Trong phần cuối tọa đàm, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và nhà giám tuyển (giám sát - tuyển chọn) phim Vũ Mạnh Cường (Marcus Mạnh Cường Vũ) tiếp tục bàn về vai trò "bà đỡ" của các nhà quản lý với những người làm phim trẻ độc lập.
Không thể đi lên mà không chuyên môn hóa
Nhà báo Hoàng Hường: Thưa anh Marcus, theo anh đâu là những cản trở mà các nhà làm phim độc lập trẻ ở VN đang đối diện? Làm thế nào vượt qua những cản trở đó?
Vũ Mạnh Cường: Chúng ta cần xây dựng một bộ khung hoàn chỉnh để hướng tới sự chuyên môn hoá.
Có những người có tài về mặt này mà không có tài về mặt khác. Chị Điệp là một người đa di năng nên mới có thể vừa làm đạo diễn, vừa đóng vai nhà sản xuất và bây giờ thì kiêm luôn cả vai phát hành. Dù chị làm công việc nào cũng tốt việc đó, nhưng đây là việc cực chẳng đã. Về lâu dài phải tính tới sự chuyên nghiệp và có phân công lao động cụ thể.
Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi không biết là mình đã làm tốt thật chưa, nhưng đó cũng là những việc mà tôi không thể không làm. Ngay bây giờ thôi, trong lúc rất cần tập trung cho phim thứ hai 'Câu chuyện buồn nhất thế gian' thì tôi lại phải phân tán, phải lo lắng báo cáo doanh thu và rất nhiều những thứ mà tôi tự nguyền rủa rằng tại sao tôi phải tự mua vào mình. Lý do như tôi đã chia sẻ: vì không có tiền nên không có một đội ngũ chuyên nghiệp và thế là phải tự làm.
Dòng phim độc lập vốn dĩ đã mỏng rồi, tác phẩm cũng đã ít ỏi rồi, cho nên bất kì cái gì không hay xảy ra đều có sức tàn phá rất lớn. Nó khác với hệ thống sản xuất phim thông thường và cả hệ thống sản xuất phim thương mại là nguồn lực sẵn có. Nếu có sai sót xảy ra thì con sóng sau đè con sóng trước, mọi chuyện nó vẫn sẽ trôi.
Nhưng với điện ảnh độc lập, sai một ly sẽ đi một dặm, nên những người đang chung tay phải thay nhau gánh vác.
Hoàng Hường:Là những người làm phim độc lập, các anh chị nhìn nhận như thế nào về vai trò "bà đỡ" của những người làm công tác quản lý điện ảnh, nhất là trong việc hỗ trợ các nhà làm phim trẻ hiện thực hoá giấc mơ cuả mình?
Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi tự nhận mình... thiếu hiểu biết rất nhiều mặt, trong đó có nhận thức về luật pháp và thể chế hành chính trong ngành nghề mình nói riêng.
Phải nói thật rằng trước tới nay tôi không có khái niệm xem Cục điện ảnh là bà đỡ. Tôi chỉ nghĩ đến Cục điện ảnh khi phải duyệt phim thôi. Chính bởi vì suy nghĩ như vậy nên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đến tìm một cơ hội hay sự hỗ trợ ở đó.
Cho đến khi làm phim xong tôi mới phát hiện ra chính cái suy nghĩ ấy là cái sai lớn nhất của mình, vì mình không chịu tìm hiểu. Thực sự Cục điện ảnh là nơi mình hoàn toàn có thể tìm cơ hội.
Trước đây tôi vẫn nghĩ rằng những nhà làm phim tư nhân thì không thể kết hợp với nhà nước để làm phim được. Bây giờ Cục điện ảnh lại có những dự án, có đấu thầu hẳn hoi, có đề án đàng hoàng. Ví dụ như phát động cuộc thi về đề tài miền núi, chiến tranh hay phụ nữ. Nếu anh có kịch bản hay, anh có thể gửi đến dự đấu thần và nếu kịch bản được chọn anh sẽ có tiền đầu tư để làm phim.
Và nói thật đến lúc tìm hiểu xong thì tôi đã choáng với sự đầu tư của Cục điện ảnh. Trái ngược với sự khắt khe trong kiểm duyệt thì họ lại rất thoáng trong việc tạo điều kiện làm phim. Nếu kịch bản được chọn thì họ cũng không nắm quyền của phim. Tức là bạn vẫn được kêu gọi thêm tiền đầu tư, vẫn được đem phim ra bán. Với những điều tôi nhìn thấy thì đúng như từ chị dùng là họ đóng vai trò bà đỡ thật.
Còn vấn đề duyệt, tôi không biết các bộ phim khác trước đó như thế nào, nhưng với tôi thì bộ phim hoàn toàn sản xuất ở VN, về luật thì tôi không phải trình kịch bản để duyệt trước khi quay. Tôi chỉ duyệt và xin cấp phép phổ biến sau khi hoàn thành phim thôi.
Khi tôi xin giấy cấp phép phổ biến, hội đồng duyệt rất cởi mở. Họ đặt ra những vấn đề như chiểu theo luật thì có chỗ này, chỗ kia cần thay đổi hoặc họ có cảm giác chưa được an toàn. Tôi được trao đổi với cả hội đồng nghệ thuật, sau đó cũng nói ý kiến riêng, có giải thích. Phim của tôi cắt 40 giây và không có giây nào nằm trong "cảnh nóng" cả. Nếu như quan niệm của mọi người rằng cảnh nóng là những cảnh "nhạy cảm" trên phim thì tôi không cắt một cảnh nào hết.
