Có một cụm từ được gán cho Arthur Ashe để xác định cuộc đời và di sản của ông. Năm 1992, khi ông thú nhận rằng mình đã bị nhiễm HIV, một người hâm mộ đã viết cho ông: "Tại sao Chúa phải chọn ông vì căn bệnh đó?".
Và Ashe trả lời: "Trên thế giới 50 triệu cậu bé bắt đầu chơi quần vợt, 5 triệu người học cách đánh, 500.000 người học quần vợt chuyên nghiệp, 50.000 người tham dự giải đấu lớn, 5.000 người tranh tài Grand Slam, 50 người đến Wimbledon, 4 người vào bán kết, 2 vào trận chung kết. Khi nâng cúp, tôi chưa bao giờ hỏi Chúa 'Tại sao lại là tôi?'. Và hôm nay, với căn bệnh của mình, tôi không nên hỏi Ngày: 'Tại sao lại là tôi?'.
Hành trình trong 50 triệu người
Có lẽ, câu chuyện này chỉ là một truyền thuyết đẹp đẽ như những động lực tồn tại lâu đời được gán cho người này hay người nổi tiếng kia, nhưng nó phản ánh hoàn hảo tính cách Ashe, một người đàn ông coi trọng việc trở thành một trong 50 triệu đứa trẻ bắt đầu chơi quần vợt.
Arthur không nói thêm một điều: ông là một cậu bé da đen đi từng bước trở thành vận động viên quần vợt xuất sắc, mặc dù thực tế là ông bắt đầu chơi bóng bầu dục khi 7 tuổi, được rất nhiều câu lạc bộ lôi kéo. Ông thậm chí không được đến sân xem quần vợt, vì không một người da đen nào có thể đặt chân vào các trung tâm nếu không có cây lau nhà trong tay.
Ngoài ra còn có một thứ khác cho giai thoại kể trên, dù có thật hay không: sự kiềm chế. Bởi vì Ashe đã trở thành một biểu tượng chống lại nạn phân biệt chủng tộc gần như trái với ý muốn của ông.
Trong khi các vận động viên da đen khác như Muhammad Ali (cựu võ sĩ quyền anh) bề ngoài thể hiện sự từ chối đối với hệ thống xã hội đã nghiền nát họ, Ashe cố gắng chống lại nó từ bên trong và không hề ngoan cố. Trong chuyện này, cha ông - kiểm lâm viên trong một thành phố biệt lập, người đã nuôi dạy ông và em trai, khi mẹ của Arthur qua đời vì chứng tiền sản giật lúc ông mới 6 tuổi - có tầm quan trọng lớn.
Ashe là hậu duệ của một người phụ nữ bị bắt khỏi bờ biển châu Phi, bị biến thành nô lệ và chuyển đến Mỹ vào đầu thế kỷ 18. Điều này đưa ông rời khỏi bóng bầu dục và bóng rổ, rồi xuất hiện trong một môn thể thao dành cho quý ông, chủ yếu là quý ông da trắng.
Sự kiên trì và năng khiếu bẩm sinh giúp ông trở nên nổi bật và cuối cùng lọt vào tay Robert Walter Johnson, huấn luyện viên của Althea Gibson - tay vợt xuất sắc nhất của quần vợt da đen, người sinh ra những năm 1920 ở Nam Carolina, người có 2 chức vô địch Wimbledon và US Open, cùng với 1 danh hiệu Roland Garros.
Johnson đã nhìn thấy tiềm năng khổng lồ của Ashe và đưa ông vào chương trình phát triển cơ sở của Hiệp hội Quần vợt Mỹ, nơi anh đã giúp ông không chỉ cải thiện trò chơi của mình mà còn giúp thấm nhuần tinh thần thể thao, phép xã giao và sự điềm tĩnh. Arthur lịch lãm trong các trận đấu của mình, cũng như trong thái độ trên sân.
Tiến sĩ Johnson - người sáng lập Chương trình Phát triển Thiếu niên của Hiệp hội Quần vợt Mỹ dành cho thanh niên người Mỹ gốc Phi - yêu cầu các học viên của mình luôn tôn trọng đối thủ và không bao giờ tranh cãi với trọng tài.
Dù có tài năng tuyệt vời, Ashe sống trong một thành phố tách biệt và không thể cạnh tranh với người da trắng, ít cơ hội sử dụng các sân trong nhà, vì vậy ông chuyển đến St. Louis. Ở đó, năm 1961, nhờ vận động hành lang của Johnson, Arthur có thể tham gia vào giải đấu quần vợt không phân biệt đầu tiên và giành chiến thắng. Màn trình diễn này đưa ông lên tạp chí Sports Illustrated và trở thành vận người da đen đầu tiên giành được danh hiệu quần vợt trẻ em trong nhà cấp quốc gia.
