Kỳ 1: Ba mươi năm qua, láng giềng vượt xa ta quá
Đi chậm hơn láng giềng
Nhà báo Thu Hà:Mới đây thôi, ông Vũ Ngọc Hoàng có một phát biểu khiến dư luận phải suy nghĩ rất nhiều. Ông nói thế này: "Cách đây 40 năm thì Việt Nam và Hàn Quốc có một trình độ phát triển tương đương. Nhưng sau mấy mươi năm thì rà lại tư liệu và thấy Hàn Quốc có 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống tại Hàn Quốc. Có một sự khác nhau là những người Hàn Quốc sống tại Việt Nam là để làm ông chủ, còn những người Việt Nam sống tại Hàn Quốc là để làm thuê". Ông có thể lý giải vì sao có hệ quả đáng buồn như vậy?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Sau 30 năm đổi mới chúng ta đã làm được rất nhiều việc và có tiến lên đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện khác hẳn so với 30 năm trước. Nhưng nếu ngẫm nghĩ cho kỹ, chịu khó nhìn ra bên ngoài sẽ thấy thực tế, cùng trong một thời gian đó, nếu chúng ta đi được ngần ấy thì thiên hạ lại đã vượt ta khá xa.
Năng suất lao động của chúng ta thấp hơn nhiều nước, bị tụt lại với khoảng cách còn xa. Theo các nhà kinh tế, năng suất lao động của ta chỉ bằng 1/5 Thái Lan và Malaysia. Thậm chí chỉ bằng 1/10, 1/15 các nước như Hàn Quốc và Singapore.
Thu nhập bình quân đầu người cũng thấp lắm. Nhiều nước trong khoảng thời gian 30 năm họ đã đi qua giai đoạn thu nhập trung bình để bước sang giai đoạn thu nhập cao.
Ta ở vào giai đoạn thu nhập trung bình đã 7 năm, còn nay vẫn đang loay hoay, dẫm chân tại chỗ. Theo tính toán của các nhà kinh tế, nếu như cứ phát triển bình thường, không bị khủng hoảng thì cũng phải mất thêm 45 năm nữa ta mới thoát được thu nhập trung bình. Thu nhập của ta còn thấp lắm, GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 2.000$, mặc dù đã tính cả dầu khí, trong khi một số nước tính thu nhập không kể nguồn thu khoáng sản.
Hiệu quả đầu tư thấp, nợ nần tăng lên, cứ nợ chồng nợ trong khi hiệu quả đầu tư thấp thì lấy gì để trả, sau này con cháu phải gánh chịu. Vì vậy, cần phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa, tốt hơn nữa thì mới có thể vượt lên, thoát ra khỏi tình hình hiện nay để phát triển.
Cần có những con người và những cơ chế đổi mới để mở ra khả năng và điều kiện cho sự phát triển của từng con người và của cả cộng đồng dân tộc.
Đổi mới triệt để
Nhà báo Thu Hà:Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của quốc gia. Theo ông, với các chính sách hiện hành, chúng ta có cần phải điều chỉnh gì không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ điều quan trọng bậc nhất là vấn đề chuẩn bị con người. Chúng ta cần một nền giáo dục tốt, một nền giáo dục đổi mới.
Vừa rồi có nghị quyết của Trung ương về đổi mới giáo dục. Nhìn chung linh hồn của nghị quyết là tốt. Đã tới lúc cần phải đổi mới giáo dục một cách căn bản để tạo ra những con người có năng lực làm chủ, chính những con người đó sẽ giải quyết mọi việc.
Bên cạnh đó, cái chúng ta cần là trình độ và năng lực quản trị quốc gia. Lâu nay chúng ta quan niệm, ở Việt Nam có Đảng lãnh đạo, có nhà nước quản lý, có cơ chế vận hành rồi thì cần gì phải nói đến quản trị quốc gia nữa. Nghĩ như vậy là không đầy đủ.
Quản trị quốc gia là vấn đề rất khoa học. Một quốc gia quản trị như thế nào thì tiến lên, quản trị thế nào thì không tiến lên được? Đây là câu chuyện mang tính quyết định.
