Một buổi sáng đầu tuần tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, nơi có một vách núi nhân tạo dành cho những người ưa thích mạo hiểm, muốn trải nghiệm môn leo núi.
Một nhóm huấn luyện viên ba người, hỗ trợ cho ba người chơi. Sau khi trang bị giày chuyên dụng và dây đeo an toàn, người chơi sẽ được hướng dẫn những bước cơ bản để bắt đầu trò chơi.
Anh Nguyễn Hoàng Nguyên, huấn luyện bộ môn leo núi cho biết: “Đây là bộ môn đòi hỏi sức khỏe nên người chơi cũng cần tập luyện trước một số môn như chạy bộ, hít xà… Leo núi có 9 cấp độ, mỗi cấp độ chia làm 3 mức A, B, C. Tùy theo mỗi người chơi mà lựa chọn cấp độ, đường leo phù hợp với mình”.
Theo anh Nguyên, các điểm bám đều có màu sắc tương ứng với độ khó của trò chơi. Ví dụ như màu xanh lá là 6C tương đối khó, dành cho các vận động viên chuyên nghiệp, đòi hỏi cơ tay tốt, thể lực tốt và khả năng giữ thăng bằng. Vách núi tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng cấp độ khó nhất là 7C, hiện chỉ có hai người nước ngoài chinh phục được.
Bộ môn này đã được du nhập vào nước ta và khai thác thương mại từ năm 2006. Ban đầu đa phần là người nước ngoài chơi. Dần dà các bạn trẻ bắt đầu tham gia và nay lượng khách là thanh niên Việt đang chiếm ưu thế.
Thế hệ huấn luyện viên đầu tiên đầu tiên là hai vận động viên Phan Thanh Nhiên và Nguyễn Mậu Linh, hai trong số năm người đã mang lá quốc kỳ Việt Nam cắm trên đỉnh Everest ngày 22/5/2008.
Để chơi môn thể thao này, đòi hỏi người chơi ưa thích môn mạo hiểm và không sợ độ cao, đặc biệt là cơ tay và chân phải được rèn luyện thường xuyên để chịu được cường độ vận động cực lớn. Chơi bộ môn này cũng là cách các bạn thể rèn luyện ý chí kiên trì, thể hiện sự quyết tâm vượt qua cực hạn của bản thân.
Sau một chặng leo, hai chị em Trần Nguyễn Thanh Hương và Trần Chân Phương (ngụ quận Tân Phú) thở hổn hển vì mệt, mồ hôi túa khắp người. Thanh Hương chia sẻ: “Lúc chưa leo, nhìn vách núi cao rất hồi hộp, nhưng khi lên được vài bước thì rất phấn khích, cảm thấy khá an tâm vì có dây hỗ trợ. Khi đã lên được đến đích rồi mình lại muốn chinh phục đoạn khác ở cấp độ cao hơn”.
“Lần đầu tiên leo lên được nửa đường, em không dám nhìn xuống, tay chân mỏi nhừ. Lúc đó, các huấn luyện kêu em ráng thêm chút nhưng do không phân phối sức tốt nên em buông tay, anh huấn luyện thả dây đưa em xuống. Lần hai, lần ba em có chút kinh nghiệm mới lên được đến đích” - Thanh Hương hồ hởi chia sẻ.