{keywords}

Nhà báo Phạm Huyền:  Thưa Bộ trưởng, có lẽ ông cũng đã nắm được những tâm tư của các bậc làm cha mẹ về quyết định sắp tới: quay trở lại trường học. Ông có thể chia sẻ gì trước những tâm tư này?
 
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn:  Tôi rất hiểu những tâm tư đó của các bậc phụ huynh. Để đưa ra quyết định quan trọng này, chúng tôi đã phải làm việc rất nhiều lần với các chuyên gia y tế, với Bộ Y tế, tham khảo các khuyến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc- UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới- WHO.

Việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp là một vấn đề lớn. Dịch bệnh đã bùng phát hơn 2 năm nay và nhiều học sinh đã phải chuyển sang các hình thức học tập phi trực tiếp phân nửa quãng thời gian này.

Để ứng phó với dịch, chúng ta đã phải áp dụng nhiều biện pháp quan trọng, trong đó có việc chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến, học qua truyền hình và các hình thức khác. Đó là nỗ lực lớn của toàn ngành giáo dục để vừa giảm thiểu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, vừa duy trì được nhịp độ học tập và kiên trì với mục tiêu chất lượng.

Thế nhưng, qua khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế và giáo dục cũng như lắng nghe ý kiến của chính các em học sinh, chúng tôi thấy rằng, việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ luỵ tiêu cực, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học.

Ở thời điểm này, chúng ta đã phần nào kiểm soát và thích ứng dịch bệnh. Tỷ lệ tiêm vắc xin cho người lớn rất cao, cho lứa tuổi từ 12-18 tuổi cũng rất cao. Ngành y tế đã có thuốc điều trị và đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch, đồng thời gia tăng khả năng điều trị Covid-19. Ý thức và sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh đã tốt hơn.

{keywords}

Trong điều kiện đó, việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là hết sức cần thiết và cần phải được triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả các bậc học từ mầm non đến đại học.

Đặc biệt, tôi nhấn mạnh rằng, việc đưa các em học sinh quay trở lại trường học không lệ thuộc vào việc đã tiêm hay chưa tiêm vắc xin. Đó là khuyến cáo của UNICEF, là ý kiến của các chuyên gia y tế, của Bộ Y tế và đánh giá qua thực tiễn chống dịch ở TP.HCM, qua việc ứng phó thành công một số ổ dịch trong trường học ở Bắc Giang, Thanh Hoá…

Nếu chúng ta chuẩn bị kỹ các phương án với sự vào cuộc chủ động của các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của ngành giáo dục và ngành y tế, sự đồng thuận của các bậc phụ huynh, chúng ta có thể hoàn toàn tự tin để đưa học sinh tới trường.

{keywords}

- Tôi có hỏi con gái tôi- một học sinh tiểu học: Nếu con gặp Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo, con muốn hỏi điều gì nhất? Bạn ấy nói rằng: Con chỉ muốn hỏi thầy là: Các anh chị lớp lớn (từ lớp 7-PV) đã được đến lớp. Lớp tiểu học, con chưa được tiêm vắc xin thì khi nào con được đến trường? Liệu Bộ trưởng có thể trả lời điều giản dị này chứ?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tôi hiểu những lo lắng, băn khoăn của bạn, của các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có con em là lứa tuổi mầm non, tiểu học.

Như tôi đã nói, việc đưa học sinh trở lại trường học không lệ thuộc vào việc đã tiêm hay chưa tiêm vắc xin. Nhưng chúng ta cần xác định rằng, sẽ không có phương án nào là phương án tuyệt đối. Mọi phương án đều có tỷ lệ rủi ro nhất định và chúng ta cần lựa chọn phương án tối ưu tùy theo bối cảnh và điều kiện từng giai đoạn. Trong các phương án hiện có, cần phải chọn phương án tối ưu nhất, đi kèm với đó là biện pháp dự phòng để hạn chế thấp nhất các rủi ro.

Toàn bộ kế hoạch đưa học sinh trở lại trường đều phải được các địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh ở địa phương mình, vào điều kiện y tế, vào hệ thống dự phòng rủi ro trong các trường học. Các địa phương và các trường học phải có các kịch bản ứng phó cho các tình huống dịch bệnh phát sinh để có phương án xử lý phù hợp.

