Trước Quốc hội, Bộ trưởng từng có một câu nói khá ấn tượng “quét nhà thì phải quét nhà mình trước”. Vậy trong nhiệm kỳ, Bộ trưởng đã “quét” nhà mình như thế nào?
Tôi tâm đắc nhất là câu nói của Khổng Tử: “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Câu nói rất hay, ngụ ý về vấn đề nêu gương.
Nếu chúng ta không tu thân, không phải là người tốt, không làm tốt công việc của mình thì chúng ta nói không ai nghe. Nghĩa là chúng ta phải nói được làm được, phải thực sự gương mẫu.
Trong thời gian qua, tôi muốn gửi thông điệp này đến tất cả mọi người chứ không phải riêng Bộ Nội vụ hoặc cá nhân tôi. Đối với Bộ Nội vụ, thật sự chúng tôi cũng là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, tinh giản biên chế, xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm… chúng tôi làm một cách nghiêm túc.
Có như thế thì chúng tôi mới có thể góp ý cho các địa phương, các bộ, ngành để khắc phục, sửa chữa những vấn đề này được. Tôi muốn rằng trong thời gian tới, chúng ta vẫn tiếp tục làm những việc này, không riêng gì lĩnh vực nội vụ.
Cho đến nay, tôi vẫn muốn thông điệp này đến tất cả các bộ, ngành, các địa phương “phải quét sạch mình trước, rồi mới quét sạch nhà người khác được”.
Câu chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét” trước đây thường bàn tán xôn xao mỗi khi đến cuối nhiệm kỳ. Gần đây tình trạng này không còn nhắc đến nhưng lại xuất hiện một vài câu chuyện “lách luật”, “lách quy định” trong đề bạt cán bộ? Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc này?
Tôi cho rằng luật và các quy định không phải là nguyên nhân của việc bầu, bổ nhiệm cán bộ sai. Công tác cán bộ là công tác của Đảng, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật còn phải thực hiện các quy định hết sức chặt chẽ của Đảng.
Tại quy định số 205 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ, hành vi nào là chạy chức, chạy quyền; hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và quy định cụ thể việc xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Đồng thời, để xử lý triệt để tình trạng bổ nhiệm người trước khi nghỉ việc, nghỉ hưu, quy định 205 cũng quy định rõ “kể từ khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác, phải báo cáo bằng văn bản và phải được cấp trên trực tiếp đồng ý trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp”.
Với các quy định của Đảng và pháp luật như đã nêu là tương đối đầy đủ, cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nghiêm túc, quán triệt trong công tác triển khai, thực hiện để hạn chế đến mức tối đa các tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ.
Là người đứng đầu ngành làm nhiệm vụ gác cửa cho Chính phủ về công tác cán bộ, chắc Bộ trưởng gặp rất nhiều áp lực mỗi khi thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, đụng chạm đến “nồi cơm” của không ít người?
Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm. Hàng năm chúng tôi nhận được đề nghị về biên chế của các bộ, ngành, địa phương thì gần như không có bộ, ngành, địa phương nào đề nghị giảm biên chế. Ai cũng đề nghị tăng nhưng phải cương quyết thực hiện theo tinh thần nghị quyết.
Bởi vì việc thực hiện tinh giản biên chế có lộ trình, có mục đích rất rõ ràng, không thực hiện được nhiệm vụ này cũng có nghĩa là chúng ta không thực hiện được chính sách cải cách tiền lương.
Mục đích rất rõ như thế. Chúng ta đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục giấy tờ, sử dụng công nghệ thông tin thì không lý do gì mà chúng ta không giảm được người.
Giảm những người làm việc kém, năng suất không đạt yêu cầu nhiệm vụ để chọn người tốt hơn thì không có lý do gì chúng ta không làm.
