- Lần lượt những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất như Beethoven, Rachmaninov, Tchaikovsky.... đã được tôn vinh trọn vẹn.


Năm 2012 là một năm mà nền âm nhạc Việt Nam có nhiều chuyển biến trong lĩnh vực biểu diễn. Trong bối cảnh các show nhạc nhẹ không còn bán vé "trên trời", sao hải ngoại hạ nhiệt, một số chương trình nghệ thuật như Không gian âm nhạc phải tìm hướng đi mới do cầu đã bão hòa ở mức giá vé quá cao.., thì âm nhạc cổ điển bắt đầu được vực dậy. 



Nhiều loại hình nghệ thuật kinh điển đã có một mùa khởi sắc. Từ Bắc chí Nam, dòng nghệ thuật đỉnh cao như khí nhạc, thanh nhạc và ballet...  đã ra mắt nhiều chương trình lớn nhỏ và phong phú. Tác phẩm của các nhà soạn nhạc thiên tài như Beethoven, Rachmaninov, Tchaikovsky, Brahms... lần lượt trở nên quen thuộc với khán giả. Quả là một tín hiệu mừng.

Điểm mặt những "ông lớn của nghệ thuật"

Vào đầu năm, sự trở lại của nữ nghệ sĩ violin Sarah Chang với bộ tác phẩm 4 mùa (Vivaldi) làm nức lòng khán giả. Tiếp theo đó là một loạt sự kiện nghệ thuật với sự tham gia của các dàn nhạc hàng đầu thế giới như Berliner Symphoniker vào tháng 7 và Vienna Chamber Orchestra vào tháng 11. Đặc biệt, lần đầu tiên một dàn nhạc gây được nhiều sự chú ý đến thế với khán giả trong nước (nhất là khán giả trẻ), khi nhạc trưởng Lior Shambadal  đã cùng các nhạc công Đức biểu diễn "Bèo dạt mây trôi" - dân ca Việt Nam. Đã có 100 bình luận đầy ngạc nhiên về bản ghi âm tác phẩm này và trong nhiều ngày, nó trở thành đề tài bàn tán trên mạng.

Nhạc trưởng Lior Shambadal và các nhạc công Berliner Symphoniker. Dàn nhạc biểu diễn tại VN T7/2012 (Ảnh: The Banff Center)

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, vẫn còn thiếu một gương mặt thực sự là đỉnh cao trong nhóm các nghệ sĩ nước ngoài. Năm nay Sarah Chang chơi ít hơn, thời lượng chương trình rất ngắn so với lần đầu tiên cô có mặt tại Việt Nam (2010). Khán giả tinh tuyển cũng sẽ mong chờ một sự trở lại của một tầng lớp nghệ sĩ như dàn nhạc New York Philharmonic năm 2009, violinist Hilary Hahn năm 2005, hay cellist Rostropovich năm 1996 (đã mất năm 2007), hoặc dàn nhạc cùng thành phố của những nghệ sĩ đã từng chơi trong năm nay như Berline Philharmonic, Vienna Philharmonic.

Song hành với sự có mặt của các nghệ sĩ nước ngoài, năm nay các nghệ sĩ cổ điển Việt Nam đã có nhiều thành công đáng kể. Huỳnh Sơn Thục Anh lần đầu tiên góp mặt trong hòa nhạc Điều còn mãi 2012, nhưng đã vụt sáng trở thành một gương mặt nghệ sĩ mới bên cạnh những Lưu Hồng Quang, Trang Trịnh được phát hiện từ những năm trước.

Trong nỗ lực làm phong phú cách thưởng thức âm nhạc cổ điển, pianist trẻ tuổi Trang Trịnh đã có một retical đặc biệt (20/12), với sự có mặt của VJ và những video nghệ thuật được quay rất khéo. Về phía dàn nhạc, các chương trình hòa nhạc thường niên, hòa nhạc nằm trong chuỗi Mahler Cycle, Mozart Cycle, Brahms Cycle cũng ghi dấu kết thúc năm 2012 bằng bản giao hưởng cuối cùng của Beethoven (số 9) - giao hưởng của loài người và niềm vui - sử dụng một dàn hợp xướng hùng tráng.

Play
Clip: Trang Trịnh trình diễn 3 sonata của Beethoven với hiệu ứng hình ảnh đặc biệt

Các nghệ sĩ sáng tác Việt đã vui mừng khi lần đầu tiên opera Cô Sao được phục dựng sau 36 năm vắng bóng. Đây thực sự là một mốc son cho nền âm nhạc nước nhà. Vở nhạc kịch được dựng lại với phần phối khí khá tinh tế và giọng ca khỏe khoắn của nữ chính Hà Phạm Thăng Long xứng đáng đứng ở vị trí vinh dự như một opera kinh điển của Việt Nam. Trước đó, nhà hát nhạc vũ kịch cũng đã dựng được vở nhạc kịch nổi tiếng của Mozart - "Cosi fan tute" (Trường học tình yêu) - với phần thể hiện rất tốt của dàn nghệ sĩ. 

Năm nay, một số nghệ sĩ opera quốc tế đã góp mặt tại Việt Nam tạo nên bầu không khí hứng khởi ở mảng này. Phải kể đến Sumi Jo ConcertGala Italiano (4 nghệ sĩ Ý) với chất lượng đẳng cấp hàng đầu - Rất có thể một tầng lớp khán giả sẽ trở nên khó tính hơn trước sau khi được thưởng thức những phần trình diễn bậc thầy như thế. 

