Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 năm gần đây, trên toàn quốc đã ghi nhận 927 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 31.000 người bị ngộ độc, trong đó có 229 người chết.

Trung bình mỗi năm xảy ra 185 vụ với hơn 6.000 người bị ngộ độc khiến 46 người tử vong. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với mẫu mã đẹp, giá rẻ… trà trộn vào các loại thực phẩm trong nước khiến người tiêu dùng khó khăn trong việc lựa chọn.

Theo tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội), chúng ta có thể loại bỏ từ 70−80% hóa chất bảo vệ thực vật còn tồn dư trong thực phẩm bằng cách rửa rau, quả, thực phẩm trực tiếp dưới vòi nước sạch. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên trang bị cho mình những kiến thức để phân biệt giữa thực phẩm trong nước và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay thực phẩm Trung Quốc với những loại thực phẩm thường gặp. Cụ thể:

  • Gừng Trung Quốc có đặc điểm bề mặt vỏ trơn, bóng, mọng nước, ruột vàng, ít xơ. Gừng trong nước tuy xấu mã, củ nhỏ, sần sùi nhưng rất thơm.
  • Hành khô Trung Quốc củ to, chỉ có một tép, không thơm, vỏ mỏng. Ngược lại hành ta thường có vài tép trên một củ, rất thơm, lớp vỏ dày.
  • Tỏi Trung Quốc thường có nhiều tép, củ to, vỏ mỏng, rất dễ bóc, có vị hăng, the. Tỏi ta có nhiều loại song có đặc điểm chung là củ nhỏ, khó bóc, vị thơm rất đặc trưng.
  • Hành tây Trung Quốc có vỏ xanh, còn hành tây trong nước thường bóng, có hình dạng tròn đều hoặc bầu dục, có màu vàng, tím hoặc trắng
  • Cà chua Trung Quốc quả to, bóng đều, không cuống vì sử dụng chất bảo quản rất lâu. Ngược lại, cà chua ta thường có cuống, tươi hơn, quả hơi nhọn.
  • Bắp cải Trung Quốc trắng xanh, nhỏ, cuộn chặt. Bắp cải ta xanh đều, bên ngoài có nhiều lá xanh thẫm, to, không cuộn chặt (bắp cải Bắc) hoặc to, màu trắng (bắp cải Đà Lạt).

Bích Thủy (Theo TGVH)