Trong thời gian qua, các địa phương mặc dù còn xin giữ, xin tăng thêm biên chế cũng vì lý do chúng ta thực hiện khoán kinh phí trên biên chế. Vì vậy, tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, cương quyết thực hiện chính sách lương mới để chấm dứt tình trạng khoán kinh phí trên biên chế. Chấm dứt tình trạng khoán kinh phí biên chế thì sẽ không còn phát sinh thêm biên chế nữa. Chúng ta sẽ biết chọn người, sử dụng người nào để thu nhập cho cán bộ, công chức ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, có những chỗ cần tăng thì cũng phải cho tăng như giáo dục, y tế là phải tăng để đảm bảo phục vụ cho việc giảng dạy và chữa bệnh. Còn nơi nào cần giảm thì phải cương quyết giảm, áp lực thì cũng phải làm.
Là lãnh đạo địa phương (trước đây là Bí thư Đồng Tháp) được phân công ra Trung ương giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, ông thấy mình có những thuận lợi, khó khăn gì?
Tôi không so sánh lãnh đạo ở địa phương hay lãnh đạo ở bộ, ngành Trung ương, bởi mỗi nhiệm vụ đều có vị trí, chức năng và trách nhiệm nặng nề của nó.
Bí thư tỉnh ủy trách nhiệm cũng rất nặng, Bộ trưởng trách nhiệm cũng không kém. Nhưng từng vị trí, sở trường chúng ta có từng cách xử lý khác nhau. Cách xử lý ở địa phương trong một phạm vi hẹp, va chạm ở cấp tỉnh nhưng phức tạp hơn. Còn ở trung ương thì phạm vi lớn hơn và cũng có nhưng thuận lợi và khó khăn riêng
Tất nhiên làm ở Trung ương thì áp lực nhiều hơn ở địa phương. Vì ở địa phương Bí thư tỉnh ủy là người có quyền lực cao nhất ở tỉnh, nhưng với trung ương, thì mình làm công tác tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền và chịu áp lực của địa phương.
Điều này đòi hỏi cần phải xử lý các mối quan hệ hài hòa, để làm tốt công tác tham mưu, lắng nghe ý kiến bên dưới, tham mưu một cách chính xác để cấp trên quyết định hài hòa.
Trong điều kiện như vậy, tôi cũng đã cố gắng để bám sát thực tiễn, các quy định của Đảng, pháp luật để tham mưu tốt cho Chính phủ trong nhiệm kỳ qua.
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua thì Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân bây giờ khác với Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân ngày trước như thế nào? Nếu được lựa chọn thì ông sẽ làm gì?
Đối với công tác cán bộ tôi không được lựa chọn. Tất cả phải do sự phân công của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình làm việc từ xưa đến giờ tôi chưa lựa chọn một lần nào, Đảng phân công nhiệm vụ gì tôi thực hiện nhiệm vụ đó và cố gắng làm hết sức mình.
Trong thời gian qua với hơn 40 năm công tác, đây cũng là nhiệm kỳ cuối tôi công tác, tôi cảm thấy hạnh phúc khi đã hoàn thành công việc của mình.
Tôi cảm ơn Đảng, Chính phủ, các địa phương, các bộ, ngành, cán bộ công chức của Bộ Nội vụ đã cộng tác, hỗ trợ giúp đỡ tôi trong thời gian qua làm được một số việc.
Hiện Bộ Nội vụ có 7 lãnh đạo gồm Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và 6 thứ trưởng là các ông: Trần Anh Tuấn, Nguyễn Duy Thăng, Triệu Văn Cường, Nguyễn Trọng Thừa, Vũ Chiến Thắng và bà Phạm Thị Thanh Trà. Tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua, bà Phạm Thị Thanh Trà là lãnh đạo duy nhất của Bộ Nội vụ trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. |
Thu Hằng - Trần Thường
Bộ trưởng Nội vụ chuyển giao một số nhiệm vụ cho Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông báo số 5220 về việc điều chỉnh phân công công tác Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Nội vụ.