Kỳ 3: Chậm phát triển là có tội với tiền nhân, hậu thế
Nhà báo Thu Hà: Thưa quý vị độc giả, vậy là một năm đã qua đi và mùa xuân đang tới với rất nhiều tín hiệu tốt lành, đi cùng với đó là những rào cản buộc chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể vượt qua được.
Theo truyền thống tết đến xuân về dịp mọi người ngồi lại với nhau để nhìn lại những việc mình đã làm và bàn về tương lai đang tới. Đầu xuân năm nay Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển xã hội quanh chủ đề chính sách quốc gia và hạnh phúc của người dân.
Để người dân hạnh phúc cần những gì?
Nhà báo Thu Hà:Thưa quý vị khách mời, hiện nay nhiều quốc gia trong chiến lược phát triển của mình đã lấy chỉ số hạnh phúc của con người để làm động lực, cơ sở cho hoạch định chính sách. Theo quí vị, chính sách quốc gia tác động như thế nào đến hạnh phúc của mỗi người dân?
Bà Khuất Thu Hồng: Trong những năm gần đây, việc coi hạnh phúc của người dân cũng như chất lượng cuộc sống là một trong những chỉ báo để đánh giá sự phát triển kinh tế cũng như thành công của chính sách xã hội là một xu hướng rất phổ biến.
Vừa rồi có hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel từng đưa ra đề xuất rằng, bên cạnh việc sử dụng các chỉ báo về tổng sản phẩm quốc nội như là chỉ báo của sự phát triển nền kinh tế thì cần phải đề cập đến một số chỉ báo nữa là hạnh phúc, chất lượng cuộc sống, sự phân bố thu nhập của nền kinh tế. Và phải xem đó là những chỉ báo quan trọng đo lường sự phát triển của một quốc gia, để đo lường sự thành công của một quốc gia cũng như tính hiệu quả của chính sách công tại quốc gia đó.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Hạnh phúc của mỗi con người là do người đó tạo ra.
Ngoài ra, có một yếu tố khác quyết định hạnh phúc của mỗi người dân chính là môi trường cuộc sống. Bao gồm môi trường về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, môi trường tự nhiên. Chính sách quốc gia chắc chắn tác động đến sự phát triển của từng người dân. Vậy nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng với hạnh phúc của mỗi người..
Nhà báo Thu Hà: Có một mục tiêu rất quan trọng, là mục tiêu xuyên suốt cách mạng Việt Nam qua rất nhiều thời kỳ, qua nhiều biến cố, qua rất nhiều giai đoạn phát triển, đó là mục tiêu dân giàu- nước mạnh-xã hội công bằng-dân chủ-văn minh. Theo ông, qua ngần ấy năm chúng ta đã đạt được mục tiêu này như thế nào rồi?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: So với 30 năm trước thời kỳ đổi mới, bây giờ đời sống kinh tế khá lên rất nhiều. Tôi nhớ ngày trước nước mình thiếu lương thực, phải đi xin viện trợ bột mỳ và bo bo. Bây giờ Việt Nam đã trở thành một trong hai quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều mặt khác của đời sống kinh tế, đời sống văn hóa xã hội cũng đã được cải thiện.
Ngày hôm nay so với mình của ngày hôm qua, rõ ràng chúng ta đã tiến lên. Điều đó là đương nhiên, dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian ấy, thiên hạ đã đi nhanh hơn mình rất nhiều.
Ông Vũ Ngọc Hoàng. |
Có thể ví von như thế này, trong 30-40 năm qua, khi mình đi được 30-40km, thì ở nhiều nơi, thiên hạ người ta đã đi được 70-80km. Đây là điều buộc chúng ta phải thực sự suy nghĩ thấu đáo.
Chủ trương “dân giàu, nước mạnh” là rất đúng. Hầu như mọi quốc gia, dân tộc đều có mục tiêu như vậy. Dân có giàu thì nước mới mạnh, và nước mạnh thì mới tạo điều kiện cho dân làm giàu. Chúng ta phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện mục tiêu đó.
Bà Khuất Thu Hồng: Tôi rất chia sẻ với ông Vũ Ngọc Hoàng. “Dân giàu-nước mạnh” và hạnh phúc của người dân là thước đo sự phát triển toàn diện của một đất nước.
