“Đối với tôi, voi không đơn thuần là động vật, mà chúng là bạn, là thành viên trong gia đình, thậm chí là một con vật linh thiêng”, Y Sol Sruk bộc bạch.
“Cha tôi là nài voi có tiếng trong vùng. Trước đây, ông cũng đưa con voi của gia đình - Kham Sen (nay 34 năm tuổi) phục vụ du khách. Kham Sen ngày ngày chở khách, giúp cha có tiền nuôi tôi, gia đình, người thân trong dòng họ. Nhưng giờ đây, tôi không muốn làm du lịch trên lưng của những con voi nữa”, Y Sol nói.
Khoảng ba năm qua, Y Sol Sruk (26 tuổi) - một chàng trai sinh ra và lớn lên tại buôn Cuôr Tak, xã Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk đón khoảng 1000 du khách tham gia trải nghiệm du lịch thân thiện với voi. Anh hướng dẫn du khách cùng voi dạo chơi, “trò chuyện với voi”, cho voi ăn, chụp ảnh và lắng nghe câu chuyện về cuộc đời những con voi, những nài voi nổi tiếng trong vùng.
"Trung bình mỗi tuần, tôi đón 2 tới 3 đoàn du khách tới thăm, tham gia “chuyến đi trị liệu cùng voi”. Có những người rưng rưng xúc động khi biết tới sự cống hiến của chú voi cho gia đình, dòng họ”, Y Sol chia sẻ.
Cha Y Sol anh là một người nài voi lâu năm. Từ nhỏ, Y Sol đã gắn bó với những chú voi trong nhà và bản làng. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chàng trai bôn ba khắp nơi, tìm công việc để kiếm tiền đỡ đần gia đình.
Sau hơn 4 năm làm việc ở nhiều nơi, Y Sol nhớ quê hương. Anh luôn mơ về mảnh đất quê nhà hùng vĩ, mang những nét văn hóa đặc trưng Tây Nguyên mà hiếm nơi nào có được. Năm 2020, chàng trai người M'Nông quyết định nghỉ việc, về quê, bắt đầu tìm hướng làm du lịch.
Với chút tiền tiết kiệm, Y Sol tận dụng đất của gia đình, cải tạo khu nhà sàn thành một không gian có thể đón du khách đến nghỉ ngơi, ăn uống. Anh học đánh cồng chiêng từ bà con dân làng, học cách chế biến các món ẩm thực địa phương. Chàng trai 22 tuổi cũng học chụp ảnh, giới thiệu thông tin du lịch trên mạng xã hội để thu hút du khách.
"Bắt đầu làm du lịch đúng khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi gặp không ít khó khăn. Có những thời điểm, tưởng như, giấc mơ khởi nghiệp ở mảnh đất quê hương trở nên vô vọng”, Y Sol tâm sự. Nhưng chàng trai không dừng lại, vẫn theo đuổi đam mê. Dần dần, tour du lịch thăm bản làng, núi thác hoang sơ của Y Sol thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách, trong và ngoài nước.
Chàng trai M’Nông đón du khách thăm thú bản làng Tây Nguyên trên những chiếc máy cày - phương tiện “xa lạ” nơi thành thị, cùng họ trekking thăm thác Bìm Bịp hoang sơ, ăn bữa trưa ngay chân thác. Buổi chiều, đoàn lên máy cày để vào rừng, đi dạo cùng voi trong hành trình khoảng 2km.
Với sự hỗ trợ của Y Sol và những nài voi kinh nghiệm, du khách có thể thăm thú, quan sát, cho voi ăn, chụp ảnh, ngắm nhìn cuộc sống bình yên của loại động vật này và nghe những câu chuyện, tiểu sử của mỗi con voi.
Đoàn dần tiến về khu vực hồ Lắk lúc hoàng hôn. Không chỉ là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đắk Lắk, hồ Lắk còn nổi tiếng về sự nguyên sơ, hoang dã của những cánh rừng dọc bên bờ hồ. Khoảng chục chú voi của các gia đình trong buôn làng tập trung ven hồ để du khách thoải mái ngắm nhìn, chụp ảnh.
Y Sol kể, khoảng 8 năm trước, chú voi Kham Sen của gia đình anh trong thời điểm động dục, trở nên hung hãn, tấn công bố Y Sol. Sau lần đó, gia đình đưa Kham Sen trở lại rừng sống và thay phiên nhau đưa thức ăn, chăm sóc Kham Sen mỗi ngày.
Hai năm trở lại đây, khi chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ vận động bà con dừng hoạt động cho du khách cưỡi voi, nhiều gia đình tại buôn Cuôr Tak cũng đưa voi trở về rừng.
