{keywords}
{keywords}

“Bác sĩ cạo đầu vào tâm dịch”, người ta nhớ đến bác sĩ Đặng Minh Hiệu (sinh năm 1993) của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với biệt danh như vậy. Hình ảnh bác sĩ trẻ xung phong đi tâm dịch Bắc Giang vào tháng 5/2021, đã truyền cảm hứng xông pha, cống hiến cho những người trẻ tuổi.

Trở về TP.HCM, bác sĩ Hiệu tình nguyện đăng kí đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Đến giữa tháng 7, anh tiếp tục công tác tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

“Khi về TP để chống dịch, tôi đã có chút ít kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian ở Bắc Giang cộng thêm sự chuẩn bị tinh thần cho sự khốc liệt của dịch bệnh đợt này. Tuy nhiên, tất cả đều ngoài sức tưởng tượng của tôi và các anh chị em đồng nghiệp…”, bác sĩ Đặng Minh Hiệu chia sẻ.

{keywords}

Ở Củ Chi, có thời điểm, bệnh nhân phải nằm tràn ra ngoài phòng bệnh, số ca nặng của khu Hồi sức cũng vượt công suất tối đa. Anh không tránh khỏi cảm giác chông chênh và hoang mang trước hiện thực.

Khi ở Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y dược, bác sĩ Hiệu thuộc đội cấp cứu đón bệnh nặng từ các bệnh viện tuyến dưới, xử trí và thực hiện đặt nội khí quản cấp cứu cho các ca nặng liên tục. Làm chuyên môn gây mê hồi sức, thường ngày vẫn đối mặt với các tình huống khẩn cấp, nhưng lúc này, sức chịu đựng của bác sĩ Hiệu cũng trở nên quá tải.

“Tôi đón bệnh nhân nặng liên tục, có đêm đến 6-7 ca tử vong, stress lắm. Những báo cáo, hình ảnh thực tế ở các nước bạn, anh em nhân viên y tế đều đã đọc, đã dự báo trước và mọi người bằng mọi giá cố gắng để mong hiện thực đó không xảy ra, thế nhưng nó vẫn ập đến một cách dồn dập và quay cuồng”, bác sĩ Hiệu nhớ lại.

{keywords}

Dịch càng ngày càng căng thẳng. Các y bác sĩ chứng kiến bệnh nhân tử vong đột ngột mỗi ngày, để lại những sang chấn tâm lý nặng nề, khó lòng lành lặn.

Trong tâm trí của bác sĩ Hiệu, mới hôm nay thôi, bệnh nhân thở oxy còn đang Facetime gọi điện cho gia đình, hẹn sum vầy. Thế mà tối đó, họ trở nặng rất nhanh. Bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp và tử vong luôn vài ngày sau đó. “Chóng vánh! Hụt hẫng! Đau xót! Không đủ để diễn tả cảm xúc lúc này!”, anh xúc động.

Dẫu không phải thân thích, chỉ biết bệnh nhân 1-2 ngày qua lớp áo bảo hộ, nhưng người ở lại phải chịu đựng sự choáng váng kéo dài. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra vô vàn bước ngoặt về cảm xúc, về con người.

{keywords}

Cũng chính trong những tháng ngày này, chàng trai trẻ Đặng Minh Hiệu chứng kiến biết bao câu chuyện về tình người, tình thân. Anh không thể quên trường hợp một cháu bé thiểu năng mắc Covid-19. Đi cùng bé là người bà trên 70 tuổi. Bà chỉ là F1 thôi nhưng vẫn làm đơn cam kết, xin được vào bệnh viện để chăm sóc cháu hàng ngày.

“Thương lắm, bà lớn tuổi, nếu vào rất dễ mắc bệnh và trở nặng. Vậy mà bà vẫn không bỏ cháu 1 ngày nào”, bác sĩ Hiệu cảm phục.

Thế nhưng đại dịch cũng bộc lộ những trái ngang. Anh chứng kiến một ông cụ trên 70 tuổi cùng với cháu nhập viện điều trị cùng thời điểm. Khi ông cụ chuyển nặng, phải chuyển vào khu chăm sóc tích cực thì người cháu không đi cùng để chăm sóc, động viên. Người cháu giải thích rằng “Ở khu đó toàn ca nặng, em đi theo bị nhiễm nặng hơn thì sao…”. 

Bác sĩ chỉ biết im lặng, cúi đầu đưa ông cụ sang khu điều trị tích cực. Không có quyền trách cứ, không có quyền bình luận, nhưng họ xót xa vô cùng!