Nếu như tại các vùng dịch bệnh còn căng thẳng, các địa phương có thể vẫn tổ chức đưa học sinh đến trường nhưng có sự phân loại học sinh và dạy kết hợp giữa trực tiếp và các phương pháp khác sao cho phù hợp. Nội dung học theo thời khoá biểu cũng cần được bố trí linh hoạt. Mỗi nơi sẽ cần có một kịch bản phù hợp với năng lực y tế và cơ sở vật chất trên địa bàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Sổ tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, hướng dẫn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học về các tình huống cụ thể để xử lý.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, quan điểm chung của ngành giáo dục và ngành y tế là: tất cả các địa phương cần phải lên phương án đưa toàn bộ học sinh quay trở lại trường học, từ mầm non đến trung học phổ thông. Việc này phải được thực hiện trong khoảng thời gian trước 14/2.

Còn với bậc đại học, hiện các trường đều đã lên phương án và đang sẵn sàng cho sinh viên quay trở lại trường học.

Tuy nhiên, để kế hoạch này thành công, đặc biệt cần có các sự phối hợp và đồng thuận rất cao giữa nhà trường và phụ huynh. Vai trò của các phụ huynh trong việc này là vô cùng quan trọng.

{keywords}

- Quay trở lại câu chuyện học trực tuyến để ứng phó với dịch bệnh, ông có nói đến hệ luỵ tiêu cực khi phải học như vậy kéo dài. Đó cũng là lo lắng của nhiều thầy cô về thế hệ học sinh thời Covid. Thực sự, việc này đã tác động ra sao tới chất lượng giáo dục năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn:Trước tiên, chúng ta nhìn nhận rằng, việc dạy và học qua internet, qua các phương tiện truyền thông không phải là mới. Thế giới đã làm từ lâu. Khi chưa có Covid-19, nhiều trường học đã triển khai phương thức dạy học này.

Thế nhưng, Covid-19 buộc chúng ta áp dụng dạy học trực tuyến, truyền hình toàn thể trong một thời gian dài cho mọi đối tượng từ tiểu học đến đại học, với điều kiện hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất hạn chế. Cần hiểu rằng, đây chỉ là một giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Điều này khác với việc triển khai dạy học trực tuyến (hoặc truyền hình) chủ động trên cơ sở nền tảng hạ tầng truyền thông đảm bảo, hệ thống các giải pháp đồng bộ, thống nhất, nhân lực tham gia được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Chính vì vậy, việc dạy học gián tiếp kéo dài thực sự tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục đã phải điều chỉnh lộ trình dạy vào học, điều chỉnh chương trình cốt lõi. Thực tế là dạy học gián tiếp rất khó cho việc thực tập, thực tế của học sinh, ảnh hưởng tới việc hình thành các kỹ năng thông qua các tương tác trực tiếp. Còn nhiềuyếu tố khác bị ảnh hưởng, trong đó có cả các vấn đề về kiểm tra, đánh giá.

Trẻ em ở nhà lâu còn gặp vấn đề về sức khoẻ, tâm lý, cảm xúc. Thầy cô thì vô cùng vất vả, căng thẳng, áp lực tăng lên rất nhiều.

Có thể nói việc chuyển sang dạy gián tiếp trong thời gian dài như vậy đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục trên rất nhiều mặt. Cần có thời gian để bù đắp khắc phục các lỗ hổng kiến thức hay những hệ luỵ do học gián tiếp gây ra.

Quan trọng là chúng ta nhìn thấy các tác động đó để có phương án bù đắp, điều chỉnh, khắc phục. Việc này không chỉ có các thầy cô trên lớp mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, các bậc cha mẹ, vai trò của truyền thông, báo chí...

{keywords}

- Vài ngày tới, khi hàng triệu các em học sinh quay trở lại trường học, việc dạy và học sẽ cần được thích ứng ra sao trong trạng thái "bình thường mới”?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đấy là câu chuyện chúng ta phải rất cần lưu ý. Việc trước mắt là phải bù đắp kiến thức, củng cố cho các em nhưng phải kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Hiện nay, cả nước có xấp xỉ trên 70% có học sinh vẫn đang đến lớp học bình thường. Chỉ có một số đô thị, vùng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh mới phải học gián tiếp.

