Theo tín ngưỡng văn hóa của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công, ông Táo về chầu trời, báo cáo những công việc một năm qua ở hạ giới. Người dân thường cúng tiễn ông bằng cá chép, nhà nào cũng mua 3 chú cá chép vàng để ông Táo cưỡi về trời.
Làng Tân Cổ, xã Quảng Tân, nghề truyền thống nuôi cá ông Táo cũng bắt nguồn từ sự tín ngưỡng đó. Theo các cụ cao niên trong làng thì nghề có từ bao đời nay rồi, cụ thể từ khi nào thì họ cũng không hề biết chỉ biết khi lớn lên, các cụ đã biết đến cái nghề này do ông cha để lại. Các cụ cũng cho hay, nghề nuôi cá chép của làng trước hết để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình.
Ở làng này hầu hết nhà nào cũng có ao, ít nhất cũng có 1 ao, nhiều tới 3-4 cái ao, ao to, ao nhỏ để nuôi cá giống, đặc biệt là cá ông Công, ông Táo. Làng có khoảng trên 80% hộ là đều làm cái nghề truyền thống này.
Người nuôi cá cho biết, khoảng độ tháng 7, tháng 8 là bắt đầu nuôi cá chép để cho kịp bán vào ngày Tết. Cá chép giống khi thả chỉ bằng nửa đốt ngón tay, sau 4-5 tháng to khoảng hai đến ba ngón tay là vừa đẹp để thu hoạch. Thức ăn của cá chủ yếu là rong rêu, sinh vật phù du, thỉnh thoảng được cho ăn cám bổ sung. Giá cá giống chỉ 100 đồng/con, chi phí nuôi thấp, chủ yếu là công chăm sóc. Theo kinh nghiệm thì cá bắt từ dưới ao lên chưa thể chuyển đi ngay mà phải được thả vào bể ép. Trong 2 ngày, bể ép luôn được bơm sủi để cá có đủ oxy thở, nhưng tuyệt đối không được cho cá ăn no vì vận chuyển sẽ có nguy cơ cá chết.
Những năm gần đây, mặc dù nghề cá đã có phần thu hẹp, nhưng truyền thống bán “cá ông Công, ông Táo” của làng thì vẫn được giữ nguyên. Là vùng quê sống chủ yếu bằng nghề trồng nông nên dường như cả cái tết ấm no của các gia đình nơi đây hầu như trông chờ cả vào tiền bán cá trong “ngày ông Công, ông Táo” này.
Nếu gặp vào năm giá cá cao, mỗi gia đình có thể lời lên đến chục triệu. Tuy nhiên, năm nay, giá cá so với năm ngoái lại giảm gần như một nửa, năm ngoái 150 nghìn/kg, năm nay chỉ còn khoảng 80-90 nghìn/kg.
Theo Dân Trí