Chưa định nghĩa rõ ràng về "nhạy cảm"Hoàng Hường:Với một số trường hợp trước đây thì việc duyệt phim chưa thực sự cởi mở đến như vậy. Như phim "Bi, đừng sợ" bị cắt 6 phút, và có một cú sốc lớn hơn là lệnh cấm phát hành bộ phim 'Bụi đời chợ lớn'. Đây là cú sốc rất lớn làm cho những nhà làm phim và công chúng. Theo anh Cường, làm thế nào để chúng ta tìm được tiếng nói chung giữa những nhà quản lý và nhà làm phim?
Vũ Mạnh Cường: Vì mục tiêu chung: người làm phim và nhà quản lý đều mong phim đến với khán giả. Nếu có sợ vấn đề gì xảy ra thì tôi nghĩ rằng phía quản lý có lý do của họ. Tôi không được biết rõ về lý do đó, tuy nhiên tôi cho rằng cấm phim phổ biến là mức quá nặng, trừ phi một bộ phim mà phạm vào một điều kinh khủng.
Ví dụ như ở Đức nếu chúng ta làm phim ca ngợi Hitler với mục đích tuyên truyền để mọi người ca ngợi và thích thú với chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì sẽ bị cấm. Trừ khi việc 'ca ngợi' đó đặt vào trong bối cảnh phim diễn ra trong thời điểm lịch sử, phải tôn trọng lịch sử.
Hiện ở VN khái niệm nhạy cảm vẫn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng. Tôi nghĩ là về mặt quản lý thì nên có phạm vi cụ thể để cho những nhà làm phim biết cái gì mình không nên phạm vào, còn cái gì mà không bị cấm thì được phép làm.
Sắp tới sẽ ban hành một thông tư mới phân loại tuổi khán giả và theo tôi đấy là việc phải làm, không sớm thì muộn. Ngoài việc phân loại duyệt ra thì tôi thấy việc công tác bà đỡ của Cục Điện Ảnh còn thể hiện là tổ chức các LHP. Đấy là điều đáng hoan nghênh.
Marcus Mạnh Cường Vũ |
Hoàng Hường:Vừa rồi anh Cường có nhắc đến quyền tự do biểu đạt. Vậy như quan sát của anh, khâu duyệt hiện nay từ phía cơ quan quản lý nhà nước có cần sự cải tiến, thay đổi nào cho phù hợp hơn?
Vũ Mạnh Cường: Như tôi thấy, ở Đức, bộ phim làm ra không bắt buộc phải đi qua cơ quan duyệt nào cả. Nhưng có một hội đồng gồm đại diện của cha mẹ, phụ nữ, đại diện của người tàn tật, những hội đoàn bảo vệ quyền lợi cho những nhóm thiểu số hay trẻ em.
Nhà làm phim sẽ tự nguyện gửi bộ phim đến hội đồng để họ xem phim và đưa ra nhận định đối tượng nào để có thể được xem tác phẩm này. Dù là tự nguyện, thì tôi nghĩ rằng 99% các phim sản xuất ra đều gửi đến hội đồng đó. Họ làm động tác đó bởi vì họ tôn trọng khán giả.
Hoàng Hường: Như cách anh nói, thì tôi hiểu rằng mục đích lớn nhất của hội đồng đó chính là đảm bảo làm sao bộ phim không có những nội dung hay vấn đề gây tổn thương, không xúc phạm đến đối tượng nào. Còn trong trường hợp, có những bộ phim bị thiên lệch, ví dụ phim về người đồng tính, với cách làm méo mó, mà những người này cảm thấy họ bị xúc phạm thì họ phản đối cách nào? Nếu ở ta cũng có những hội đồng như vậy thì rất tốt, đúng không chị Điệp?
Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi rất đồng tình với suy nghĩ đó. Ở một số quốc gia những việc kiểm duyệt về điều cấm trong điện ảnh đã từng tồn tại và đã từng bị chính các nhà làm phim; thậm chí chính các nhà quản lý nhận ra rằng chưa phù hợp, vậy nên họ cũng đã tìm cách bỏ nó đi.
Bất cứ luật nào đưa ra cũng phải kiểm chứng trong thực tiễn. Nếu không còn phù hợp nữa thì phải thay đổi. Ví như chuyện phân loại độ tuổi. Nó có phải là chuyện hình thức không? Có phải là một khâu duyệt phim không? Đâu là cơ hội sống sót của các tác phẩm nghệ thuật, cơ hội tồn tại, cơ hội cất lên tiếng nói, cho dù trong một cộng đồng thiểu số. Chính bởi vậy, khâu duyệt phim cần được thay đổi.
Trước nay cơ quan quản lý và nhà làm phim chẳng bao giờ ngồi để đối thoại với nhau. Chúng ta vẫn giao lưu qua một tờ giấy và tờ giấy đó thì cứ được đẩy đi đẩy lại. Đưa cho tôi, tôi phản biện, phản biện xong sửa, sửa xong nộp lên vẫn chưa được, rất mất thời gian và mất tâm sức của nhiều người. Nhà quản lý phải tìm ra một cách thức phù hợp cho cả hai bên. Như vậy mọi việc mới thông suốt!
Hoàng Hường: Xin cảm ơn các anh chị đã chia sẻ nhiều điều tâm huyết, trăn trở dưới góc độ những người trẻ làm nghệ thuật và sẵn sàng dấn thân tìm con đường mới. Hẹn gặp các anh chị trong những chủ đề khác.
Tuần Việt Nam
Ảnh: Lê Anh Dũng
Quay phim: Xuân Quý, Đức Yên
Dựng phim: Huy Phúc