Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phổ lâm sàng của bệnh nhân Covid-19 rất đa dạng, từ mức độ không triệu chứng đến triệu chứng rất nặng. Trong đó, những triệu chứng phổ biến nhất gồm: sốt hoặc ớn lạnh, ho, đau họng, mệt mỏi toàn thân, đau đầu, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, mất vị giác hoặc khứu giác, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, các triệu chứng khác (như thở nhanh, khó thở, suy hô hấp),…

Sốt là triệu chứng gặp ở 70-80% các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh nhân có biểu hiện sốt nóng là chủ yếu, có thể kèm gai rét hoặc ớn lạnh, nhiệt độ thường dao động từ 37,5 đến 39 độ C. Chỉ một số trường hợp có biểu hiện sốt cao trên 39,5 độ C.

Thời gian sốt thường kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo là tình trạng mệt, đau mỏi cơ, khớp. Tuy nhiên, một số trường hợp không sốt hoặc sốt rất nhẹ dẫn đến việc tầm soát ca bệnh trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn.

“Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà”mới nhất do Bộ Y tế ban hành nêu rõ, đối với người lớn, nếu có triệu chứng sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều, bệnh nhân có thể uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 500mg. Có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên. Uống thêm Oresol nếu ăn kém/giảm hoặc dùng uống thay nước.

Đối với trẻ em sốt trên 38,5 độ C, Bộ Y tế hướng dẫn cho bé uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 lần.

Nếu dùng thuốc hạ sốt 2 lần nhưng không đỡ, yêu cầu người bệnh thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được xử trí.

TS.BS Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, biên độ giữa liều điều trị đến liều độc của thuốc paracetamol khá rộng, nên người cơ địa bình thường phải dùng liều rất cao mới có thể xảy ra ngộ độc. Trường hợp sơ suất chồng liều, khoảng cách giữa 2 liều dày hơn không đáng kể so với khuyến cáo sẽ không quá nguy hiểm.

Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử bệnh gan (như viêm gan mạn tính tiến triển) hoặc cơ địa mẫn cảm với paracetamol, dùng liều cao hơn khuyến cáo sẽ có nguy cơ ngộ độc paracetamol dẫn tới viêm gan, tăng men gan,… Bởi vậy, F0  khi dùng thuốc tự điều trị tại nhà cần tuân thủ theo liều đã được hướng dẫn.

Bác sĩ khuyến cáo bên cạnh sử dụng paracetamol, người bệnh nên áp dụng thêm những biện pháp cơ học giúp hạ nhiệt, như lau mát cơ thể bằng nước ấm, lấy khăn ấm chườm, uống bù nước và điện giải, nới lỏng quần áo,… Việc kết hợp nhiều biện pháp bên cạnh uống thuốc sẽ giúp hạ sốt hiệu quả.

Thông thường, tình trạng sốt do mắc Covid-19 chỉ kéo dài một vài ngày. Khi sốt kéo dài quá lâu, bạn có thể đã bị bội nhiễm vi khuẩn, bội nhiễm nấm hoặc mắc các bệnh lý khác kèm theo Covid-19.

Bởi vậy, nếu dùng thuốc paracetamol và áp dụng tất cả các biện pháp hạ sốt như đã khuyến cáo nhưng vẫn sốt dai dẳng, bệnh nhân cần liên hệ ngay với lực lượng y tế để được thăm khám và chăm sóc y tế kịp thời, không nên tiếp tục tự điều trị.

Với trẻ em mắc Covid-19, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ điều trị F0 tại nhà đưa ra hướng dẫn, phụ huynh cần chườm ấm cho bé và dùng thuốc hạ sốt theo đúng cân nặng. Trường hợp bé khó uống, mẹ có thể sử dụng thuốc dạng đặt hậu môn hoặc cho con uống bằng bơm tiêm. Nếu trẻ sốt không hạ, có thể phối hợp với Ibupfen 8-10 mg/kg sau 2-3 giờ.

Bác sĩ Cường lưu ý khi trẻ sốt cao, cần bù Oresol theo hướng dẫn như sau. Với trẻ dưới 1 tuổi, cho uống 5-10 ml Oresol mỗi 5 phút (khoảng 1 thìa hoặc bơm tiêm không kim). Nếu chưa có Oresol, mẹ có thể vắt sữa và cho bé uống bằng thìa theo cách trên. Với trẻ lớn hơn 1 tuổi, cho uống 5-15 ml Oresol (tùy theo tuổi) mỗi 5 phút. Không được pha Oresol vào sữa mẹ để cho con uống. Có thể chọn loại Oresol vị cam, chai Oresol sẵn.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Quỳnh Anh

Test nhanh dương tính SARS-COV-2 lần 1 chưa phải là F0?

Test nhanh dương tính SARS-COV-2 lần 1 chưa phải là F0?

Theo đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, người có test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 phải kèm theo tiêu chí khác, mới được xem là F0 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.