Đến vườn hoa Nhật Tân vào thời điểm này, khắp nơi chỉ thấy bạt ngàn sắc trắng của cúc họa mi. Một số hộ gia đình cho biết, loài hoa này trước kia mọc dại rất nhiều nhưng không ai để ý. Chỉ đến khi thấy nhiều người tìm mua, thậm chí nô nức kéo đến những vườn hoa tự phát để chụp ảnh thì người dân Nhật Tân mới chú ý đến việc chăm sóc, duy trì giống để hoa có kích thước lớn và màu sắc đẹp hơn.
Để cúc họa mi ra hoa đúng vụ, thông thường, người dân phải bắt đầu ươm mầm từ tháng 4 Âm lịch, sau 6 tháng là hoa bắt đầu bung nở. Hoa nở đến đâu, người dân cắt đem bán đến đó, tùy vào hướng kinh doanh mà mỗi hộ gia đình có thể thu về từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Cúc họa mi được trồng theo 2 phương thức là trồng xen canh giữa các gốc đào để tiết kiệm diện tích hoặc trồng luống riêng, thuận tiện hơn cho việc chăm sóc. Sau khi mang hoa về, đa số các gia đình sẽ phân loại, bó riêng để đổ buôn cho các thương lái.
Cô Hoa – một người trồng cúc họa mi ở Nhật Tân cho biết: “Với lợi thế đất cát ven sông, phù sa màu mỡ cộng với thời tiết năm nay khá thuận lợi, cúc họa mi cho sản lượng nhiều và chất lượng tốt hơn, cánh dày, trắng muốt và lá cũng xanh rất đẹp. Tuy nhiên, mấy ngày trước trời nắng nóng nên chúng tôi phải cố thu hoạch nhanh để bán. Khi trời trở lạnh, hoa sẽ nở chậm và giữ được lâu hơn”.
Với tổng diện tích khoảng 2 sào, vườn cúc họa mi của gia đình cô Hoa trung bình một vụ có thể thu về cả chục triệu đồng.
“Trên cùng một mảnh vườn này, khi hết mùa cúc họa mi thì tôi sẽ trồng hoa bướm, sau đó là trồng lạc. Nhưng nếu so sánh, trồng cúc họa mi lãi hơn rất nhiều vì không cần bỏ vốn, hạt giống có thể tự làm ra. Thêm vào đó, việc chăm sóc cũng không mất quá nhiều công. Có khi cả tuần chỉ cần ra vườn 1 lần để phun thuốc trừ sâu, trừ muội”, cô Hoa tiết lộ.
Được biết, năm nay giá hoa không có nhiều biến động. Một bó hoa lớn ước chừng khoảng 40 bó nhỏ, mỗi bó nhỏ đổ buôn thường từ 40.000 – 50.000 đồng. Khách đến vườn có thể mua được cúc họa mi với giá rẻ hơn, việc lựa hoa cũng thoải mái và dễ dàng hơn. Khi mua về, hoa giữ được khoảng 1 tuần và không dễ bị gãy gập.
Ngoài việc bán hoa, vài năm gần đây các hộ gia đình còn có thêm một khoản thu nhập nhờ dịch vụ chụp ảnh, giá trung bình là 20.000 đồng/ người. Tuy nhiên, những khu vườn ở Nhật Tân mở ra để phục vụ chụp ảnh chuyên nghiệp mới thực sự là nhân vật “hốt bạc” vào mỗi mùa cúc họa mi.
Cúc họa mi chỉ khoe sắc rực rỡ vào một khoảng thời gian ngắn ngủi, nên dù mới chỉ đầu mùa nhưng đã có rất nhiều người đổ xô về các vườn hoa chụp ảnh. Nắm bắt được tâm lý này, phần đông các chủ vườn đều dành phần đất rộng trồng cúc họa mi.
Anh Quang - chủ một vườn hoa khá nổi tiếng ở Nhật Tân cho biết, đây là thời điểm “lên ngôi” của cúc họa mi. “Người ta bị thu hút bởi vẻ đẹp mỏng manh nhưng tinh khiết của loài hoa này. Vào cuối tuần, lượng khách kéo đến rất đông, có khi không đếm xuể. Nếu chụp ảnh cưới, họ còn tìm đến vườn từ 7, 8 giờ sáng và đến khi tắt nắng mới vãn khách”.
Với giá vé vào cửa là 50.000 đồng/ người, ông chủ vườn hoa ước tính doanh thu một ngày có thể lên đến 4,5 - 5 triệu đồng. Chưa kể, các địa điểm này còn có dịch vụ ăn uống, cho thuê trang phục và trang điểm, phục vụ các “thượng đế” có nhu cầu chụp ảnh cả ngày. Nhờ đó mà số tiền thu về cũng tăng lên đáng kể.
Cúc họa mi từ lâu đã trở thành một biểu tượng cho Hà Nội khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh. Từ các vườn hoa nổi tiếng như Nhật Tân, Tây Tựu,… những bông cúc xinh xắn, mộc mạc lại theo gánh hàng hoa của các bà, các cô tràn về khắp ngõ phố.
Theo Dân Trí