Mảng nghệ thuật múa cũng chứng kiến những cố gắng của tập thể và nghệ sĩ Việt khi ballet "Kẹp hạt dẻ" kết thúc một mùa diễn cuối năm thắng lợi với 3 suất chiếu đều cháy vé. Dựa trên nghệ thuật ballet gốc, múa đương đại Châu Âu gặp Việt Nam năm nay là một bước đột phá so với mọi năm: vở "Kiếm khẩu súng" xuất sắc ngoài sức tưởng tượng.

Khán giả không là "sao băng"

Nhưng tất cả sẽ trở thành vô ích nếu không gặp sự đón nhận của khán giả. Tất cả các chương trình nói trên đều nhận được hưởng ứng nồng nhiệt, những tràng pháo tay giòn giã kéo dài vài phút đồng hồ. Có những nghi ngại cho rằng hiện tượng này chỉ là nhất thời, vụt sáng như sao băng. Khi phóng viên hỏi những người làm nghề nguyên nhân của hiện tượng và độ bền của nó, những người trong cuộc đều tỏ ra lạc quan, tin tưởng, dựa trên 3 lý do chính: 

Thứ nhất, các dàn nhạc trong nước đã có sự rèn luyện, tích lũy, giao lưu quốc tế một thời gian, nên trình độ được nâng lên đáng kể. Dàn nhạc giao hưởng VN hay dàn nhạc giao hưởng HN (Học viện âm nhạc) hoàn toàn có khả năng chơi tốt các tác phẩm lớn. 

Thứ hai, truyền thông báo chí đã đóng góp tích cực vào quá trình thông tin cho khán giả. Các tờ báo lớn đều dành sự quý trọng cho âm nhạc và nghệ thuật đỉnh cao trong bối cảnh nền âm nhạc đại chúng trong nước thiếu sáng tạo, một số nghệ sĩ nổi tiếng có cách hành xử không trong sáng. [Chương trình sáng tạo nhất của âm nhạc đại chúng 2012 chắc hẳn phải kể đến Góc phố danh vọng của cậu sinh viên 21 tuổi Nguyễn Phi Phi Anh]

Opera Cô Sao (Việt Nam) (Ảnh: TTVH)

Thứ ba, khán giả đã được làm quen dần với nghệ thuật cổ điển khi các tác phẩm âm nhạc Việt được đưa vào dàn nhạc rất gần gũi, điển hình là hòa nhạc Điều còn mãi với tiêu chí tôn vinh âm nhạc Việt (khí nhạc và thanh nhạc), hiệu ứng lan truyền đầy tự hào khi một số tác phẩm dân ca được chơi bởi các dàn nhạc lớn, phục dựng lại Cô Sao - vở opera tiếng Việt đầu tiên .... Một số nghệ sĩ Việt ở tầm cỡ quốc tế cũng gây ảnh hưởng khi tích cực biểu diễn trong nước, như nhạc trưởng Lê Phi Phi, nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang, Trang Trịnh.... Chương trình đưa dàn nhạc ra đường phố Luala Concert cũng gây được cảm tình lớn cho khán giả.

Hào quang của âm nhạc cổ điển sẽ còn tiếp tục làm ngây ngất khi buổi hòa nhạc sắp tới vào đầu năm mới (15 & 18/1/2013) của NSND Đặng Thái Sơn đang được khán giả rất mong chờ. Ông sẽ chơi trọn vẹn 5 concerto dành cho piano của nhà soạn nhạc thiên tài - cũng là một anh hùng trong trận chiến với số phận - Ludwig van Beethoven.


Slide: Toàn cảnh âm nhạc nghệ thuật 2012 tại Việt Nam

"Năm nay khán giả đông hơn rất nhiều, đặc biệt là lượng khán giả trung thành. Điều này thể hiện qua việc đặt vé trước tăng lên đáng kể. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hình thức hòa nhạc đặt vé trước cả năm trong năm 2013" - (Nguyễn Hoàng Việt, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam) 

"Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn hơn, nhưng âm nhạc cổ điển đã có những bước đột phá. Học viện âm nhạc Việt Nam tổ chức được 2 cuộc thi lớn: concour piano quốc tế lần thứ 2 và concour guitar Hà Nội mở rộng lần đầu tiên. Cùng đó, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội (dàn nhạc học viện âm nhạc quốc gia VN) lần đầu tiên đã lưu diễn tại Nhật" (Tạ Quang Đông - Học viện âm nhạc QG VN)

"Năm 2012 là một năm hoành tráng của Nhà hát. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã dựng được 2 vở lớn là "Dido & Aeneas" và "Kẹp hạt dẻ". Đặc biệt, "Kẹp hạt dẻ" được dựng phiên bản gốc lần đầu tiên. Các buổi biểu diễn đều cháy vé. Lần này chúng tôi gây dựng vở rất công phu, mời chuyên gia về, chất lượng hơn hẳn. Về mảng khí nhạc cũng có Giai điệu mùa thu được tổ chức đều đặn và thu hút được khán giả trung thành" (Nguyễn Minh Tân - Nhà hát nhạc vũ kịch Tp HCM)


Hồ Hương Giang
Clip: Angellittlefire