Chiếc xe ô tô của anh Duy chầm chậm tiến đến ngôi nhà nhỏ tại Bình Thuận. Từ xa, vợ chồng anh đã thấy Cà Rốt háo hức đứng chờ. Cậu bé chạy loanh quanh bên cạnh chiếc xe đang tìm chỗ dừng bánh và lao ra ôm chầm khi anh chị vừa bước xuống xe. Nghe tin ba mẹ về, cả trưa nay, Cà Rốt không chịu đi ngủ.
Cà Rốt, 7 tuổi, là con trai của vợ chồng chuyên gia sinh học phân tử Nguyễn Danh Duy (sinh năm 1977) và Phạm Bích Kiểu (sinh năm 1980), sống tại TP.HCM. Từ cuối tháng 1 năm nay, vợ chồng anh Duy lên đường đi chống dịch, phải tạm gửi con cho người thân chăm sóc.
Ban đầu, Cà Rốt được gửi về Bạc Liêu với bà ngoại. Nhưng do bà sức khỏe yếu, lại không thể hướng dẫn cậu bé học online, anh Duy sau đó phải nhờ người thân đưa cháu trở lại TP.HCM và gửi gắm cô giáo kèm cặp. Sau này, khi TP.HCM bùng dịch, Cà Rốt được cô giáo đưa về Bình Thuận chăm sóc. Tới cuối tháng 10 là vừa tròn 9 tháng cậu bé xa ba mẹ.
“Xa con lâu ngày, giật mình khi thấy cháu cao lên nhiều. Hồi xưa trắng trẻo mà giờ nhìn đen thui, chân cẳng dài ngoằng, mắc cười lắm. Trên tay ba ẵm, thằng nhỏ cứ liên tục nói “Con nhớ ba lắm”, rồi lại cười quay sang trêu mẹ “Con không nhớ mẹ đâu”, chị Kiểu tâm sự.
Xem video Cà Rốt gửi lời chúc mừng sinh nhật ba, khi anh Duy đang đi chống dịch:
Sáng 30/1, vợ chồng anh Duy nhận được cuộc gọi gấp từ người bạn đang thực hiện công tác xét nghiệm Covid-19 tại Hải Dương - tâm dịch lớn nhất cả nước thời điểm bấy giờ. Đầu dây bên kia cho biết, tình hình phía Hải Dương rất cấp bách, kêu gọi sự giúp sức của hai chuyên gia giàu kinh nghiệm. Từ TP.HCM, anh chị lập tức gật đầu.
Lúc này, phòng xét nghiệm riêng của hai vợ chồng vừa bước vào xây dựng, mọi thứ từ nguyên vật liệu, máy móc, trang thiết bị còn bày ngổn ngang. Anh chị xin thêm 4 ngày để sắp xếp công việc cá nhân trước khi ra miền Bắc hỗ trợ.
Thế nhưng, trong ngày, họ nhận tiếp cuộc gọi thứ hai. Người bạn chia sẻ, các mẫu bệnh phẩm đang dồn về rất lớn, nhân lực của CDC Hải Dương không đủ để đáp ứng. Không đắn đo thêm, anh Duy vội đổi vé máy bay, đặt chuyến sớm nhất ngay sáng hôm sau.
“Tình hình gấp như vậy, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài bỏ dở mọi thứ để đi”, chị Kiểu nói.
Ngay sáng 31/1, hai chuyên gia có mặt ở CDC Hải Dương, được lãnh đạo đơn vị giao chịu trách nhiệm toàn bộ ê kíp xét nghiệm. Những ngày đầu, anh chị vừa trực tiếp xử lý mẫu, vừa đào tạo, hướng dẫn cho các kỹ thuật viên, sinh viên chưa nhiều kinh nghiệm. Sau này, khi các kíp đã nhuần nhuyễn hơn, họ tập trung vào công tác phân tích và trả kết quả, kết hợp giám sát toàn bộ quy trình.
