Lý A Hoa đứng trên mỏm đá, sát tường rào, mắt chăm chú nhìn về người thợ điện đang leo cột để lắp đồng hồ. “Vui quá, quá vui luôn, chờ đợi bao năm nay rồi”, Lý A Hoa tự nói to thành tiếng như thể muốn mọi người đều nghe thấy.

Xung quanh cột điện, những người đàn ông thôn Bản Giàng (xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) xúm lại quanh chân cột điện, nhìn từng chiếc đồng hồ được thợ điện lắp cho mỗi nhà. Không khí vui không khác gì ngày Tết.

“Nhà mình có điện mấy hôm nay rồi, lắp đợt trước rồi. Vui lắm. Trước kia phải dùng điện nước, không ổn định lắm, phải kéo dây từ xa cả cây số  nên chỉ dùng bóng điện và thiết bị nhỏ thôi. Nắng quá thì nước không đủ để có điện, mưa quá thì lại hỏng thiết bị, rất khó sử dụng. Một tháng phải thay bi 2,3 lần, chứ không đều như điện quốc gia này”, Lý A Hoa nói với phóng viên.

Và rất nhanh, Hoa nảy ra ý định làm kinh tế khi nhà có điện. “Sau này mình muốn lắp điện 3 pha để dùng mô tơ máy xát, để xát lúa cả cho bà con’, Lý A Hoa mắt sáng rực khi nhẩm tính những kế hoạch cho tương lai.

Từ chân dốc, Lý A Hử (sinh năm 1992) đèo vợ và con đỗ xịch xe máy trước mặt anh thợ điện để hỏi bao giờ đến lượt lắp điện. Bao năm nhà anh cũng chỉ dùng điện nước nên Hử mong đến lượt nhà mình được đóng điện như nhiều nhà hàng xóm.

Vui không kém, là các cô giáo điểm trường mầm non Bản Giàng. Hôm phóng viên có mặt, cũng là ngày thợ điện chính thức kéo điện về đến điểm trường. Trong lớp học nhỏ, cô trò chỉ dạy và học trong ánh sáng yếu ớt của ánh mặt trời buổi chiều tà. Một lát nữa thôi, điểm trường này sẽ có điện.

Cô Hầu Thị Dương kể: Nếu trời không mưa thì sạc đèn năng lượng mặt trời được, còn không thì chỉ dạy học và sinh hoạt trong phòng tối thế này thôi. Ngoài trường chính mà không có công việc gì thì chúng em ở lại đây vì đường sá đi lại xa. Mùa hè nóng thì cố chịu, không có quạt dùng.

“Tối nay có điện em vui lắm. Có điện thì các cháu học cũng được sáng sủa. Mùa đông lạnh thế này, có đèn sưởi các cháu ngồi quanh sẽ ấm hơn. Nhà trường đang chờ có điện để mua đèn sưởi cho các cháu, kẻo bao lâu nay các cháu thiệt thòi rồi”, cô Dương tươi cười.

Tại Bản Giàng- bản xa xôi và khó khăn nhất của xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, 54 hộ dân với chủ yếu là người dân tộc Mông từ bao đời nay đã quen với những khó khăn vất vả và với cả bóng tối. Không có điện lưới, đồng bào phải tiết kiệm từng chút điện nước với nguồn điện chỉ đủ để sạc điện thoại và đèn pin.

Không có điện, đồng nghĩa với việc người dân không có cơ hội được tiếp cận với các nguồn thông tin, tiến bộ mới. Không có điện, đồng nghĩa với việc đứng ngoài dòng chảy phát triển chung của xã hội. Cuộc sống mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy của cái nghèo.

Ở nơi tận cùng khó khăn này, ánh sáng và điện lưới là một ước mơ, là mong mỏi suốt bao năm trời.

Ngày 19/12, Công ty Điện lực Lào Cai tổ chức đóng điện, chính thức đưa lưới điện quốc gia đến 54 hộ dân Bản Giàng.

Ngày “điện về”,  bà con bản Giàng ai cũng háo hức, hân hoan. Đó cũng là lần đầu tiên, những em bé tại điểm trường mầm non bản Giàng nhìn thấy ánh điện được thắp sáng trong lớp học nhỏ. Và ngày mai, những chiếc máy sưởi sẽ được bật lên để ủ ấm cho các em trong mùa đông sương giá.

Việc đưa điện lưới quốc gia về thôn Bản Giàng, là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền, ngành Điện và bà con Nhân dân trong việc triển khai công trình xây dựng mới. Công trình gồm 01 trạm biến áp công suất 160 kVA-35/0,4kV; 6,8km đường dây 35kV (2,7km đường dân trần và 4,1km cáp ngầm); 1,4km đường dây 0,4kV. Công trình do Sở Công Thương tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư, với tổng giá trị là 10,9 tỷ đồng.

Hành trình “cõng điện” lên bản Giàng là một hành trình đầy gian khó. Địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, đường giao thông chưa được cải tạo xong. Phải mất gần 4 năm, những đường dây điện mới có thể xuyên rừng, vượt suối để đến với bà con bản Giàng.

Có mặt tại Bản Giàng chỉ đạo công tác đóng điện cho bà con, ông Lưu Ngọc Phước, Phó giám đốc Điện lực huyện Bát Xát cho biết: Sau khi đóng điện xong, đây cũng là tháng tri ân khách hàng, nên Công ty điện lực Lào Cai sẽ tổ chức lắp đặt miễn phí toàn bộ nhân công từ sau công tơ về nhà khách hàng cho toàn bộ 54/54 hộ dân bản Giàng. Số tiền hỗ trợ nhân công là khoảng 237 nghìn đồng/hộ, nhân với 54 hộ thì đó cũng là cả vấn đề. Chúng tôi nhận thấy đây cũng là khoản chi phí không nhỏ của bà con, chủ yếu là các hộ  nghèo và cận nghèo, nên Công ty Điện lực Lào Cai và Điện lực Bát Xát trong tháng tri ân đã quyết định miễn phí toàn bộ nhân công lắp đặt cho bà con.