"Voi giúp người dân buôn làng làm việc, kiếm nguồn thu nhập tốt từ du lịch. Việc dừng hoạt động cưỡi voi khiến không ít gia đình trở nên khó khăn, mất nguồn thu”, Y Sol cho biết. Đó cũng là lí do thôi thúc anh tìm cách làm du lịch thân thiện với voi để vừa bảo vệ đàn voi vừa giúp bà con buôn làng có nguồn thu ổn định.
Thay vì cưỡi voi, Y Sol làm du lịch thân thiện với voi bằng cách hướng dẫn du khách cùng voi dạo chơi, gọi là "chuyến đi trị liệu".
Khi thấy trải nghiệm du lịch của Y Sol khả thi, nhiều gia đình trong buôn làng cũng dần ủng hộ hướng đi của chàng trai. Họ ngừng dịch vụ cưỡi voi, đưa voi tập trung bên hồ Lắk tham gia “chuyến đi trị liệu”. Du khách có thể thuê trang phục, thuê nài voi để hỗ trợ chụp những bộ ảnh ấn tượng, thân thiện bên voi.
Thời khắc hoàng hôn, đàn voi trong làng tập trung bên hồ Lắk. Xung quanh, người dân trình diễn cồng chiêng, đàn, hát. Du khách vừa ngắm hoàng hôn, chơi đùa cùng voi vừa hòa vào không gian âm nhạc Tây Nguyên truyền thống. Những mệt mỏi, âu lo thường nhật dường như tan biến, nhường chỗ cho sự thảnh thơi.
"Những chú voi này đều có nài voi đi kèm để đảm bảo an toàn cho du khách”, Y Sol cho biết.
Buổi tối, rời hồ Lắk, Y Sol đưa du khách về nhà sàn của gia đình, cách chừng mấy km. Phía trước nhà là dãy nhà tiếp khách, tổ chức ca hát, chơi cồng chiêng…, phía sau là khu dom (dạng phòng nghỉ chia vách) để phục vụ khách lưu trú.
"Kinh tế chưa nhiều nên khu nhà của tôi còn rất đơn giản, không phải homestay chuyên nghiệp. Du khách tới nhà của Sol để cảm nhận cuộc sống thường nhật của bà con buôn làng”, Y Sol nói.
Bên bếp lửa, Y Sol cùng du khách thưởng thức những món ăn đặc trưng của Tây Nguyên như canh tro vỏ chuối, chả cả thác lác, vịt nướng, thịt heo nướng ống tre, gỏi cà đắng cá khô, canh cà đắng, tép ram khế,… Du khách cũng có thể tham gia đốt lửa trại, thưởng thức văn hóa cồng chiêng.
(Ảnh: Vinh Gấu)
Tour du lịch thân thiện với voi của Y Sol đã có hơn 1.000 du khách tham gia. Mỗi tour từ 20 đến 25 người. Y Sol gây dấu ấn với du khách bởi tình yêu mãnh liệt dành cho mảnh đất và văn hóa nơi anh sinh ra, sự trân trọng dành cho những chú voi trong buôn làng và sự khát khao xây dựng quê hương của một người trẻ.
Hiện,chàng trai đang liên kết với nhiều bà con trong buôn làng để xây dựng những đội văn nghệ truyền thống, nhóm nấu ăn, đón khách… giúp bà con tăng thêm thu nhập, có hướng nhìn tích cực về du lịch cộng đồng.
“Tôi rất yêu thích Y Sol - chàng trai người đồng bào ở vùng xa nhưng tiếp thu chọn lọc được nhiều kiến thức văn minh, tân tiến trong quá trình đi làm ở các công ty, nhà hàng tại Buôn Ma Thuột, TP.HCM… Bạn ấy có tư duy làm du lịch thông minh, điển hình là tư duy bảo vệ voi và thiên nhiên”, Travel Blogger Vinh Gấu chia sẻ. Anh vừa có một chuyến đi tới hồ Lắk, khám phá bản làng người M’Nông vào đầu tháng 3.
Theo nam blogger này, ở khu du lịch hồ Lắk vẫn còn lác đác cảnh người dân cho du khách cưỡi voi. Do đó, anh đánh giá rất cao hướng đi thân thiện với voi mà Y Sol đang từng ngày thực hiện.
“Mỗi du khách có thể chọn cách trải nghiệm cho riêng mình. Với tôi, những trải nghiệm thân thiện giúp voi được ăn uống no nê nhưng không cần làm việc nặng nhọc, là cách góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ voi khỏi hoạt động cưỡi voi du lịch”, Vinh Gấu chia sẻ.
Bài viết: Linh Trang - Thiết kế: Đỗ An