Ròng rã hơn 2 tháng ở Hải Dương, anh chị quen với những đêm trắng. Đợt “cao điểm”, kíp xét nghiệm bắt đầu công việc khoảng 7 - 8h sáng, làm liên tục tới khoảng 2h sáng hôm sau. “Có những ngày phải cố đến khoảng 4h sáng mới xong việc. Cũng có những hôm về phòng rồi nhưng lại mất ngủ vì quá mệt”, anh Duy chia sẻ.
Tết năm 2021 cũng là năm đầu tiên vợ chồng anh Duy đón Tết xa nhà, xa con. Năm mới tại tâm dịch, phòng làm việc của họ không đào mai, chỉ ngổn ngang giấy tờ, số liệu…
Áp lực lớn nhất với họ là thời gian và sự chính xác. Việc sớm tìm được ca dương tính giúp đơn vị dịch tễ nhanh chóng khoanh vùng, truy vết; sớm xác định các ca âm tính lại giúp “giải phóng” trường hợp đủ điều kiện khỏi cách ly. Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo yếu tố “chính xác”, tức phải tìm được đúng người thì công tác dập dịch, kiểm soát dịch mới hiệu quả. Chỉ một sai sót trong xét nghiệm có thể gây ra hàng loạt vấn đề phía sau.
Khi đợt dịch ở Hải Dương dần kết thúc, vợ chồng anh Duy dành thời gian để nghỉ ngơi, dự định sau đó sẽ về đoàn tụ với con trai. Thế nhưng, nghỉ ngơi được khoảng 2-3 tuần, chưa kịp thực hiện dự định thì dịch bệnh lại bùng mạnh ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Nhận được sự kêu gọi giúp đỡ, họ lại tiếp tục lên đường.
Cứ thế, dịch ở tỉnh này chưa “yên”, tỉnh khác cũng bắt đầu “căng thẳng”. Suốt những tháng sau đó, anh chị có mặt tại nhiều tỉnh thành để chi viện, ngoài Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh còn có Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Yên.
Có thời điểm, vợ chồng anh Duy phải “tách lẻ” và kêu gọi sự hỗ trợ của các nhân viên trong phòng xét nghiệm của mình để có thể giúp đỡ nhiều hơn. Chị Kiểu tâm sự, ở Hải Dương, áp lực công việc đã rất nặng nề, nhưng giai đoạn sau này khi làm việc tại các tỉnh khác, khó khăn còn nhân lên gấp nhiều lần.
“Thời gian ở Hải Dương khá dài nên nhịp độ công việc có thể tăng lên từ từ. Khi tăng tới cường độ cao, nhân viên y tế địa phương đa số đã quen hết. Tuy nhiên tại những tỉnh như Nghệ An và Hà Tĩnh, thời gian chúng tôi ở lại không quá lâu, việc tăng năng suất ngay rất khó”, chị Kiểu nói.
Đáp ứng khối lượng mẫu “khổng lồ” thời điểm ấy, chị Kiểu cùng ê kíp xét nghiệm có những khi phải làm việc liên tục 36 tiếng đồng hồ. Bữa trưa cũng trở thành bữa ăn duy nhất trong ngày để tiết kiệm tối đa thời gian cho việc xét nghiệm.
Chị tâm sự, suốt 9 tháng trời ăn cơm hộp, lại đa số ăn rất muộn, khi cơm đã nguội ngắt nên đến giờ “cứ thấy cơm hộp là sợ”. “Ở tỉnh nào cũng được phát hộp cơm giống hệt như vậy, là loại hộp đế đen, nắp bên trên trong suốt. Thú thực là bây giờ cứ nhìn thấy loại hộp cơm đó là tôi thấy sợ”, chị Kiểu mỉm cười, nói.
Những ngày ở Hải Dương, vợ chồng anh Duy thường tranh thủ giờ ăn trưa để gọi điện thoại hỏi han tình hình ở nhà, trò chuyện với con. Sau này khi chi viện các tâm dịch khác, do quá bận rộn nên cách mấy ngày, anh chị mới có thể gọi cho con trai một lần.