Không có gì phải bàn cãi, chúng ta cần tiếp tục đổi mới theo hướng kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Đi được hơn nửa đường rồi, chúng ta đã làm được nhiều việc đúng, nhưng nhiều việc còn ngập ngừng, có lúc dừng lại, có cái thụt lùi, cần phải đi tới, đi tiếp, cần phải tiếp tục đổi mới không chỉ kinh tế mà kể cả những lĩnh vực liên quan đến quản lý xã hội, liên quan đến dân chủ, đến một phần của chính trị.
Có như vậy chúng ta mới thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, mới đem lại hạnh phúc thực sự cho người dân.
Bà Khuất Thu Hồng: Trọng tâm phát triển con người là vấn đề chủ chốt. Nhưng, có tạo ra con người làm chủ được vũ trụ hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục.
Cải cách giáo dục là điều đầu tiên phải làm. Bây giờ không còn ai đi học thuộc lòng những kiến thức sơ đẳng nữa. Chỉ cần nhấp chuột vào Internet thì chúng ta có thể tìm rất nhiều kiến thức.
Câu chuyện của ngày hôm nay là câu chuyện kiến thức, kỹ năng. Con người cần làm chủ kiến thức, chứ không phải là nô lệ. Mà làm chủ được kiến thức thì sẽ có tự do. Tự do trong sáng tạo thì sẽ bước chân trên con đường hạnh phúc.
Trở lại với câu chuyện về kinh tế và chính trị. Ai làm chủ tư liệu sản xuất, tư liệu sản xuất được phân phối thế nào, sản phẩm được phân phối thế nào đó là câu chuyện của chính trị. Đổi mới về kinh tế cũng là đổi mới về chính trị, hai thứ đó gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Tôi rất thích ý của ông Hoàng nói là chúng ta phải đổi mới lần thứ 2, lần đổi mới này cần làm triệt để.
Câu chuyện năng suất lao động của người Việt Nam thấp đáng để chúng ta suy nghĩ. Câu chuyện đó liên quan rất nhiều đến triết lý giáo dục. Chúng ta đã đào tạo như thế nào bao năm qua? Đó là những con người chỉ biết thuộc công thức chứ chưa biết phát huy tính sáng tạo của mình.
Cho nên khi hội nhập, họ mới chỉ có thể làm những việc giản đơn vì chưa có đủ kiến thức, chưa có đủ kỹ năng để làm ông chủ. Nhìn vào thực tế này, mỗi người Việt Nam đều cảm thấy đau xót, nhức nhối, và không khỏi suy nghĩ. Bởi vậy, trong giai đoạn đổi mới lần thứ hai chúng ta không thể không đổi mới giáo dục.
Một vấn đề khác, chúng ta luôn ra đưa ra vấn đề dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Hãy nhìn vào thực tế xem chúng ta đã hiện thực được bao nhiêu khẩu hiệu này. Thử kiểm tra lại xem, có bao nhiêu dự án phát triển mà dân được biết, được bàn. Có bao nhiêu điều người dân đang bức xúc và đã kiến nghị, đã gửi lên, chúng ta đã giải quyết được đến đâu.
Quy chế dân chủ cơ sở là chủ trương tốt, nhưng khi triển khai thì lại chưa được như mong muốn, do cản trở từ năng lực thực thi, do cản trở bởi chính tư duy khép kín của chúng ta.
Quay trở lại câu chuyện giáo dục. Thử hỏi, chúng ta đã đào tạo ra những con người như thế nào? Liệu chúng ta đã đào tạo được những con người với những ý tưởng tốt đẹp và có đủ năng lực để triển khai những ý tưởng đó chưa. Hay chúng ta chỉ đào tạo được những người chỉ biết thừa hành một cách máy móc, thụ động, đôi khi đã góp phần gây cản trở sự phát triển của đất nước.
Lợi ích quốc gia là tối thượng
Nhà báo Thu Hà:Nhìn lại câu chuyện của chính chúng ta, theo ông, chúng ta đang vướng ở đâu, ở phía triển khai hay ở các chính sách từ trên đưa xuống?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Có cả mặt này, mặt kia. Người ban hành chủ trương, chính sách cần phải chăm chú lắng nghe cuộc sống, lắng nghe ý dân thế nào, lòng dân ra sao.
Chủ trương, chính sách tốt khi có rồi thì việc tổ chức thực hiện ra sao. Trong thực tế, có nhiều chủ trương đúng nhưng cơ chế chưa rõ ràng thì cũng không thể phát huy, chỉ mới là khẩu hiệu, chỉ mới là tư tưởng chứ chưa thể đi vào cuộc sống.