Nhưng có một điều khác biệt là yêu cầu nội dung kiến thức, kỹ năng học tập trong bối cảnh hiện nay là nội dung cốt lõi, mang tính ứng phó với dịch. Do đó, có thể ở một số địa bàn ít bị ảnh hưởng bởi dịch, chương trình học sẽ kết thúc sớm.

Vì thế, chúng tôi khuyến cáo các Sở Giáo dục và đào tạo, các trường học hãy dùng thời gian còn lại, tăng cường kỹ năng cho các em khi học tập trực tiếp.

{keywords}

Đối với các địa phương vùng tâm dịch, các em có thể sẽ đến trường muộn hơn. Ví dụ  như ở TP HCM, một số tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, các địa phương này có thể chủ động điều chỉnh thời gian năm học, có thể kết thúc năm học chậm hơn. 

Quan điểm của chúng tôi là không quá dồn việc bù đắp kiến thức, kỹ năng ngay lập tức, gây sức ép cho các thầy cô và học sinh ngay khi quay trở lại trường.

Nói cụ thể hơn thì khi học trực tiếp trở lại, việc đầu tiên chưa phải là tập trung vào kiểm tra, đánh giá, nhồi kiến thức cho xong.

Thay vào đó, việc đầu tiên là cần phải tạo cho các em làm quen trở lại môi trường học đường, tạo cho các em sự hứng thú đến lớp và trang bị cho các em các kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng ngừa dịch bệnh. Tránh tình trạng các em mất đi cảm giác muốn đến lớp, ngại đến lớp. Điều đó rất nguy hiểm.

Việc tiếp theo là các nhà trường cần thăm dò kiến thức của các em ở thời điểm trở lại trường. Trước đây, học bình thường, độ lệch giữa em học giỏi và học kém sẽ thấp hơn độ lệch bây giờ. Chưa kể, khi học tại nhà, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng viễn thông khác nhau nên có thể có các em có điều kiện học trực tuyến tốt hơn sẽ trội hơn so với các em không có điều kiện học tốt bằng.

Do đó, giáo viên cần đánh giá lại kiến thức, kỹ năng để phối hợp với gia đình có sự hỗ trợ cá biệt cho từng em. Việc này có thể không chỉ diễn ra vài tháng mà là việc dài hạn, có thể kéo tới cả năm sau.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các trường học cần có sự hỗ trợ tư vấn đề mặt tâm lý, sức khoẻ cho các em.

Khi quay trở lại trường học, vừa phải vừa giữ an toàn, nhưng đồng thời, vừa phải duy trì các hoạt động văn hoá, vui chơi để các em cân bằng trở lại. Đó là việc rất mất thời gian và đòi hỏi sự kiên trì.

{keywords}

 - Tết đến, Xuân về, nếu để nghĩ tới một chữ để gửi tặng các thầy cô, học trò, Bộ trưởng nghĩ đến chữ nào?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Suốt một thời gian dài ứng phó với dịch bệnh, các nhà giáo, từ các giáo viên tới các nhà quản lý giáo dục đã rất cố gắng khắc phục khó khăn, lao động miệt mài, tâm huyết và tận tâm yêu nghề, yêu trẻ. Tôi rất cảm động, ghi nhận và đánh giá cao các thầy cô.

Năm mới, chúng ta sẽ làm tất cả mọi việc để đưa học sinh đến trường, đưa nền giáo dục hoạt động trở lại bình thường trong trạng thái mới. Đó không chỉ là câu chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau đợt dịch căng thẳng.

Dịch bệnh thì vẫn có các diễn biến khó lường. Trong điều kiện đầy thách thức như vậy, trong năm mới, điều tôi mong muốn nhất và cũng là lời chúc tôi muốn gửi tới toàn ngành giáo dục, tới từng trường học, tới các thầy, các học trò, đó là hai chữ “an toàn”– điều thực sự cần thiết cho một năm đầy thách thức phía trước.

Thực hiện: Phạm Huyền

Ảnh: Phạm Hải

Thiết kế: Nguyễn Ngọc  

Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam

Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam

Việc chấn hưng nền giáo dục và đào tạo là tất yếu, nhưng trong ngổn ngang biết bao vấn đề thì cần đột phá vào đâu, thực hiện thế nào?