Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường; một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.

Hình tượng công tác quy hoạch như người công binh mở đường cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt phát triển, kiến tạo phát triển của Nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Để làm tốt công tác quy hoạch, phương pháp tiếp cận phải đúng, đòi hỏi chúng ta phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xác đáng, tham khảo kinh nghiệm tốt của quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng bản quy hoạch tốt nhất.

Những nhiệm vụ trọng tâm và định hướng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia:

Thứ nhất, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Thứ ba, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.

Thứ tư, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ mới.

Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Bố trí không gian công nghiệp theo hướng gắn với hệ thống đô thị, trung tâm dịch vụ để hình thành các hành lang kinh tế, các vùng động lực. Mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, vùng trung du để giảm sức ép sử dụng quỹ đất tại đồng bằng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Về dịch vụ, xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính... mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế. Hình thành các trung tâm logistics quy mô, hiện đại gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế lớn. Phát triển các trung tâm du lịch có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến. Tăng tỷ trọng thủy sản, hoa quả và giảm tỷ trọng lúa gạo một cách hợp lý tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, hữu cơ, nông nghiệp phục vụ đô thị tại vùng đồng bằng sông Hồng.

Tăng diện tích trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển dược liệu gắn với công nghiệp chế biến tại các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc. Đối với khu vực ven biển, phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn; phát triển khai thác thủy sản vùng ngoài khơi hiệu quả, bền vững.

Đối với các ngành hạ tầng kỹ thuật: Tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực. Xây dựng đường bộ cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế.

Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn. Phát triển hạ tầng năng lượng, bảo đảm cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia. Phát triển hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với các ngành hạ tầng xã hội: Ưu tiên đầu tư các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, các vùng động lực. Phát triển hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng một số bệnh viện ngang tầm khu vực và quốc tế; hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu, hiện đại. Xây dựng, hiện đại hóa một số trung tâm văn hóa, khu liên hợp thể thao quốc gia... đạt tiêu chuẩn quốc tế. Quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội tại các địa bàn khó khăn, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Thực hiện Kết luận số 45-KL/TW, ngày 17-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, “Về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong Quy hoạch đã xác định tổ chức không gian phát triển vùng theo 6 vùng kinh tế - xã hội hiện nay. Theo đó, tổ chức không gian phát triển vùng và định hướng liên kết vùng được tiến hành, như sau:

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Phát triển vùng theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản; bảo đảm an ninh nguồn nước. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch. Nghiên cứu xây dựng vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ trở thành vành đai động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng.

Vùng đồng bằng sông Hồng: Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, phục vụ đô thị. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển. Phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Ninh Bình - Quảng Ninh).

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp. Phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử. Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Xây dựng khu vực ven biển ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.

Vùng Tây Nguyên: Bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước. Nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp, mở rộng diện tích cây ăn quả, dược liệu, rau, hoa. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bau-xít, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc.

Vùng Đông Nam Bộ: Trở thành vùng phát triển năng động, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số. Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới. Tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt hơn. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.

Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.

Từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn: Hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 6 hành lang kinh tế Đông - Tây, bao gồm: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Định hướng phát triển không gian biển: Phát triển các vùng biển dựa trên phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái; bảo đảm hài hòa, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giữa các ngành, lĩnh vực trên biển và đất liền.

Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời: Quản lý, giữ vững chủ quyền vùng trời quốc gia; khai thác, sử dụng vùng trời bảo đảm an toàn tuyệt đối và hiệu quả, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khai thác có hiệu quả và tối ưu hóa việc tổ chức vùng trời và phương thức bay các cảng hàng không, sân bay đang hoạt động và các cảng hàng không, sân bay dự kiến nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới.

Định hướng sử dụng đất quốc gia: Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai. Bố trí quỹ đất phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian liên ngành, liên vùng. Quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu héc-ta; chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao. Mở rộng diện tích đất khu công nghiệp, tập trung tại các vùng động lực, gắn kết với các hành lang kinh tế.

Xây dựng hệ thống đô thị quốc gia theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc Trung ương thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế. Quan tâm phát triển các đô thị trung bình và nhỏ.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa, có kết cấu hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo sinh kế bền vững cho người dân; xã hội nông thôn ổn định; dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm. Xây dựng các mô hình phân bố dân cư phù hợp với từng vùng sinh thái tự nhiên và các đặc điểm văn hóa, dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội.

Về sử dụng các loại tài nguyên: Phân bổ tài nguyên nước hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương; bảo đảm hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội, môi trường trên các lưu vực sông. Tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản, giảm dần mức độ khai thác phù hợp với trữ lượng, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm cân đối giữa khai thác, sử dụng trước mắt với yêu cầu dự trữ tài nguyên khoáng sản lâu dài. Hình thành các cụm mỏ có quy mô đủ lớn để thu hút đầu tư đồng bộ, áp dụng công nghệ hiện đại từ thăm dò, khai thác đến chế biến sâu.

Về bảo vệ môi trường: Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường. Bảo tồn, bảo vệ, mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, các hành lang đa dạng sinh học.

Về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước quản lý rủi ro thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững. Củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công trình phòng, chống thiên tai. Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, phấn đấu theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của quốc gia.

Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm. Phát triển kinh tế biển và vùng ven biển; xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng phù hợp, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, định hướng đã đề ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định hệ thống các giải pháp toàn diện, bao gồm giải pháp về huy động nguồn lực, về cơ chế, chính sách, về khoa học, công nghệ, về nguồn nhân lực và về hợp tác quốc tế. Trong đó, Quy hoạch nhấn mạnh đến việc tập trung đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng và xúc tiến thu hút đầu tư để hình thành, phát triển nhanh các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế ưu tiên trở thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa lôi kéo các khu vực khác cùng phát triển.  

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch; ban hành các cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả cao nhất, định hình cấu trúc không gian và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững.

Hữu Khôi, Lê Na, Trọng Hiếu, Lương Bằng và nhóm PV, BTV