Nạn nhân của truyền thông

Sau khi chứng kiến màn trình diễn tệ hại của Sterling ở Euro 2016, bạn có thể giật mình khi biết rằng phí chuyển nhượng của tài năng trẻ này là… 49 triệu bảng (đắt nhất lịch sử Man City). Sterling chính là ví dụ tiêu biểu nhất của “công nghệ thổi giá” mà truyền thông Anh tạo ra.

Sterling, nạn nhân của công nghệ lăng xê
Sterling, nạn nhân của "công nghệ lăng xê"

Thời ở Liverpool, chân sút sinh năm 1994 này được đánh giá là một trong những cầu thủ triển vọng bậc nhất thế giới. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Sterling thất bại thảm hại ở Man City và giờ là Euro 2016. Ấn tượng mà cầu thủ này để lại chỉ là sự “rối rắm” và vô duyên trong khâu dứt điểm.

Có câu chuyện gây cười về “công nghệ lăng xê” cầu thủ của truyền thông Anh. Đó là trong số báo xuất bản năm 2007, tờ Daily Mail đã đưa ra dự đoán về đội hình tương lai của Tam Sư (sẽ thi đấu ở World Cup 2014). Đáng chú ý, trong đó, không có gương mặt nào xuất hiện ở Euro 2016. Chỉ có Theo Walcott là cầu thủ duy nhất vẫn đang thi đấu ở CLB lớn (Arsenal), còn lại đã “mất tích” trong sự kỳ vọng. (Xem đội hình dưới đây).

Tờ Daily Mail dự đoán đội hình tuyển Anh trong tương lai (vào năm 2007)
Tờ Daily Mail dự đoán đội hình tuyển Anh trong tương lai (vào năm 2007)

Cũng với cách “tiên tri” như vậy, báo Bỉ đã dự đoán đúng về sự nở rộ tài năng của Eden Hazard, De Bruyne, Courtois, Lukaku…

Người Bỉ dự đoán rất chuẩn về thế hệ vàng tương lai
Người Bỉ dự đoán rất chuẩn về thế hệ vàng tương lai

Một câu chuyện khác. Đội hình U21 Anh lọt vào trận chung kết U21 châu Âu năm 2009 chỉ còn sót lại duy nhất James Milner được triệu tập dự Euro 2016 (chỉ được sử dụng 3 phút). Trong khi đó, hàng loạt cầu thủ của đội U21 Đức (đội chiến thắng U21 Anh trong trận chung kết năm ấy) lại vươn tầm ngôi sao như Manuel Neuer, Jérôme Boateng, Sami Khedira, Mesut Özil, Mats Hummels, Benedikt Höwedes…

Hai câu chuyện ấy cho thấy thực tế rằng người Anh quá giỏi lăng xê cầu thủ trẻ, trong khi đó, họ lại không thể có chiến dịch dài hơi để đưa họ vươn lên tầm ngôi sao (như người Đức, người Bỉ). Giờ đây, ai cũng thấy sự vươn lên của hai đội bóng ấy. Cần nhấn mạnh rằng, trước khi vươn tầm như hiện nay, bóng đá Đức và Bỉ đều trải qua chuỗi ngày tăm tối.

Không chỉ riêng gì những cầu thủ trẻ, những ngôi sao ở Anh đều chịu ảnh hưởng nhiều bởi “công nghệ lăng xê”. Họ có mức phí chuyển nhượng khổng lồ, hưởng mức lương “ông hoàng” ở CLB nhưng tất cả đều nằm ngoài giá trị thực. Sự thất bại thảm hại của CLB Premier League ở Champions League và đội tuyển Anh ở Euro 2016 đã cho thấy người Anh thực sự đang ở đâu trên bản đồ thế giới.