Không lâu sau, năm 1963, Ashe tiếp tục lập cột mốc tay vợt da đen đầu tiên được chọn vào đội tuyển Davis Cup của Mỹ, với vai trò đội trưởng.
Dưới sự lãnh đạo của Ashe là John McEnroe, một nhân vật hoàn toàn trái ngược với ông: bùng nổ, không tuân theo quy luật, nổi loạn và cũng thô lỗ. Là đội trưởng, Arthur có nhiệm vụ khiển trách hành vi của McEnroe. Nhưng khi làm vậy, ông bị xem là vô cùng ghen tị với đồng đội.
McEnroe có thể la hét, xúc phạm trọng tài chính và đập gãy vợt vì ông là người da trắng, không bao giờ có thể giữ bình tĩnh trên sân.
"Tôi nghĩ rằng tôi đã xem John như một hình ảnh phản chiếu của một phần thân thiết trong con người mình. Anh ấy là hiện thân của những cảm xúc mà tôi chỉ có thể kìm nén, anh ấy giống như một loại thiên thần bóng tối nào đó đối với tinh thần bị kiềm chế nặng nề của tôi, điều đó có thể giải thích tại sao tôi luôn do dự can thiệp vào những cơn giận dữ của anh ấy, ngay cả khi điều đó là quá mức. Bằng cách nào đó, John đang bày tỏ sự tức giận của chính tôi, vì tôi không bao giờ có thể bày tỏ nó; và có lẽ tôi thậm chí còn biết ơn anh ấy vì đã làm điều đó", nhà sử học và học thuật Raymond Arsenault trích dẫn nhận xét của Ashe về McEnroe trong cuốn tiểu sử "Arthur Ashe: A Life".
US Open, Nam Phi và Grand Slam thứ hai
Với phong thái được kiểm soát và tôn trọng đó, năm 1968, Ashe tạo nên trang sử chưa từng có ở môn quần vợt: ông trở thành người da đen đầu tiên giành đăng quang US Open, cũng là năm đầu tiên trong kỷ nguyên Mở. Ngày nay, tên của ông được đặt cho sân chính của giải đấu ra đời từ 1881, sân quần vợt lớn nhất thế giới với sức chứa 23.771 khán giả.
Cũng trong năm 1968, trước khi chiến thắng US Open, Ashe giành chức vô địch nghiệp dư Mỹ khi đánh bại Bob Lutz, đồng đội trong đội Davis Cup. Ông là người duy nhất vô địch giải nghiệp dư và mở rộng của Hoa Kỳ trong cùng một năm.
Để duy trì tư cách tham dự Davis Cup và không thực hiện nghĩa vụ quân sự, đồng nghĩa với việc phải tham gia vào lực lượng quân đội bổ sung đến chiến tranh Việt Nam, ông yêu cầu giữ tình trạng nghiệp dư của mình. Vì điều này, ông không nhận được tiền thưởng 14.000 USD cho người chiến thắng, mà giải thưởng trao cho người về nhì Tom Okker. Ông chỉ nhận 20 USD chi phí hàng ngày cho chiến thắng lịch sử của mình.
Ở US Open, đôi khi Ashe bị cấm vào sân vì nhân viên an ninh nhầm ông với người dọn dẹp hoặc bồi bàn. Trong năm 1968 lịch sử của quần vợt thế giới ấy, chiến thắng của Arthur xuất hiện trên trang nhất các tờ báo bên cạnh hình ảnh Tommie Smith và John Carlos (những huyền thoại điền kinh Mỹ) giơ nắm đấm với găng tay đen tại Thế vận hội Mùa hè ở Mexico (cả hai không mang giày, và trở thành một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất về nhân quyền. Cả hai sau đó chịu nhiều chỉ trích; bị tẩy chay bởi nhiều cơ sở thể thao Mỹ).
Khi đất nước quay cuồng sau vụ ám sát mục sư Martin Luther King và Thượng nghị sĩ Bobby Kennedy, Ashe chiến đấu để nâng cao các danh hiệu và làm theo lời khuyên của cha mình là không nên dính líu đến "mớ hỗn độn về quyền công dân".
Thái độ đó khiến một số nhà hoạt động xã hội gọi ông là Bác Tom, nghĩa là một người da đen chấp nhận số phận khuất phục trước người da trắng. Với cách cư xử mềm mỏng, khí chất tri thức và giọng nói nhẹ nhàng của mình, Ashe là hiện thân của mẫu người da đen không bạo lực với người da trắng, thích các nhãn hiệu quảng cáo.
