "câu hỏi nào cũng quan trọng, tôi sẽ trả lời cụ thể, rõ ràng từng câu hỏi của đại biểu. Trong trường hợp chưa được mong muốn, chúng tôi cũng sẽ gửi câu trả lời bằng văn bản, để đại biểu nắm rõ", nhất là khi người điều hành đã mách nước, chỉ chiêu “gộp các câu hỏi theo nhóm vấn đề để trả lời”.
Sau hai ngày rưỡi chất vấn, như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, “các bộ trưởng đã nghiêm túc kiểm điểm tình hình, nhận rõ trách nhiệm liên quan quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền”.
Dù vẫn có cảnh các bộ trưởng chuyền quanh trái bóng trách nhiệm, nhưng chí ít, những đồng đội trên sân đã đỡ bóng tốt hơn. Bộ trưởng Huệ dẫn lại kết luận thanh tra “không có câu nào nói đến trách nhiệm của Bộ Tài chính hay Bộ KH-ĐT”, nhưng đã có Bộ trưởng Vinh nói “không thể nói không có trách nhiệm”. Đến lượt Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù chưa nêu cụ thể trách nhiệm của từng bộ trong sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty, ông cũng đã cam kết Chính phủ sẽ làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm và công khai với dân.
Không phải ngồi ghế nóng, nhưng người đứng đầu ngành giao thông cuối cùng cũng đã nhận trách nhiệm cá nhân việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng khi chia lửa chất vấn.
Những lời hứa đã được đưa ra. “Bộ trưởng hãy nhớ lời hứa của mình”, Chủ tịch QH đã nhiều lần nhắc.
Và trong những lời hứa ấy, có không ít việc vốn là món nợ từ trước để lại, như 7 nghị định liên quan đến quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được đưa ra trước Quốc hội 3 năm về trước, nay vẫn nằm đó.
Cử tri chờ đợi thực tế, các bộ trưởng và toàn Chính phủ sẽ làm nhiều hơn hứa. Để trái bóng trách nhiệm không mãi lửng lơ giống chuyện quản tập đoàn những năm qua.
Và Quốc hội cũng có phần trách nhiệm trong đó, để bộ trưởng không chỉ biết chuyền bóng, đỡ bóng, mà còn biết ghi bàn. Bởi như đại biểu Dương Trung Quốc - người tham gia QH đến nhiệm kỳ thứ 3 - đã nói, “Quốc hội như thế nào sẽ có Chính phủ thế đó. Quốc hội không thỏa hiệp, Chính phủ sẽ khác”.
Phương Loan