Ryo Uchida cho rằng “do bị lóa mắt trước giáo dục trong tư cách là “thứ tốt đẹp”, người ta không nhìn thẳng vào nguy cơ nên làm xảy ra tai nạn nghiêm trọng”.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, có lẽ rất ít người nghi ngờ vai trò của giáo dục đối với sự trưởng thành, phát triển của cá nhân cũng như của mỗi quốc gia, dân tộc. Các quốc gia trên khắp thế giới đều nhấn mạnh giáo dục là chìa khóa, là quốc sách, là nhân tố quyết định đến sự thành bại của chiến lược quốc gia, đến tương lai của dân tộc. Tuy nhiên, trong cuốn sách Căn bệnh giáo dục (xuất bản lần đầu tại Nhật Bản năm 2015), tác giả Ryo Uchida lại bắt đầu tác phẩm của mình bằng một phản đề “Giáo dục có phải là thứ luôn tốt đẹp không?”. Câu trả lời của tác giả ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách là “Không”. Ông viết: “Thứ tốt đẹp” có tên giáo dục đã đi quá đà mà không có phanh hãm vì nó tốt đẹp. Những mục tiêu chói lóa như “cảm động”, “vì trẻ em” đã làm cho người ta không nhìn ra được những nguy cơ lớn tiềm ẩn ở đó”.