Mô hình trồng nấm mối đen theo hướng tuần hoàn khép kín của chị Châu Thị Nương (người dân tộc Khmer), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) là một trong những ví dụ điển hình. Với sự đam mê và quyết tâm sản xuất các loại nấm sạch, chị Nương đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cám bắp, cám gạo) phối trộn làm phôi giống, cấy meo tạo ra giá thể nuôi trồng thành công các loại nấm như: nấm mối, bào ngư, đông trùng hạ thảo, linh chi tai to và các loại cây trồng khác theo chuỗi tuần hoàn khép kín, tiến đến nền nông nghiệp bền vững. 

Mô hình của chị Nương đã giúp cho hơn 20 lao động nữ có việc làm, đặc biệt là người dân tộc thiểu số Khmer ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Thời gian tới, chị Nương sẽ mở rộng quy mô nhà trồng nấm, tăng sản lượng và đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại sấy thăng hoa và cấp đông để xuất khẩu thị trường nước ngoài, đồng thời tạo việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc Khmer hơn.

Nhờ sự sáng tạo, mạnh dạn trong kinh doanh với ngày càng nhiều mô hình khởi nghiệp mới, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại vùng Bảy Núi (An Giang), đang dần khẳng định vị thế của mình và đưa ngày càng nhiều đặc sản địa phương ra mắt bạn bè trong nước và quốc tế.