Gia Lai là tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 38.500 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đến gần 90%. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm bình quân trên 3% (áp dụng theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025); phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; hoàn thành cơ bản 100% công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 95% số hộ di cư không theo quy hoạch; giải quyết cơ bản 100% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp”, toàn tỉnh Gia Lai có 516 tổ hợp tác, 311 HTX nông nghiệp (tăng 192 HTX so với đầu nhiệm kỳ). Trong đó, có 22 HTX do Hội nông dân trực tiếp hướng dẫn thành lập với 733 thành viên, thâm canh khoảng 30 ngàn ha cây trồng các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nhằm đổi mới phương thức hoạt động, Hội nông dân tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hội viên nông dân cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hình thành kinh tế tập thể trong nông nghiệp, hướng tới xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã. Nhiều tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp sau thời gian hoạt động hiệu quả đã mạnh dạn đầu tư, tiến tới thành lập hợp tác xã để nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất. 

Theo báo cáo Hội nông dân tỉnh Gia Lai, trong nhiệm kỳ qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, thu hút hàng chục ngàn hội viên, nông dân tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 115 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có 66.485 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, các thành viên tham gia chi/tổ hội nghề nghiệp cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi từ những chia sẻ thông tin, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm gieo trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi và được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây-con giống, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn ưu đãi, mua phân bón trả chậm… Những lợi ích thiết thực đó là cơ sở để hội viên nông dân ngày càng tham gia sâu rộng vào các chi/tổ hội.  

Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần đổi mới mô hình tổ chức, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên trong cùng chi, tổ hội, giữa hội viên với doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, nhà tư vấn trong quá trình sản xuất. Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, bổ ích, đảm bảo 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi đã khắc phục được cơ bản những hạn chế, khó khăn trong nhiều năm về hoạt động của chi hội, tổ hội. 

Hội viên tham gia chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ kiến thức, được cung cấp, trao đổi thông tin giá cả thị trường, các loại giống cây con, được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất… đã mang lại lợi ích thiết thực và nhu cầu chính đáng của hội viên nông dân. Nhiều chi hội, tổ hội đã chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp và nhà khoa học tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, liên kết với các hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh. 

Một số chi hội, tổ hội bước đầu đã định hình và hình thành được mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tiêu biểu: Tổ hội cà phê thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai với 20 thành viên, quy mô diện tích 24,6 ha, doanh thu 3 năm 5 tỷ 250 triệu đồng, lợi nhuận bình quân/năm là 1 tỷ 750 triệu đồng.

Phường Sông Bờ hiện có 4 tổ hội và 1 chi hội nghề nghiệp với hơn 80 thành viên, chủ yếu tập trung chăn nuôi heo, gà, dê và trồng lúa nước. Đối với người nông dân, việc tham gia các chi hội, tổ hội nghề nghiệp giúp tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác mới, qua đó dần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất nhỏ lẻ trước đây sang sản xuất theo hướng liên kết, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững.

Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đi vào hoạt động trở thành cầu nối giữa Ban Chấp hành với hội viên, nông dân, từ đó thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt Hội. Trên cơ sở các chi-tổ hội được thành lập, Hội Nông dân phường thường xuyên tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình hiệu quả để hội viên tích lũy kinh nghiệm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình. Trên cơ sở khảo sát, thời gian tới, Hội Nông dân phường dự kiến thành lập Tổ hội chăn nuôi ốc bươu đen.

Tương tự, tổ hội nghề nghiệp trồng lúa nếp phường Hòa Bình được thành lập năm 2019 có 19 hộ tham gia với diện tích 19 ha. Sau 3 năm thành lập, Tổ hội tăng lên 29 hộ với hơn 30 ha. Anh Ngô Văn Thuận-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa nếp-cho biết: Ngay sau khi thành lập, 19 thành viên được hỗ trợ gần 123 triệu đồng từ nguồn vốn khoa học công nghệ để đầu tư sản xuất, được tham gia hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc giúp tăng năng suất cây trồng. Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, liên kết giới thiệu đầu mối tiêu thụ nên tránh bị thương lái ép giá.

Nhằm giúp đồng bào Jrai phát triển mô hình chăn nuôi, Hội ND xã đã hướng dẫn ND thành lập 2 mô hình tổ hội nghề nghiệp nuôi dê và tổ hội nghề nghiệp nuôi heo làng Phun Thanh. Các tổ hội ND nghề nghiệp này duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần. Trong những lần sinh hoạt, các thành viên chia sẻ, thảo luận những thông tin về giá cả thị trường, kỹ thuật chăn nuôi, kết nối tiêu thụ sản phẩm, cách thức phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Lúc mới thành lập, mỗi tổ hội chỉ có 4 thành viên thì nay đã phát triển lên 8 thành viên. Các tổ hội đã góp phần tạo thêm việc làm, phát triển nhanh đàn gia súc ở địa phương, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Giữa năm ngoái, Hội Nông dân xã Ia Khươl (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã ra mắt Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò tại Chi hội Nông dân làng Pôk. Tổ hội có 11 thành viên là hội viên nông dân làng Pôk, đang chăn nuôi hơn 70 con bò. Tại lễ ra mắt, các thành viên đã bầu ông Rơ Châm Phyúk làm Tổ trưởng và thống nhất hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản kết hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ; 1 tháng sẽ tổ chức sinh hoạt 1 lần.  

Trước đó 1 tháng, Hội Nông dân thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cũng đã tổ chức lễ ra mắt Tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây cà phê. Theo đó, Tổ hội trồng và chăm sóc cây cà phê làng Đê Hrel gồm 17 thành viên do ông Nhưnh làm Tổ trưởng. Cũng được hưởng lợi nhiều mặt từ khi tham gia tổ hội nghề nghiệp, các hội viên tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây cà phê có nhiều cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ vay vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng; đồng thời, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống.

Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội nông dân tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo xây dựng các mô hình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Có thể nói, mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp bước đầu đã tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chung tay cùng với huyện trong việc xây dựng huyện nông thôn mới.

Nhóm PV