Đó là điều mà cha ông đã truyền cho ông: để không bị tấn công, cần phải giỏi hơn họ về mọi thứ.
Mặc dù có sự nghiệp giống một người da trắng, nhưng ông vẫn là một người da đen và vào năm 1969, Arthur phải đối mặt với thực tế: chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đang làm cả thế giới phải khiếp sợ.
Thời điểm ấy, cùng với việc giúp Mỹ bảo vệ thành công danh hiệu Davis Cup (trong chuỗi 5 chiến thắng liên tiếp), khi cố gắng tham gia sự kiện Nam Phi Mở rộng (giải đấu đã bị hủy bỏ từ 2011), ông bị chính quyền thủ đô Pretoria từ chối cấp thị thực.
Không có giải đấu Nam Phi, ông vẫn là tay vợt xuất sắc nhất và năm 1970 ông giành Grand Slam thứ hai trong sự nghiệp, chức vô địch Australian Open. Đó không phải là chiến thắng duy nhất của Ashe. Nam Phi đã bị trục xuất khỏi Davis Cup vì không cho phép ông tham dự giải đấu của mình, điều mà Arthur đã cố gắng trong ba năm liên tiếp cho đến cuối cùng, vào năm 1973, để tự minh oan cho chế độ (và tìm cách chấm dứt lệnh cấm tham dự Olympic), họ cho phép ông thi đấu.
Ông đã thua trong trận chung kết trước Jimmy Connors, nhưng giành chiến thắng đôi với đối tác Tom Okker.
Rất ít nhà hoạt động chống lại chế độ phân biệt chủng tộc hiểu được thái độ của Ashe. Tuy vậy, ông luôn tin rằng sự hiện diện của mình trong giải đấu đã góp phần bình thường hóa hình ảnh của người da đen. Ông tin rằng việc thi đấu cho phép bản thân trở thành một ví dụ về kết quả của sự hội nhập.
Tuy nhiên, khi cố gắng mua vé của một số thanh niên muốn tham dự giải đấu và bị đẩy đến quầy "chỉ dành cho người châu Phi" (theo lời của Richard Lapchick - nhà văn và là nhà hoạt động nhân quyền, một người chống nạn phân biệt chủng tộc mạnh mẽ thập niên 1970), Arthur thừa nhận mình đã sai lầm và quyết định tham gia cùng những người kêu gọi tẩy chay các tay vợt Nam Phi.
Cách cư xử tốt của ông đã vô dụng.
Vinh quang Wimbledon và giải nghệ
Ashe nhút nhát và tập trung nhiều vào hoạt động tích cực, nhưng ông vẫn chưa trải qua khoảnh khắc đỉnh cao trong sự nghiệp của mình cũng như với bất kỳ tay vợt nào: chinh phục Wimbledon. Vào ngày 5/7/1975, ông đối mặt với Jimmy Connors, lần đầu tiên sau ba thập kỷ, hai người Bắc Mỹ lọt vào trận chung kết giải đấu vĩ đại của Anh.
Cả hai bước vào trận chung với với một hoàn cảnh chênh lệch hơn: Connors mới 22 tuổi, đang ở phong độ cao nhất, với mỗi bước đi ở giải đấu là một chiến thắng, trong khi Ashe chỉ còn vài ngày là bước sang tuổi 32 và sắp nghỉ hưu.
Thứ quần vợt bùng nổ của Connors, cùng với cú trái tay hai tay đầy uy lực giúp ông trở thành tay vợt được yêu thích nhất trong trận chung kết. Tuy nhiên, trên sân mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Ashe đã làm đúng như những gì cha ông đã truyền cho ông, để giỏi hơn người da trắng về mọi thứ.
Hôm ấy, ông đã thành công, thể hiện phong cách tennis tổng lực để đánh bại một Connors sừng sỏ. Ở London, ông viết thời khắc lịch sử mới: VĐV da đen đầu tiên vô địch Wimbledon - giải quần vợt lâu đời và danh giá nhất.
Tháng Giêng 1977, chấn thương khiến Ashe phải phẫu thuật và mất nhiều thời gian không thi đấu.
Khi chân vẫn còn bó bột và phải dùng nạng để đi lại, ông kết hôn với nhiếp ảnh gia Jeanne Moutoussamy, cũng là một nhà hoạt động mạnh mẽ. "Chủ nghĩa anh hùng chân chính rõ ràng là rất tỉnh táo, rất phi kịch tính. Nó không phải là vượt qua tất cả mọi người với bất kỳ giá nào, mà là nhu cầu phục vụ tất cả mọi người với bất kỳ giá nào", Jeanne viết. Đám cưới của họ diễn ra chỉ 4 tháng sau khi hai người gặp nhau.
Khi Ashe giải nghệ vào năm 1980, ông đã là một huyền thoại. Hơn 4 thập kỷ sau, Arthur vẫn là người da đen duy nhất vô địch Australian Open, Wimbledon và US Open.
Hoạt động xã hội và căn bệnh AIDS
Arthur dành thời gian quảng bá thể thao cho thanh thiếu niên da đen để tránh xa sự xa lánh của xã hội, cũng như sự bóc lột sức lao động mà các câu lạc bộ bắt đầu thực hiện. Ông tiếp tục tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, điều này khiến ông bị bắt bên ngoài Đại sứ quán Nam Phi ở Washington trong một cuộc biểu tình tháng Giêng 1985.
Đó không phải là lần duy nhất mà người anh hùng hào hoa phong nhã này phải vào tù. Năm 1992, ông bị bỏ tù vì biểu tình bên ngoài Nhà Trắng chống lại cuộc đàn áp gần đây đối với người tị nạn Haiti.
Lúc đó thể thao đã là một thú vui đơn thuần. Năm 1979, Ashe bị một cơn đau tim do bệnh tim di truyền mà mẹ ông cũng mắc phải và đã trải qua một cuộc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành khi mới 36 tuổi. Vài tháng sau, ông bị tái phát và phẫu thuật một lần nữa.
Năm 1988, khi Ahse nhập viện lần thứ ba, mọi người đều cho rằng nguyên nhân là cùng một căn bệnh. Nhưng lần này ông nhận một đòn nặng nhất của cuộc đời mình: Arthur bị nhiễm HIV. Một trong những lần truyền máu mà ông trải qua trong các cuộc phẫu thuật đã khiến ông mắc phải căn bệnh kỳ thị nhất thế kỷ 20.
Ashe cố gắng giấu kín chuyện này vì Camera, con gái nuôi hai tuổi của ông và Jeanne, cũng như sợ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động xã hội mà mình tham dự. Thế nhưng, tờ USA Today đã cảnh báo ông: họ đã phát hiện ra câu chuyện và sẽ xuất bản nó.
Nhà vô địch của 3 Grand Slam bước ra và tâm sự khiến hàng triệu người hâm mộ xót xa. "Tôi tức giận vì người ta đặt tôi vào tình thế phải nói dối nếu tôi muốn bảo vệ sự riêng tư của mình", ông công khai với báo giới. Đúng như phong cách sống cao quý của mình, Arthur không kiện phòng khám đã tiết lộ bệnh tình của ông cho giới truyền thông.
Đó là tháng 4/1992 và chỉ 5 tháng trôi qua kể từ khi huyền thoại bóng rổ Magic Johnson đưa ra thông báo tương tự. Đột nhiên, căn bệnh AIDS đáng sợ không còn là một căn bệnh ngoài lề nữa. Kể từ đó, Ashe đã thêm các chiến dịch nâng cao nhận thức về virus vào lịch trình hoạt động xã hội bận rộn của mình.
Ông lập Quỹ Arthur Ashe vì Phòng chống AIDS, nhằm nâng cao nhận thức về virus và ủng hộ việc giảng dạy giáo dục giới tính và tình dục an toàn. Cho đến khi qua đời năm 1993, ở tuổi 49, ông không ngừng làm điều đó dù chỉ một ngày.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ sau chiến thắng lịch sử ở US Open, tên tuổi của ông tiếp tục được nhắc đến như câu chuyện đầy tính thời sự, không chỉ vì sức hấp dẫn của giải đấu, hay nhà sản xuất Ashok Amritra đang thực hiện bộ phim Arthur Ashe (chưa rõ ngày ra mắt). Ngày nay, nhiều người tự hỏi thái độ của ông như thế nào đối với cuộc đấu tranh căng thẳng chống nạn phân biệt chủng tộc.
Vào cuối những năm 1960, ở đỉnh cao của cuộc đấu tranh cho các quyền xã hội, ông tuyên bố: "Đôi khi một cuộc biểu tình là cách tốt nhất để nhận được các tiêu đề về một thỏa thuận tồi tệ, nhưng tôi không nghĩ rằng những người biểu tình nên cố gắng gây rắc rối cho bất cứ ai. Chúng tôi sẽ không bao giờ tiến lên bằng vũ lực, dù chúng tôi đông hơn với tỷ lệ 10-1. Đàm phán im lặng và thâm nhập chậm có vẻ hy vọng hơn đối với tôi. Điều này có khiến tôi trở thành Bác Tom không? Nếu vậy thì tốt thôi".