Thời gian qua các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng qua những thời kỳ khác nhau đã cho thấy sự phát triển cả về lý luận, nhận thức trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng kinh tế tập thể mà nòng cốt là hệ thống các HTX, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, xu thế chung của toàn cầu.
Đặc biệt mới đây, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó nhấn mạnh kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Nhờ chủ trương, chính sách và pháp luật đúng đắn, phù hợp đã, đang và sẽ thúc đẩy năng lực sáng tạo, đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ, đầu tư thích đáng cho kinh tế tập thể và HTX. Từ đó tạo ra không gian phát triển kinh tế rộng mở, tạo ra sản phẩm, của cải, gia tăng giá trị, làm cho người dân ấm no và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Tại tọa đàm "Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới" hôm 6/4, khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể cũng như mô hình HTX, song Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận, mô hình HTX manh mún, nhỏ lẻ và tự phát vẫn như “lời nguyền” của ngành nông nghiệp, nếu chúng ta không vượt qua sẽ mãi chỉ là là kinh tế hộ. Mục tiêu gia tăng giá trị thặng dư trên nền nông nghiệp, tăng thu nhập của người dân cũng như xu thế tiêu dùng thay đổi nhanh như hiện nay không cho phép chúng ta dừng lại ở thành tựu trước đó, cần phải cùng nhau có cách tiếp cận mới.
Vì thế Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ, nếu không có HTX, sự manh mún, rời rạc thiếu liên kết sẽ khó chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19. Quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ cũng sẽ không thể tạo ra kinh tế nông nghiệp, rất khó sản xuất nông nghiệp trên những đơn vị diện tích nhỏ hẹp với chi phí quá cao.
“Ngành nông nghiệp, Liên minh HTX Việt Nam cũng như các Bộ, ngành và các địa phương phải vào cuộc để làm mới mô hình kinh tế tập thể, HTX với một tâm thế mới mạnh mẽ. Hoạt động này không chỉ là những thành viên tham gia HTX, mà cần cả bộ máy hay đúng hơn là cả hệ thống chính trị. Thông qua các kênh truyền thông đại chúng, cần có chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để làm rõ về tư tưởng, mục tiêu ý nghĩa và giá trị của HTX, qua đó thấy được những bất cập trong cơ chế, những kinh nghiệm cần sửa đổi”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX cho rằng, từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, sau đó thể chế bằng Luật HTX, khu vực HTX có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng và phát triển tương đối đồng đều ở các địa phương. Có được kết quả như vậy là nhờ nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về lĩnh vực này ngày càng tăng; các bộ, ngành đã tham mưu xây dựng các chính sách, chiến lược để phát triển lĩnh vực này. Các chính sách hỗ trợ đã bước đầu đi vào cuộc sống và người dân HTX được hưởng thụ mặc dù chưa lớn. Về các xu hướng hiện nay, lao động trẻ có chuyên môn khởi nghiệp bằng mô hình HTX.
Hiện nay, trong số 29.000 HTX đăng ký hoạt động hiện đã có đến hơn 18.000 HTX nông nghiệp, chiếm hơn 70% tổng số HTX cả nước có bước tăng trưởng ấn tượng để khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế quốc gia. Điều này được khẳng định bởi doanh thu và thu nhập của các thành viên HTX đã tăng 107% của năm 2021 so với năm 2013.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, quá trình tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 cho thấy, khu vực HTX đã đạt được nhiều kết quả tích cực với khoảng 29 nghìn HTX, liên hiệp HTX , trong đó số lượng HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả tăng hơn 2 lần so với năm 2013 (từ 6.354 HTX, liên hiệp HTX năm 2013 lên 14.295 HTX, liên hiệp HTX năm 2021), chủ yếu là trong các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, dịch vụ,… Các HTX, liên hiệp HTX từng bước hoạt động ổn định, doanh thu và thu nhập của người lao động trong khu vực HTX năm 2021 tăng 107% so với năm 2013, thu hẹp dần khoảng cách so với khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế của khu vực này như tổ chức kinh tế tập thể, HTX phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu.
Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức này với nhau để tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chưa cao. Số lượng thành viên bị sụt giảm liên tục, từ gần 8 triệu thành viên năm 2013 giảm xuống còn 5,7 triệu năm 2021.
HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ về mặt bằng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập người lao động đã cải thiện nhưng còn thấp, chưa bằng 50% so với khu vực doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế như pháp luật về HTX chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn thay đổi nhanh chóng, yêu cầu của bối cảnh quốc tế và trong nước, đặc biệt là khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX, liên HTX chưa đủ mạnh; cần nghiên cứu thúc đẩy hơn các cơ chế, chính sách về tiếp cận về vốn, đất đai, thị trường, khoa học công nghệ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để cán bộ các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và Nhân dân nhận thức về bản chất, vai trò, vị trí của khu vực HTX còn chưa thường xuyên, liên tục, chưa có hệ thống. Chưa có nhiều mô hình HTX liên kết sản xuất thành công, có hiệu quả, hoạt động theo đúng bản chất để phổ biến, nhân rộng; năng lực và trình độ về quản trị của HTX chưa cao, tính hợp tác, tin cậy giữa các thành viên còn thấp.
Hải Vân