“Sau khi cấp điện vào trạm, ngay ngày đầu tiên chúng tôi đã cấp điện được cho 28/54 hộ, các hộ còn lại hoàn thiện thủ tục đến đâu là điện lực Bát Xát sẽ lắp đặt đến đó. Các thủ tục về cấp điện hiện rất đơn giản và thuận tiện”, ông Lưu Ngọc Phước chia sẻ.

Ông Hàu A Chư, Phó Chủ tịch xã Pa Cheo hồi tưởng: Thôn Bản Giàng từ trước đó không có điện, không có đường. Giờ đường vào đã được đổ bê tông, điện cũng được kéo về tận nhà. Nếu có điện về, dân sẽ làm được nhiều việc  như nghe đài, xem ti vi. Dân sẽ được lắp loa truyền thông của thôn, rất tiện cho việc tuyên truyền vận động bà con trong thôn thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Khi có điện về thôn bản rồi, xã sẽ vận động dân không đi lấy củi đun nấu nữa, mà mua nồi điện dùng, đun nước bằng ấm siêu tốc phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Có điện rồi dân sẽ lắp máy xay xát phục vụ cho đồng bào trong thôn, trước đây khi không có điện thì đều phải mang ra ngoài thôn khác, rất vất vả, cách chừng 8 cây số”, ông Hàu A Chư nói về một trang mới trong đời sống bà con Bản Giàng.

Không chỉ riêng tại Bản Giàng, trong những năm qua đã có hàng trăm bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo xa xôi… được cấp điện lưới.

Từ khi có điện, nhiều làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa cũng chuyển sang cơ khí hóa. Nhờ hiệu quả sản xuất tăng cao, đời sống người dân cũng ngày càng sung túc. Câu chuyện của làng nghề miến dong ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa là ví dụ.

Làng nghề này đã có từ rất lâu đời. Nghề miến của gia đình bà Quý cũng được truyền từ đời này qua đời khác. Đến nay, bà cũng có 30 năm trong nghề. Trước kia, làm miến hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, nên năng suất thấp, hiệu quả không cao. Những năm gần đây, có điện nên gia đình đã đầu tư máy móc, thu nhập từ làm miến cũng cao hơn nhiều.

“Nhà tôi làm nghề lâu lắm rồi, tính ra phải hơn 30 năm rồi. Ngày xưa chưa có điện nên làm thủ công, dẫn đến năng suất không cao và không sạch sẽ như bây giờ. Giờ có điện nên lọc bột bằng mô tơ, sạch sẽ hơn và năng suất hơn”, bà Nguyễn Thị Thúy, thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình vui mừng nhớ lại.

Ông Bùi Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình chia sẻ: Từ khi có nghề làm miến dong, hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm.Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện tại bà con dùng mô tơ điện để đánh bột nên có hiệu quả kinh tế rất cao, giảm bớt công lao động.

Để đạt mục tiêu 99,85% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia vào năm 2022, góp phần đạt tiêu chí số 4 trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong những năm qua, ngành điện miền bắc, Công ty điện lực Thanh Hóa đã đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh, tập trung vào chống quá tải, và đưa điện lưới đến các thôn bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nghiêm Đình Sơn, Phó Giám đốc Công ty điện lực Thanh Hóa cho biết: Để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, ngành điện đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang lưới điện hiện trạng của mình, đáp ứng an toàn trong quá trình vận hành, đặc biệt là phục vụ nông thôn mới của địa phương.

Hiện nay tất cả các xã trên địa bàn Tổng công ty điện lực miền Bắc quản lý đều đã có điện lưới Quốc gia, trong đó: 4.441 xã/4.441 xã có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100 %.

7.857.325 trên tổng số 7.908.181 hộ dân nông thôn có điện, đạt tỷ lệ 99,4%.

Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có điện đến hết năm 2023 là khoảng 97,60%, cao hơn 11,6% so với kế hoạch EVN giao năm 2023 (EVN giao năm 2023 là 86%).

Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng được Đảng, Nhà nước giao phó, Tổng Công ty điện lực miền Bắc vẫn luôn nỗ lực, bền bỉ, quyết tâm thực hiện mục tiêu xóa vùng trắng điện lưới quốc gia, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhìn lại chặng đường bền bỉ đưa điện thắp sáng các vùng đặc biệt khó khăn, có thể thấy, điện khí hóa nông thôn luôn là vấn đề đầy thách thức đối với Chính phủ và ngành Điện.

Tuy nhiên xác định đây là hoạt động quan trọng, cấp thiết để nâng cao chất lượng đời sống, kinh tế- xã hội của người dân vùng sâu, vùng xa, tổng công ty Điện lực miền Bắc đã tập trung tối đa nhân lực, tâm sức, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển lưới điện nông thôn với mong muốn người dân sớm được hoà nhập, bắt kịp với sự phát triển chung, bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực phát triển, sinh kế cũng như thu nhập, góp phần xóa nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương  và tiếp sức đẩy nhanh, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

                              

Vũ Lụa, Anh Phương, Ngọc Ánh, Đình Thành và nhóm PV, BTV