Khi nói đến hạnh phúc của người dân, chúng ta không nên chỉ coi hạnh phúc là tiêu chí, là chỉ số duy nhất. Vậy để mỗi người dân hạnh phúc thì cần những gì?
Thứ nhất, họ cần được học hành đến nơi, đến chốn, một nền giáo dục tiên tiến. Giờ thì sao, trẻ em suốt ngày phải đến trường, học rất nhiều, gánh nặng học hành quá lớn, tiền túi mà người lớn phải bỏ ra đầu tư cho việc học hành cũng quá nhiều mà chúng ta vẫn như chưa học được gì. Triết lý của giáo dục đơn giản là để cho trẻ con biết cách làm người, biết phát huy các kỹ năng của mình để đóng góp cho đất nước, để có thể sinh tồn, thích nghi với cuộc đời.
Mà để có thể học được như thế thì không chỉ đến trường mới là học. Không chỉ là học trong những năm phổ thông hay đại học mà cần được học suốt cuộc đời, học ở mọi nơi, mọi lúc tất cả những thứ người ta cần cho cuộc đời.
Thứ hai là sức khỏe. Sức khỏe là vấn đề then chốt của hạnh phúc. Nếu một người nói là tôi hạnh phúc mà đau ốm suốt ngày thì rất khó. Tôi nghĩ sức khỏe là một trong những thước đo, một chỉ báo quan trọng của hạnh phúc.
Thủ tướng Anh từng nói những công dân mạnh khỏe là thước đó quý giá nhất của một quốc gia. Một gia đình nhỏ cũng thế, nếu mọi thành viên đều khỏe mạnh thì họ sẵn sàng lao vào cuộc mưu sinh với tất cả sinh lực của mình. Và với một dân tộc cũng vậy, khi mà các công dân khỏe mạnh thì dân tộc đó có rất nhiều cơ hội tiến bước trên con đường phát triển kinh tế của mình.
Một đất nước có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào môi trường chính trị, kinh tế và xã hội. Môi trường đó không được hủy hoại, môi trường đó được bảo vệ một cách trong lành, đó chính là cơ hội, là điều kiện để người dân có được hạnh phúc.
Biết sử dụng thời gian cũng là tiêu chí của hạnh phúc. Sự cân đối thời gian trong ngày của một người như thế nào rất là quan trọng. Nếu một ngày có 24 tiếng mà phải dành 16 tiếng để làm việc thì dù có rất nhiều tiền thì vẫn không thể nói là hạnh phúc được, không có thời gian cân đối giữa làm việc, nghỉ ngơi và giải trí.
Khi bạn là phụ nữ bạn sẽ quan tâm cân đối giữa thời gian làm việc và thời gian chăm sóc con cái như thế nào, thời gian được nghỉ sinh con và nuôi con nhỏ. Bây giờ ở các nước phát triển và ở cả Việt Nam chúng ta nói đến việc là không phải là người phụ nữ, người mẹ được nghỉ khi sinh mà người cha cũng được nghỉ khi người vợ sinh con.
Câu chuyện về việc sử dụng thời gian cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, thời gian còn quý hơn cả vàng. Thời gian đi rồi thì không trở lại, mất đi thời gian thì không thể kiếm lại được nữa, vàng và tiền có thể kiếm lại được, còn thời gian thì không thể kiếm lại được, thời gian là thước đo vô cùng quan trọng.
Bà Khuất Thu Hồng. |
Mức sống, hay nói cách khác là túi tiền cũng rất quan trọng đến hạnh phúc của mỗi người dân. Để có thu nhập thì bạn phải có công việc tốt, có môi trường để cống hiến. Công việc không phải chỉ là kiếm được tiền mà phải đem lại niềm vui cho bạn khi làm việc. Khi làm công việc đó thì phải cảm nhận được phẩm giá của bạn được tôn trọng, bạn đóng góp cho xã hội chứ không đơn thuần là kiếm tiền.