Chẳng ngoa khi nói rằng ngôi sao ở làng túc cầu Anh là công việc “sung sướng” nhất (với mức lương cao hơn mặt bằng chung) nhưng cũng áp lực nhất. Ngay sau thất bại trước Iceland vừa qua, truyền thông Anh đã mở cuộc “tổng công kích” đoàn quân của HLV Roy Hodgson. Thậm chí, tờ Metro và The Sun đã gọi những ngôi sao của Anh là “nỗi nhục quốc gia”. Hãy nhớ rằng, chỉ vài tuần trước đó, Wayne Rooney, Harry Kane, Jamie Vardy… vẫn còn là người hùng trên mặt báo.

Vẫn biết, ở bất cứ đâu, giới truyền thông cũng tác động không nhỏ tới nền bóng đá. Nhưng ở Anh, những ngôi sao có thể cảm nhận được rõ nhất “tính hai mặt” của báo giới (đặc biệt là những tờ lá cải). Ở đó, họ có thể “lăng xê”, “thổi giá” những cầu thủ nhưng ngay lập tức sẵn sàng vùi dập họ xuống địa ngục.

Người Anh quá mải mê với sự hào nhoáng của Premier League (nơi số cầu thủ ngoại chiếm số đông) mà quên mất thực tế rằng, thành tích của đội tuyển Anh đang tụt dốc từng ngày. Lần cuối cùng, họ lọt vào bán kết giải đấu lớn là Euro 1996. Trong khi đó, kể từ năm 2006 tới nay, họ chưa bao giờ vượt qua nổi vòng 1/8 (không được tham dự Euro 2008, bị loại ở vòng bảng World Cup 2014).

Lứa của Kane, Alli có giúp đội tuyển Anh vươn tầm trong tương lai?
Lứa của Kane, Alli có giúp đội tuyển Anh vươn tầm trong tương lai?

Những “hạt giống” tương lai

HLV Roy Hodgson từ chức, đó là điều tất yếu. Đơn giản, ông được xem là một trong yếu tố khiến đội tuyển Anh thất bại. Sự nghèo nàn chiến thuật (thể hiện rõ qua trận gặp Iceland) và bảo thủ (liên tục tin tưởng Sterling, Kane)… của ông đã khiến Tam Sư chưa thể hiện tối đa sức mạnh của mình.

Đã đến lúc người Anh cần HLV trẻ và nhiệt huyết hơn (Alan Shearer đã tự ứng cử). Nhưng ít nhất, Roy Hodgson cũng có công lao không nhỏ. Trong giai đoạn làm HLV đội tuyển Anh, ông đã dần trẻ hóa Tam Sư (với độ tuổi trung bình xấp xỉ 30). Giờ đây, những trụ cột của đội tuyển Anh đều mới ngoài 20 như Harry Kane, Dele Alli, Danny Rose, Kyler Walker, Eric Dier, Jack Wilshere, Raheem Sterling …. Ngoài ra, còn có những cầu thủ khác như Ross Barkley, Marcus Rashford, John Stones…

Đây là những “hạt mầm tốt” có thể trở thành bộ khung của đội tuyển Anh ở nhiều giải đấu lớn sau này như World Cup 2018, Euro 2020… Một điều đáng mừng là những cầu thủ trên đang là trụ cột ở CLB và tiếp tục cho thấy sự phát triển. Qua thời gian, họ hứa hẹn sẽ được tôi luyện để trở nên cứng cáp hơn.

Vấn đề muôn thưở của người Anh vẫn là giới truyền thông (họ vô tình đặt áp lực quá lớn lên các cầu thủ). Tất nhiên, điều này không thể thay đổi bởi nó thuộc phạm trù văn hóa ở xứ Sương mù.

Do đó, thêm một lần, những người hâm mộ Anh lại “thấp thỏm” chờ đợi vào thế hệ mới. Liệu chăng, họ có thể cứng cáp để vươn tầm như Gerrard, Lampard, Rooney, Rio Ferdinand… hay lại “chết yểu” như Theo Walcott hay Micah Richard?

Theo Dantri