Huyện Chư Sê nằm về phía Nam tỉnh Gia Lai, có 14 xã 01 thị trấn, dân số 116.000 dân, cách TP Pleiku 38 km, có 2 tuyến quốc lộ 14 và quốc lộ 25 chạy qua, rất thuận tiện trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các huyện lân cận và các tỉnh Duyên hải miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về phát triển cung cầu hàng hóa đến các huyện, tỉnh trong khu vực thể hiện được là vùng kinh tế động lực của tỉnh.
Dù tiếp tục chịu tác động do đại dịch Covid-19 cũng như giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, Chư Sê cơ bản hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đây là tiền đề để huyện tiếp tục bứt phá trong năm 2023, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, UBND huyện đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng-chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội ngay từ đầu năm. Nhờ đó, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 của huyện cơ bản đạt và vượt so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và phù hợp với xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2022 trên 13.619 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), bằng 100,07% so với Nghị quyết HĐND huyện giao, tăng 8,9% so với năm 2021.
Cụ thể, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản gần 4.297 tỷ đồng, đạt 100,05% kế hoạch, tăng 3,2% so với năm 2021; ngành công nghiệp-xây dựng gần 4.971 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 12,88% so với năm trước; ngành thương mại-dịch vụ hơn 4.352 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,47% so với năm ngoái. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 thực hiện 116,6 tỷ đồng, đạt 112,84% kế hoạch tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 67,31 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,04%.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo các ngành và các địa phương triển khai thực hiện. Đến nay, huyện có 12 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 85,71%. Huyện đã có 5 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh; 9 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh chấm đạt trong năm 2022 (đang chờ UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận).
Bên cạnh đó, năm qua, huyện cũng đặc biệt quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, trong đó tập trung phát triển cây ăn quả, dược liệu, trồng dâu nuôi tằm; nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc sử dụng các giống mới chất lượng cao, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, trồng trong nhà lưới, nhà màng... Qua đó, đã hình thành các vùng sản xuất dược liệu, trồng rau an toàn, cây ăn quả có múi, trồng dâu nuôi tằm, hồ tiêu, cà phê ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 1.514,8 ha. Ngoài ra, huyện đã triển khai kịp thời kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 cũng như phân bổ kịp thời nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình trong năm 2022.
Lĩnh vực y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm. Hiện toàn huyện có 32 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 68,09%; trong đó, có 10 trường mầm non, 10 trường tiểu học và 12 trường THCS; có 13/14 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học; 13/14 xã đạt tiêu chí số 14 giáo dục đào tạo trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Công tác phòng-chống dịch bệnh trên người được triển khai quyết liệt và có hiệu quả; công tác khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm… Kịp thời giải quyết các chế độ chính sách của người lao động như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, trong năm, huyện đã quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Rmah H'bé Nét chia sẻ, năm 2023, Chư Sê phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá năm 2010) đạt 8,89%; tổng thu ngân sách nhà nước theo phân cấp 204,139 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 73,59 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) giảm còn 6,04%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,75%.
Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Chư Sê quyết tâm thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội ổn định, bền vững. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện 3 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cũng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra.
Huyện tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả cao. Đồng thời, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện; đẩy mạnh xây dựng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trên diện tích đất trồng lúa, mì, điều kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây dược liệu.
Ngoài ra, huyện chủ động triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, trong đó chú trọng triển khai các chính sách ưu đãi hỗ trợ hợp tác xã về vốn tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp hoàn thiện các chỉ tiêu bị tụt theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 sau khi UBND tỉnh ban hành.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vị trí quy hoạch khu dân cư mới, hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn, nhất là các xã đạt chuẩn NTM và 2 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, kích cầu thương mại, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm... đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế, trong đó, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp huyện. Tổ chức lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch làm cơ sở triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: năng lượng, chế biến sau thu hoạch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Rmah H'bé Nét cho hay, Chư Sê xác định triển khai quyết liệt các giải pháp tạo lập nguồn thu ngân sách ổn định, lâu dài; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu, nợ đọng thuế ngay từ đầu năm. Tiếp tục triển khai đấu giá thu tiền sử dụng đất tại các vị trí quy hoạch đã được phê duyệt. Chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn thu cân đối ngân sách địa phương trong trường hợp bị ảnh hưởng lớn của giá cả so với dự toán. Tăng cường kiểm soát, quản lý các hoạt động khai thác tài nguyên trên địa bàn huyện; xử lý các hành vi vi phạm hành chính về khai thác tài nguyên, sử dụng đất… Tăng cường quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý các nguồn gây ô nhiễm. Hoàn thiện tiêu chí về môi trường đối với đô thị loại IV theo quy định của Bộ Xây dựng.
Song song đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Giải quyết kịp thời các chính sách ưu đãi cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định; phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững, bảo vệ nhóm yếu thế trong xã hội.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cao năng lực điều hành, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống hành chính các cấp. Chú trọng phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững mạnh.