Để vơi bớt nỗi nhớ, chị Kiểu nghĩ ra cách gửi tin nhắn thoại cho con. Chị luôn giữ tinh thần lạc quan, cứng rắn khi nói chuyện, động viên con suy nghĩ tích cực.
Vắng ba mẹ, Cà Rốt luôn tỏ ra hiểu chuyện, không mè nheo. Cậu bé chưa từng than phiền hay quấy khóc khi ba mẹ gọi điện về, thế nhưng lại tâm sự với bà ngoại rằng: “Con buồn khi ba mẹ phải đi làm xa”.
Chị Kiểu nghe cô giáo kể lại, có bữa đột nhiên thấy Cà Rốt ngồi khóc. Cậu bé nói với cô giáo: “Con thấy xúc động, con nhớ mẹ quá. Con nhớ lần mẹ bị ngã, đau xương sống, mẹ không làm được gì nên con dắt mẹ đi lại, con lấy cơm cho mẹ ăn…”.
“Đợt đó tôi bị ngã, phải nằm một chỗ tận 20 ngày, ba Cà Rốt đi vắng nên chỉ có hai mẹ con ở nhà. Không nghĩ là đột nhiên cháu nhớ lại rồi khóc vì thương mẹ như thế”, chị Kiểu chia sẻ.
Theo nữ chuyên gia, khó khăn của vợ chồng chị có lẽ chưa bằng với nhiều “chiến sĩ” khác trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Chị Kiểu rất nhớ câu chuyện về một nam nhân viên y tế làm công tác lấy mẫu xét nghiệm tại TP.HCM. Con gái của người đàn ông mắc chứng tự kỷ nặng, hằng ngày nếu không có ba sẽ gào khóc, giãy dụa, không chịu ăn uống. Thế nhưng, do tính chất công việc, anh không thể về nhà với con.
“Anh cho tôi xem video cháu gào khóc, bất lực nói bây giờ đành chịu, không biết phải làm sao. Trong cuộc chiến này, rất nhiều người vất vả, thiệt thòi”, chị tâm sự.
Nửa cuối tháng 10, khi dịch ở các tỉnh phía Nam đã qua giai đoạn căng thẳng nhất và dần lắng, vợ chồng anh Duy kết thúc chuyến chi viện, lên đường trở về nhà. Phòng xét nghiệm riêng của anh chị vẫn ngổn ngang nguyên vật liệu, máy móc, trang thiết bị từ hồi tháng 1, khi ấy mới tiếp tục được xây dựng.
Nói về chuyến tình nguyện dài 9 tháng không chuẩn bị trước, chị Kiểu tâm sự, anh chị chỉ suy nghĩ đơn giản rằng “thấy giúp được mọi người thì nên giúp”.
“Chúng tôi cũng nhận lại được rất nhiều thứ. Chuyến đi này giúp 2 vợ chồng càng yêu nghề hơn, “thiện chiến” hơn với công việc mình chọn. Hơn nữa, có những điều vật chất không thể mua được là tình cảm từ những người mà chúng tôi đã gặp gỡ”, chị Kiểu nói.
Với những đóng góp của mình, vợ chồng chuyên gia Nguyễn Danh Duy và Phạm Bích Kiểu là 1 trong 14 gương mặt được báo VietNamNet đề cử Nhân vật truyền cảm hứng năm 2021. Mời quý độc giả tham gia bình chọn cho nhân vật TẠI ĐÂY. |
Nguyễn Liên
Bệnh viện Chợ Rẫy và những ngày trọn vẹn với người dân TP.HCM
Hàng ngàn bệnh nhân nặng, nguy kịch của TP.HCM đã được cứu sống tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và Bệnh viện Chợ Rẫy trong đợt dịch thứ 4. Đến nay, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của 2 bệnh viện vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình.