Một doanh nhân 7X từng chia sẻ: người khiến anh ngưỡng mộ nhất là cô Phạm Chi Lan. Madam Phạm Chi Lan, như cách nhiều bạn bè quốc tế gọi người phụ nữ bé nhỏ về sức vóc nhưng có tầm trí tuệ uyên bác khiến đàn ông phải nể phục. Dù ở cương vị nào, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp VN (VCCI) hay là cố vấn kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, thành viên nữ duy nhất trong Ban nghiên cứu của Thủ tướng, hay sau này là chuyên gia độc lập, Madam Phạm Chi Lan luôn để lại dấu ấn cá nhân của mình.
Cũng có vóc dáng nhỏ bé, mái tóc ngắn cá tính và nụ cười dịu dàng, thế nhưng người phụ nữ ấy lại có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho bất kỳ ai gặp chị, trên bục giảng, trong các cuộc đối thoại, chia sẻ về phát triển năng lực quản lý và tiềm năng con người. Đấy là chị Đỗ Thùy Dương - người sáng lập Công ty Hội tụ nhân tài (Talent Pool).
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, chương trình Bàn tròn đã có cuộc trò chuyện cởi mở với hai nhân vật được coi như những mẫu hình của phụ nữ cùng thế hệ này.
Việt Lâm:Nhìn lại một sự nghiệp có thể nói là rất ấn tượng thì bước ngoặt nào đã tạo nên một Phạm Chi Lan như bây giờ?
Bà Phạm Chi Lan: Nhân ngày Phụ nữ VN 20/10, tôi muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả chị em phụ nữ đất nước mình. Năm nay là tròn 50 năm tôi làm việc kể từ ngày tốt nghiệp đại học. Nhờ có một quá trình làm việc dài nên cũng tích lũy được một số kinh nghiệm trong công việc cũng như cuộc sống. Tôi nghĩ là mình đã có những may mắn, cơ hội khi được làm việc ở những môi trường tốt, có những người xung quanh hỗ trợ, từ đó có thể phát huy được.
Tôi nghĩ cuộc đời làm việc của tôi luôn luôn gắn với quá trình học hỏi, tiếp cận hoặc là làm việc cùng những người khác. Chính sự học hỏi không chỉ qua sách vở, mà qua kiến thức, kinh nghiệm thu lượm từ những người xung quanh, sự hỗ trợ trực tiếp của các đồng nghiệp đã giúp tôi làm được một số việc cho đất nước.
Việt Lâm:Tôi nhớ có một lần bà đã chia sẻ rằng, trong những năm 60, khi chuẩn bị bước chân vào giảng đường đại học, bà đã chọn học Tiếng Anh trong khi hầu hết mọi người học tiếng Nga. Và đó là cơ duyên để giúp cho bà rất nhiều trong công việc về sau. Tại sao thời điểm còn trẻ ấy, bà lại có một lựa chọn khác với số đông như vậy?
Bà Phạm Chi Lan: Năm 1961, tôi bước chân vào Đại học Kinh tế Tài chính, bây giờ là Đại học Kinh tế quốc gia, khoa ngoại thương. Lúc đó có hai chọn lựa về học ngoại ngữ: tiếng Nga hoặc tiếng Anh. Khoảng 2/3 sinh viên chọn tiếng Nga vì lúc bấy giờ miền Bắc là một thành viên khối SEV, có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Liên Xô và Đông Âu. Tiếng Nga có vẻ là phương án hợp lý nhất vì có nhiều cơ hội làm việc.
Tiếng Anh hồi đó khá hiếm ở VN, chỉ được dạy ở một vài trường. Tôi quyết định học tiếng Anh bởi tôi hiểu tiếng Anh là thứ tiếng phổ biến nhất trong ngôn ngữ thương mại quốc tế. Ngoài ra, lựa chọn này còn bắt đầu từ một ý thích riêng. Lúc nhỏ, tôi thích đọc sách văn học, trong đó tôi mê nhất dòng văn học Anh. Từ việc mê thích những bản dịch, tôi lại có ước muốn sau này được đọc bản gốc bằng tiếng Anh. Có lẽ đây là một lựa chọn tình cờ nhưng sau này lại mở ra nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Khi vào trường có khoa tiếng anh thì tôi thích ngay học tiếng Anh, để có cơ hội đọc như vậy. Tôi nghĩ đấy cũng là một sự tình cờ nhưng cũng là một sự lựa chọn sau này lại giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việt Lâm:Điều khá thú vị là bàn tròn hôm nay có hai người phụ nữ đại diện cho hai thế hệ. Bà Phạm Chi Lan đã có một sự nghiệp dài 50 năm, còn chị Đỗ Thùy Dương là doanh nhân thế hệ 8X. Mới ngoài 20 chị Dương đã quyết định từ bỏ một công việc được coi là lý tưởng, làm cho tập đoàn nước ngoài để khởi nghiệp kinh doanh riêng. Điều gì khiến chị quyết định mạo hiểm như vậy?
Chị Đỗ Thùy Dương: Việc khởi sự kinh doanh đối với mình giống như là cái gì đến sẽ phải đến vậy.
Nếu nhìn lại cuộc đời mình có lẽ có ba thời điểm định hình nên con người tôi bây giờ. Lần đầu là khi tôi bước chân vào đại học Ngoại thương, đối diện với câu hỏi: Mình sẽ định hướng cuộc sống của mình như thế nào? Bởi với tất cả người VN thường đều chỉ đặt ra một định hướng là phải vào đại học và cố vào được trường tốt nhất. Còn sau khi vào đại học rồi thì điều gì sẽ tiếp theo? Lúc này không còn có ai, không có một hình mẫu nào để theo nữa mà mình phải tự định hướng.
Bước ngoặt thứ hai là khi tôi ôm đứa con còn rất bé sang Singapore chữa bệnh. Đấy là lần đầu tiên đi ra nước ngoài. Tôi chợt thấy thế giới này rộng lớn quá, nhiều thứ để phải học quá.
Còn thời điểm thứ ba đúng là khi tôi quyết định khởi sự kinh doanh. Lúc ấy, tôi đang đi làm cho một tập đoàn và khách hàng cứ thuyết phục mình mở công ty riêng đi. Bởi họ có rất nhiều dự án và muốn tôi đảm nhận những dự án đó cho họ. Thực ra, chính khách hàng đẩy mình đến quyết định kinh doanh và mọi chuyện cứ đưa đẩy mình vào con đường làm doanh nhân như thế.
Việt Lâm:Khá nhiều người phụ nữ thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều chia sẻ rằng sự kiện làm thay đổi thái độ, tư duy của họ thường bắt đầu từ một chuyến đi nào đó, khi họ khám phá ra một thế giới mới. Cả hai nhân vật của chúng ta hôm nay đều đi rất nhiều nơi. Vậy có chuyến đi nào khiến mọi người trải nghiệm sự thay đổi đó không?
Bà Phạm Chi Lan: Trong 37 năm làm ở VCCI thì công việc chính của tôi là làm đối ngoại. Thú thực là những chuyến đi ban đầu đối với tôi cũng không thực sự ấn tượng bởi đều là những chuyến đi quanh một vài nước XHCH cũ, như Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu. Mặc dù họ phát triển hơn mình nhiều nhưng bởi vì cách làm việc và mô hình tương tự nhau, tương đối đơn giản nên không có gì kích thích trí tò mò và ham muốn học hỏi của mình cả.
Nhưng chuyến đi sang một nước không phải XHCN lần đầu là sang Algerie vào năm 1976, sau khi VN thống nhất thì để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tuy Algerie chỉ là một nước đang phát triển nhưng cách tổ chức cuộc sống, tổ chức nền kinh tế của họ khiến cho tôi thực sự ấn tượng. Các hoạt động kinh doanh vô cùng sôi động. Chúng tôi đi trên những con phố cửa hàng la liệt người mua bán, kinh doanh, chào mua, chào bán tập nập. Khi đó tôi mới hiểu à, đây chính là kinh tế thị trường mà trên lý thuyết mình hay đọc đây.
Sau đó, tôi có một số dịp đi vào miền Nam và thấy sinh hoạt kinh tế ở Tp. HCM cũng sôi động, năng động hơn rất nhiều so với Hà Nội, kể cả khi cơ chế bao cấp được đưa vào Nam. Đó có lẽ là bước tác động đến tôi nhiều nhất. Từ đó, trong suy nghĩ cũng như hoạt động sau này tôi luôn cố gắng làm thế nào thúc đẩy sự hình thành một nền kinh tế năng động tương tự như vậy cho VN mình.
Người dân khi tham gia những hoạt động như vậy, họ tự lập, tự do hơn rất nhiều và họ sung sướng hơn nhiều. Họ tự mưu cầu cuộc sống của họ hơn nhiều, không bị lệ thuộc theo kiểu phải xếp hàng cả ngày để mua vài cân gạo như mình đã phải trải qua trong suốt thời kỳ bao cấp.
Chị Đỗ Thùy Dương: Những chuyến đi mở ra cho mình những khám phá mới về chính bản thân cũng như những góc nhìn đa chiều hơn. Tôi đi đến đâu tôi cũng hay hỏi mọi người là mọi người biết gì về VN rồi để xem mình ở trong nhìn thấy thế nào và người khác nhìn vào ra sao.
Ba quốc gia để lại ấn tượng nhiều nhất là Singapore bởi vì tôi đến nhiều nhất, có những trải nghiệm cả buồn, cả vui. Nơi tôi học được nhiều nhất là ở Mỹ. Lúc tôi học MBA, một giáo sư người Mỹ có nói là với tính cách của tôi thì nếu ở Mỹ, tôi sẽ rất thành công. Đấy chỉ là một câu động viên nhưng nó khiến tôi trăn trở là tại sao tính cách đó lại chỉ có thể thành công ở môi trường đó. Sự hội nhập của đất nước ngày hôm nay có lẽ là một cơ hội để trải nghiệm xem liệu sống trong một môi trường đa chiều hơn thì tôi có cơ hội cống hiến nhiều hơn hay không.
Ấn Độ là quốc gia thứ ba khiến tôi ấn tượng và thay đổi nhiều. Nếu Singapore, Mỹ hay VN là một thế giới thì ở Ấn Độ là các thế giới đan xen nhau. Ở đấy, tôi được đánh thức những điều chưa từng khám phá về chiều sâu nội tâm. Khi đến đó, tôi hay tự hỏi là tại sao những người dân nghèo khổ đến như vậy, thậm chí nhà vệ sinh còn không có nhưng họ không hề chỉ trích nhau. Ra đường kẹt xe kinh hoàng nhưng khuôn mặt họ không bộc lộ sự cau có. Điều gì khiến họ bình thản trước những chuyện mà mình cảm thấy rất khó chịu? Khi gặp và nói chuyện với họ, tôi thấy họ có sức mạnh từ bên trong. Và tôi đã tìm cách để học được sức mạnh đó.
CEO Đỗ Thùy Dương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việt Lâm:Vậy đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp những người phụ nữ thành công, từ trải nghiệm cá nhân của các khách mời?
Bà Phạm Chi Lan: Đối với tôi điều quan trọng nhất là luôn luôn phải mở to mắt ra mà học, bởi thế giới xung quanh mình rộng lớn quá. Những cái hay cũng có, cái dở cũng có, những cái khiến mình rất vui và những cái làm mình buồn và giận cũng có. Mình phải học từ tất cả những điều đó để rút ra cho mình những cái gì là cần thiết, những bài học nào có thể áp dụng. Những khó khăn của các nước khác nhiều khi cũng làm mình phải day dứt vì sao đất nước mình thuận lợi như thế mà không bứt phá lên được.
Trong những chuyến đi, ấn tượng sâu nhất trong tôi là một lần duy nhất đến Israel. Nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung được nơi sa mạc triền miên, đi từ giờ này sang giờ khác vẫn chỉ thấy hoang mạc. Vậy mà ở đó, họ đã đào được xuống sâu 1000 mét để lấy lên những giọt nước quý giá. Trên mảnh đất khô cằn đó, người Do Thái đã gây dựng được một nền kinh tế, nông nghiệp kỹ thuật cao, dựa trên nền tảng trí tuệ con người. Nó để lại cho mình ấn tượng mạnh mẽ về ý chí của cả một dân tộc. Người Do Thái bị đẩy khỏi đất nước mình suốt hàng ngàn năm, rồi đi qua cả thảm họa diệt chủng thời Chiến tranh Thế giới hai, lúc nào cũng đương đầu với thù địch xung quanh. Vậy mà họ vẫn kiên cường bảo tồn được dân tộc của họ và thời đại ngày nay thì phát triển đến tầm mức khiến thế giới phải ngưỡng mộ.
Tôi nghĩ những bài học như vậy rất quý giá. Nó trở thành động lực cho bản thân mình, cho mình thấy sự sáng tạo của con người là vô tận và lúc nào cũng phải nỗ lực vươn lên để thành công hơn, tốt đẹp hơn.
Nếu vào bất cứ thời điểm nào mà chúng ta cứ nghĩ mọi việc như thế là tốt đẹp lắm rồi, kinh tế nước mình chẳng gì cũng tăng trưởng thứ hai khu vực, chỉ thua Trung Quốc thì rất nguy hiểm. Bởi chúng ta sẽ tự mãn quá sớm mà không chịu mở mắt ra học hỏi người khác.
Đối với bản thân tôi, ham muốn học hỏi đó đến bây giờ, khi tôi đã 70 tuổi rồi vẫn không hề ngừng lại, bởi thế giới ngày nay còn thay đổi nhanh hơn nhiều, có biết bao điều đáng để tìm hiểu.
Cách đây hơn một tháng, tôi có dịp được gặp em Thương, một em bị khuyết tật, lúc nào cũng phải ngồi trên xe lăn. Thế nhưng giọng nói, giọng cười của em đầy chất sống, đầy nghị lực. Em là người đứng ra tổ chức một cơ sở cho những bạn khuyết tật khác làm hàng thủ công mỹ nghệ để bán. Nhìn vào những người như vậy mà thấy mình không cố gắng học hỏi thì thật xấu hổ.
Chị Đỗ Thùy Dương: Hôm đó tôi cũng gặp em Thương. Khi em ấy tâm sự về nỗi đau, sự thiệt thòi của bản thân không phải để cho mọi người thương cảm mà để nhắc mọi người nhận thức được những hạnh phúc mà mình đang có khi có một thân thể, một trí tuệ bình thường. Khi nghe những điều giản dị ấy từ một con người giản dị như em Thương làm cho tôi thực sự xúc động.
Nhân câu chuyện cô Lan kể về Israel, tôi có đọc cuốn Quốc gia khởi nghiệp viết về đất nước này. Có một chi tiết khiến cho tôi rớt nước mắt. Có lẽ đó là lần đầu tiên mình khóc khi đọc một cuốn sách kinh tế. Chi tiết ấy là sau khi bạn ấy quay trở về đất nước và nhìn thấy một sa mạc khô cằn, không có một nguồn sống nào cả thì bạn ấy bật khóc, cúi xuống hôn lên mảnh đất ấy.
Ở đây, mình mới thấy là có hai cách để chúng ta chọn lựa. Cách thứ nhất là chúng ta nhìn thấy quê hương sỏi đá, chúng ta cúi xuống, bật khóc nhưng chúng ta đứng dậy và xây dựng quê hương. Cách thứ hai là chúng ta chọn một quê hương khác đỡ sỏi đá hơn. Vậy mình chọn cái gì?
Nhà báo Việt Lâm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và CEO Đỗ Thùy Dương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Sau này, mình chơi với vài người bạn Israel thì mới hiểu được khả năng học hỏi của người Do Thái không chỉ đơn thuần là đi học ở bên ngoài mà họ dành 12 năm trong chương trình đào tạo của họ để học cách tranh biện lẫn nhau. Họ không để cho bất cứ ý kiến nào trở thành ý kiến duy nhất trước khi họ tranh luận đến tận cùng. Điều này thú vị ở chỗ là người đưa ra bất kỳ sáng kiến nào bởi vì đã được tranh luận đến tận cùng rồi cho nên nguy cơ người ấy bị sai phạm trong khi triển khai ý tưởng ấy vào thực tiễn sẽ được hạn chế tối thiểu. Đấy cũng là một trong những lý do mà tất cả các cuộc họp của người Israel thì chủ tịch chỉ là người lắng nghe và đưa ra quyết định chứ không phải là người thao thao như chúng ta vẫn đang nhìn thấy trong một số hình ảnh.
Bà Phạm Chi Lan: Họ cũng đưa ra phương châm hoan nghênh thất bại, tức là mọi người có quyền làm, có quyền thử nghiệm, có quyền thất bại, không ai kỳ thị người thất bại cả. Ngược lại, họ còn khuyến khích người ta sau thất bại thì đứng lên rút kinh nghiệm làm tiếp, để đạt tới thành công.
Trong thế giới hiện nay, không phải chỉ đối với các quốc gia, công ty, mà đối với từng con người cũng vậy rất cần một cái nhìn mở, sẵn sàng học hỏi, chứ đừng để một lý thuyết nào đó trở thành mũ kim cô của mình. Không thay đổi trong thế giới này thì sẽ không thể nào tồn tại được một cách vững chắc được đâu.
- VietNamNet
(còn tiếp)