Và khi đó, nhân viên y tế trở thành người thân. Từ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đều tận tình chăm sóc, từ thay tã, thay ga giường, lau rửa cho cụ mong có thể phục hồi. Thế nhưng, bệnh nhân này không qua khỏi, để lại trong bác sĩ Hiệu sự hụt hẫng, mất mát, dù chỉ là người dưng.

{keywords}

Bác sĩ Hiệu kể lại, có thời điểm, anh đã cảm thấy bất lực. Rất nhiều bệnh nặng, rất nhiều ca nguy kịch, cứ 2 người đặt nội khí quản lại nghe 1 người tử vong, và còn hơn thế nữa. Nhưng những tia hi vọng đã dần xuất hiện và ngày càng rõ rệt.

Nơi bác sĩ Hiệu công tác chủ yếu trong đợt dịch là Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nơi điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch nhất. Nhưng so với những nơi khác, đây là nơi có tỷ lệ tử vong thấp, là động lực to lớn của bác sĩ Hiệu cùng đồng nghiệp.

Ngày 22/10, trong buổi làm việc cùng đoàn công tác Bộ Y tế,  PGS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện cho biết, Trung tâm Hồi sức tiếp nhận tổng số 745 ca Covid-19 nặng. Số tử vong cộng dồn là 196 ca. Các bệnh nhân còn lại phục hồi, chuyển nhẹ. 

Bác sĩ Hiệu nhớ lại, những ngày đầu, mỗi buổi sáng giao ban, chỉ cần thông báo 1-2  bệnh nhân được rút nội khí quản hay cai máy thở, mọi người đều ồ lên vui mừng, hạnh phúc. Những con số biết nói, mang vô vàn cảm xúc, là thành quả của bao nhiêu con người, điều dưỡng, bác sĩ, tình nguyện viên…

Có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến trường hợp bệnh nhân T..T., 64 tuổi, có tiên lượng cực kỳ xấu. Phổi của cô T. không còn đàn hồi, co cụm, gần như đông đặc và nằm trong danh sách tiên lượng tử vong gần.

{keywords}

Các y bác sĩ vẫn nửa đùa nửa thật “còn thở là còn gỡ”, mọi người vẫn cố gắng từng giây phút, vì họ không cho phép người bệnh và bản thân được buông xuôi.

“Đôi khi chúng tôi làm những việc mà trong lòng mình không dám tin có ý nghĩa. Ví dụ như động tác lật sấp lật ngửa bệnh nhân để cải thiện chức năng phổi. Có lúc mình nghĩ, bệnh nhân tiên lượng tử vong rồi không biết làm vậy có giúp được gì không. Nhưng kệ, phải làm thôi.

Thế mà, không thể ngờ được, cô T. đã cải thiện, từng chút từng chút một, mỗi ngày, mỗi ngày”, bác sĩ Hiệu kể lại.

Thoát tiên lượng tử vong, cô T. được chuyển xuống khu vực thở oxy. Khi đó, cô vẫn chưa tỉnh táo hoàn toàn và nhầm bác sĩ Hiệu là con trai mình. Mỗi khi anh xuống thăm, cô kể về những món ăn yêu thích.

Rồi 1 ngày, cô mượn điện thoại gọi về cho gia đình báo tin. Dù vẫn còn tác dụng phụ của thuốc gây mê, nhưng cô T. đọc rành rọt, chính xác số điện thoại của con mình sau hơn 1 tháng mê man.

“Mình không thể tưởng tượng được, mấy tuần trước cô không còn hi vọng sống, thế mà giờ đây, cô ngồi với mình, kể về gia đình, về món ăn, gọi điện cho người thân. Thật sự ngoạn mục”, bác sĩ Hiệu xúc động.

Sự hồi phục của cô T. là thành quả của hàng chục con người Trung tâm Hồi sức trong bao nhiêu ngày tháng, mà bác sĩ Hiệu tin rằng, mình phải có trách nhiệm bảo vệ thành quả ấy, để bệnh nhân được trở về gia đình, sum họp cùng con cháu.

“Điều gì không thể làm mình gục ngã sẽ khiến mình mạnh mẽ hơn. Covid-19 cũng như vậy. Khi trở về cuộc sống bình thường, chúng tôi đều sẽ  khác. Vững vàng hơn, trân trọng cuộc sống hơn”, bác sĩ Hiệu kết thúc cuộc trò chuyện như vậy.

Anh lại tiếp tục bước vào ca trực tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại cơ sở Bình Chánh trong những ngày tháng 10. Một cuộc chiến vẫn tiếp tục phía bên trong để thành phố hồi sinh trong yên bình.

Linh Giao