Nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có hơn 75.800 người Khmer sinh sống, tập trung chủ yếu ở thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn. Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay 100% xã trong vùng đã có đường ô tô đến trung tâm, được phủ sóng phát thanh - truyền hình, điện thoại và Internet. Đặc biệt, toàn tỉnh có 3 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt 97%.

Tại xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn), nơi có 3.032 hộ đồng bào Khmer chiếm hơn 95% dân số, địa phương đã được hỗ trợ nghề cho 25 hộ và triển khai hỗ trợ nhà ở cho 72 hộ từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Không chỉ vậy, công tác bảo tồn văn hóa được chú trọng thông qua việc dạy đàn Chà pây, hỗ trợ dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Khmer, phục dựng lễ hội Ook Om Bok.

Tại thị xã Tịnh Biên, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt khoảng 57 triệu đồng, tăng đáng kể so với mức 40,9 triệu đồng năm 2019. Đặc biệt, việc đầu tư hệ thống thủy lợi như Trạm bơm điện 3 tháng 2 và Trạm bơm Đình Nghĩa đã giúp nông dân các xã An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung canh tác tăng từ 1 lên 3 vụ/năm trên diện tích hơn 500 ha.

Nhờ đó, góp phần kéo giảm số hộ nghèo người dân tộc thiểu số tại thị xã Tịnh Biên là 482 hộ (giảm 407 hộ so với cuối năm 2022), số hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số là 192 hộ (giảm 82 hộ so với cuối năm 2022). Các phum sóc tại các xã Lê Trì, Châu Lăng, Núi Tô, An Tức và thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn), cùng các xã An Hảo, An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Nông (thị xã Tịnh Biên) khang trang, sạch đẹp nhờ được đầu tư hệ thống điện, hệ thống nước sạch đến từng hộ gia đình.