Chúng ta đã nỗ lực làm được nhiều việc tốt cho người dân, không thể phủ nhận, nhưng đồng thời cũng phải thấy bộ máy nơi này, nơi khác còn không ít khuyết điểm như cán bộ thiếu năng lực, cán bộ tham nhũng, bị lợi dụng, bị lợi ích nhóm chi phối. Tất cả những việc như vậy tác động trở lại cho việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ví dụ, các chương trình giảm nghèo. Chủ trương cần phải chọn đúng mục tiêu để tác động. Hỗ trợ cần câu chứ không phải hỗ trợ vài con cá.
Theo tôi, việc đầu tiên là tác động để nâng cao năng lực từng người, từng cộng đồng thì những chương trình đó mới bền vững. Chỉ khi người nghèo đã có năng lực khá hơn, sau đó hỗ trợ thêm ít vốn thì người ta mới có thể vượt qua cái nghèo, khi chưa có năng lực thì dù có tiếp thêm bao nhiêu vốn, người ta cũng sẽ làm mất, cũng sẽ không thể vượt qua cái nghèo, cái khó.
Câu chuyện này nếu nhìn rộng hơn ra và áp dụng cho việc hoạch định những vấn đề vĩ mô lớn lao của nền kinh tế, của quản trị quốc gia cũng không khác là mấy. Chỉ khi năng lực của từng người, của từng nhóm người được nâng lên thì mới có thể tạo ra chuyển biến chắc chắn, bền vững.
Lâu nay chúng ta nói nhiều đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chủ trương đó là đúng, nhưng chúng ta vẫn chưa thật tường minh được vấn đề chuyển đi đâu, chuyển đến chỗ nào về mặt cơ cấu ngành nghề. Nếu hôm nay chuyển chỗ này, ngày mai lại dịch chỗ khác, loanh quanh mãi thì vẫn chưa thoát ra được.
Nhìn lại ba chục năm sau đổi mới, nhiều việc mình đã làm đúng, rất đúng, và thực tế cũng chứng minh, còn nhiều việc khác mình làm chưa hiệu quả, chưa đúng. Như, nhiều nơi đua nhau làm nhà máy mía đường, rồi xi măng, sắt thép, rồi đóng tàu…
Nhìn lại chính mình, nhìn lại quãng đường 30 năm qua một cách bình tĩnh thì mới rõ được cái nào chúng ta đã làm đúng, những gì chúng ta cần điều chỉnh. Quản trị quốc gia không thể dựa trên những quyết định duy ý chí, chủ quan. Phải căn cứ vào tình hình thực tế, căn cứ vào các quy luật của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập. Không thể cứ để mặc cho thị trường phát triển tự phát, dẫn đến cơ cấu như thế nào cũng được, nhưng cũng không thể chỉ quản trị theo ý muốn chủ quan khi chưa hội đủ cơ sở khoa học.
Tôi cho rằng, phải có tác động của chủ thể quản lý quốc gia, và quy luật của thị trường, điểm gặp nhau là ở hiệu quả, là ở lợi ích khả thi của quốc gia. Ngay cả ý muốn của người lãnh đạo cũng phải đặt yêu cầu hiệu quả, đặt lợi ích quốc gia là tối thượng. Điều quan trọng hàng đầu của việc quản trị quốc gia hiệu quả là phải làm sao đem lại thu nhập cao cho nhân dân và giảm thiểu khoảng cách phân hóa giàu nghèo. Quốc gia nào để phân hóa giàu nghèo một cách bất hợp lý cũng là kìm hãm sự phát triển, kìm hãm hạnh phúc của người dân.
Còn tiếp
Kỳ 3: Chậm phát triển là có tội với tiền nhân, hậu thế
Để gỡ vướng mắc hiện nay, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, "Phải đổi mới, đổi mới là con đường duy nhất. Cần phải thoáng mở đầu óc, thoáng mở tư duy và quyết tâm cao trong hành động. Lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội là có tội với tiền nhân, với hậu thế". Mời quí vị độc giả đón đọc kỳ cuối.
Tuần Việt Nam - Ảnh: Lê Anh Dũng