Tự do là bậc nhất của hạnh phúc
Nhà báo Thu Hà: Liệu rằng có thể hạnh phúc được hay không khi mà mỗi ngày ra đường người dân cứ nơm nớp lo sợ về tai nạn, lo sợ ngày mai có đủ tiền cho con đi học, có đủ tiền nếu chẳng may đau ốm. Rồi người nông dân thì không ngừng trăn trở, liệu ngày mai có còn ruộng để làm ăn, cày cấy?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Khi phải lo lắng nhiều điều, lúc nào cũng lo lắng chuyện này, chuyện khác thì không thể hạnh phúc. Nếu chỉ là lo tính cho công việc họ đam mê thích thú thì khác, còn nếu phải lo lắng, bất an về sự an toàn, về miếng ăn cái mặc thì không hạnh phúc.
Hạnh phúc còn cần thêm yếu tố nữa - đó là tự do. Tự do là hạnh phúc, là bậc nhất của hạnh phúc.
Cuộc sống đã chỉ ra rằng, khi không được tự do thì sẽ biết tự do đáng quý thế nào. Tự do là một mục tiêu vô cùng quan trọng, không tự do là không phát triển được. Tự do cho mỗi người và tự do cho mọi người là mục tiêu mà Hồ Chí Minh và Marx thường nhắc đến. Tự do trong tất yếu, tự do gắn với trách nhiệm, tự do trong giới hạn không được vi phạm tự do của người khác và không gây nguy hiểm cho cộng đồng. Tự do là mục tiêu vô cùng quan trọng để quyết định hạnh phúc.
Hạnh phúc một mặt nữa là sự tự chủ, không bị động, có khả năng làm chủ, có năng lực làm chủ. Giáo dục quốc gia cần phải chuẩn bị những con người có khả năng làm chủ, có năng lực để làm chủ; chuẩn bị những con người phát triển về nhân cách và năng lực.
Giáo dục không phải để tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, thụ động, làm theo, nói leo. Nền giáo dục của nước ta một thời gian dài là một nền giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức và không ít trường hợp tiếp thu một cách thụ động.
"Giáo dục không phải để tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, thụ động, làm theo, nói leo" |
Đến nay ta thấy việc đó không phù hợp, kiến thức thì làm sao mà truyền thụ cho hết, kiến thức nhiều vô kể. Càng ngày khối lượng kiến thức mới càng tăng lên như cấp số nhân. Nếu chỉ dựa vào ông thầy thì không thể truyền thụ hết khối lượng kiến thức như vậy được. Và việc truyền thụ thường là liên quan đến những kinh nghiệm đã qua, mà mục tiêu của giáo dục là phải chuẩn bị cho con em chúng ta khả năng sống và làm chủ những gì sắp tới.
Nói như vậy để thấy, nếu truyền thụ áp đặt thì bị giới hạn bởi ông thầy, con em chúng ta sẽ khó phát triển, khó lớn lên, khó thích nghi với thời cuộc. Cho nên, giáo dục của chúng ta cần phải thay đổi. Mục tiêu chính không phải là truyền thụ kiến thức, mà là phát triển năng lực. Phải mở ra kỷ nguyên tự do học thuật, tự do sáng tạo. Còn việc cung cấp kiến thức thì mạng Internet có thể hỗ trợ được.
Trách nhiệm của người thầy là tác động vào phát triển năng lực của người học bằng việc giới thiệu kiến thức cốt lõi, rồi hướng dẫn các tiếp cận, cách giải quyết vấn đề, thông qua các tình huống, thông qua sự tương tác giữa thầy và trò. Sự tương tác này phải qua đối thoại, bình đẳng và dân chủ với nhau trong quá trình đi tìm chân lý chứ không phải là sự truyền thụ áp đặt, một chiều.
Một nền giáo dục như thế nào đó để có thể tác động tích cực nhất cho việc chuẩn bị cho con người có năng lực để làm chủ cuộc sống, đó cũng là con đường giúp người dân có được hạnh phúc.
Còn tiếp
“Lâu nay chúng ta quan niệm, ở Việt Nam có Đảng lãnh đạo, có nhà nước quản lý, có cơ chế vận hành rồi thì cần gì phải nói đến quản trị quốc gia nữa. Nghĩ như vậy là không đầy đủ”, ông Vũ Ngọc Hoàng quả quyết tại kỳ 2 cuộc trò chuyện Chính sách quốc gia và hạnh phúc của người dân. Mời quí vị đón đọc kỳ 2.
Tuần Việt Nam - Ảnh: Lê Anh Dũng