Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn là một trong các nội dung quan trọng tại Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là yêu cầu cấp bách, đồng thời là cơ hội để các dân tộc rất ít người phát triển đột phá.
Hiện nay cả nước có 16 DTTS rất ít người (Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ), sinh sống rải rác tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, có nhiều dân tộc thiểu số rất ít người có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số từ 1,5 - 2,2 lần. 7/13 dân tộc có trên 30% người dân trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông, cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ bình quân chung của người dân tộc thiểu số.
Ngoài các dân tộc thiểu số rất ít người, hiện nay, một số dân tộc thiểu số tuy có dân số trên 10.000 người như: Mông, Xinh Mun, Co, Bru Vân Kiều, Khơ Mú, Xơ Đăng… nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc này cao, chiếm trên 35% số hộ và cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; điều kiện sống, khả năng tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường rất khó khăn và thấp hơn so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số và rất thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Tính theo các tiêu chí hộ nghèo và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, cả nước sẽ có 31 dân tộc thiểu số thuộc nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, với tổng dân số trên 3 triệu người.
Đối mặt với những vấn đề cấp bách đó, các dân tộc này có nguy cơ ngày càng tụt hậu trong quá trình phát triển; mai một bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, suy thoái chất lượng dân số... Do đó, việc bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người là yêu cầu cấp bách đòi hỏi trong thời gian tới rất cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt để các dân tộc rất ít người không bị tụt hậu xa hơn so với các dân tộc khác và hòa nhập với tiến trình phát triển của đất nước.
Đứng trước những yêu cầu cấp thiết trên, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” và đặt trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Dự án là sự tích hợp các Quyết định số 1672/QĐ-TTg, Quyết định số 2086/QĐ-TTg, Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”.
Tại kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào ngày 18/11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp sau đó, tại kỳ họp thứ 9, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, nội dung “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” trở thành một trong 10 dự án thành phần quan trọng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia.
Song song với đó, ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; ngày 14/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1227/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 (gồm 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù). Đây sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai các chính sách đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Nhằm thiết thực hỗ trợ, từng bước phát triển vùng đồng bào DTTS rất ít người, những năm qua, ngoài chính sách chung đối với các DTTS, Đảng, Nhà nước còn có những chính sách riêng đặc thù áp dụng với DTTS rất ít người. Về giáo dục, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người; năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người.
Về kinh tế-xã hội, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1672/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, thực hiện tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang. Đặc biệt, ngày 31-10-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025.
Đề án này có đối tượng áp dụng rộng (thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các DTTS rất ít người trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum), nhằm mục tiêu duy trì, phát triển, nâng cao vị thế của các DTTS rất ít người; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào DTTS rất ít người...
Đánh giá về kết quả thực hiện các chính sách đối với vùng DTTS rất ít người thời gian qua, đại diện Ủy ban Dân tộc khẳng định: Các chương trình, chính sách đặc thù này đã được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Bộ đội Biên phòng là một trong những lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện.
Chính sách đã tác động tích cực, tạo chuyển biến ở tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển, ổn định kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS rất ít người. Ví dụ như trước đây, một số DTTS rất ít người còn sống trong rừng, nay đã được đưa về bản, làng sống ổn định. Trẻ em đến trường ngày một nhiều hơn, trong hai đợt tuyên dương học sinh, sinh viên người DTTS xuất sắc do Ủy ban Dân tộc tổ chức gần đây, xuất hiện gần như đầy đủ các DTTS rất ít người...
Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải duy trì các kết quả đã đạt được một cách bền vững, tạo cơ sở để tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách. Để làm được việc này, cần triển khai thực hiện đúng, đủ, đều các chính sách đã và sẽ được ban hành, quá trình thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm để thể hiện rõ tính đặc thù; tăng cường tính minh bạch, sự kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách khơi dậy nội lực, tính tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc.