VietNamNet dịch lại bài viết của nữ nhiếp ảnh gia Kiki Streitberger đăng trong chuyên mục 'The World through a Lens' của thời báo New York Times.

'Con lạc đà số 1! Con lạc đà số 1!'

Ngay khi vừa đặt chân đến Lễ hội Al Dhafra, tôi đã nhìn thấy những chàng trai trẻ trong trang phục truyền thống kanduras, với áo vải trắng dài đến mắt cá, đang chạy về phía xe của tôi và hét lên. Họ chỉ tay về đằng xa, nơi hai người đàn ông khác đang cưỡi lạc đà và trong đó có một con được quấn trong một chiếc chăn của 'kẻ thắng cuộc' với tua bằng vàng.

Phía sau những người đàn ông đang từ từ băng qua cồn cát là một đoàn xe bán tải lớn bấm còi inh ỏi. Nam thanh niên trong xe nghiêng ra ngoài cửa sổ vẫy tay cổ vũ và những người xung quanh nhanh chóng ghi lại cảnh tượng này bằng điện thoại.

Không đắn đo suy nghĩ gì thêm, tôi cũng quyết định bỏ lại chiếc ô tô mình đang thuê, bởi lẽ nó cũng chẳng thể đi xa trong cồn cát sâu này. Tôi muốn hòa mình vào lễ hội ngẫu hứng của nơi đây.

{keywords}

Những người nuôi lạc đà đang theo dõi cuộc thi phía bên ngoài

Al Dhafra là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm của người Bedouin và diễn ra ở rìa Rub al Khali hay được coi là sa mạc cát lớn nhất thế giới, cách thành phố Madinat Zayed của các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất khoảng hai giờ lái xe về phía Tây Nam Abu Dhabi.

Điểm nổi bật của lễ hội này là các hoạt động như cuộc đua chó tốc độ Saluki của người Bedouin, đọc thơ hay triển lãm về nghề nuôi chim ưng và nghệ thuật thủ công truyền thống. Từ chà là tươi đến sữa lạc đà cũng đều được bày bán tại đây.

Tuy nhiên, trung tâm của lễ hội là cuộc thi tìm 'hoa hậu lạc đà'.

Sự kiện kéo dài trong một tuần này biến Al Dhafra trở thành 'trung tâm của lạc đà' thế giới. Năm 2019, tôi từng chứng kiến hơn 24.000 con lạc đà từ khắp Trung Đông tới đây để tranh giải thưởng trị giá tới 60 triệu dirham Emirati, tương đương hơn 16 triệu USD.

{keywords}

Một cậu bé cố gắng giữ thăng bằng khi đứng trên lưng lạc đà trong lễ hội

Cuộc thi này hấp dẫn và gay cấn tới dẫn đến một cuộc tranh chấp gia đình vào năm 1993, khi hai người họ hàng chăn nuôi lạc đà phải yêu cầu một số giám khảo độc lập để xác định xem lạc đà của ai đẹp hơn.

Kể từ đó, các cuộc thi tìm 'hoa hậu lạc đà' ở đây đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đô la bên cạnh các lễ hội di sản do nhà nước bảo trợ được tổ chức trên khắp các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Mục đích của Lễ hội Al Dhafra, được chính phủ chính thức khởi xướng vào năm 2008, là để tôn vinh văn hóa Bedouin, tạo ra những hoạt động du lịch và bảo tồn sự thuần khiết của một số giống lạc đà nhất định.

{keywords}

Những trang phục và vòng cổ được làm riêng cho lạc đà tham dự cuộc thi

Cuộc sống của người Bedouin đã dần thay đổi trong khoảng năm mươi năm qua khi thế giới hiện đại đã kìm hãm mô hình chăn nuôi du mục và sự xâm lấn của kinh tế và công nghệ đã làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống khác.

Đối với người Bedouin, những lễ hội như Al Dhafra là một trong số ít hoạt động để họ có thể duy trì truyền thống của mình một cách có ý nghĩa.

Các cuộc thi tìm 'hoa hậu lạc đà' được chia thành nhiều hạng mục khác nhau, theo giống, độ tuổi hay giới tính.

Một con lạc đà lý tưởng theo quan niệm của người Bedouin sẽ có đôi chân dài thẳng, cổ dài, một cái bướu quyến rũ nằm ở ngay vị trí trên lưng dưới, đôi tai vểnh, đôi mắt biểu cảm với hàng lông mi cong lên, đôi môi dài rủ xuống và tất nhiên không thể thiếu một bộ lông bóng mượt với thế đứng tao nhã.

{keywords}

Những quầy hàng đồ uống phục vụ du khách tham dự lễ hội

Không có 'siêu mẫu' nào là hoàn hảo nếu như thiếu đi trang sức. Và hàng loạt các dịch vụ đi kèm đã ra đời chỉ nhằm phục vụ cho các các cuộc thi sắc đẹp của lạc đà. Những người thợ chuyên may đồ cho lạc đà thậm chí còn dựng trại ở Al Dhafra để bán những chiếc dây cương nhiều màu sắc, những chiếc chăn lạc đà sáng bóng có gắn tua kim tuyến và thậm chí cả những chiếc vòng cổ lấp lánh làm từ hạt nhựa và đồng xu xâu chuỗi.

Phố Million, con đường mà các 'siêu sao' lạc đà tập trung, biến thành một khu chợ ngoài trời náo nhiệt với hàng loạt lều hàng, xe lữ hành và cả xe bán đồ ăn.

Đây không chỉ là nơi để mua dầu gội đầu hay vỏ lạc đà mà còn có tập trung nhiều mặt hàng khác như những chieics chăn mùa đông đầy màu sắc, bếp, thảm, dụng cụ săn bắn, ghế gập, da bò và nhiều loại quần áo. Đèn hiệu quảng cáo của các nhà hàng thịt nướng, bánh ngọt sáng choang một vùng. Thậm chí còn có cả các dịch vụ giặt là dành riêng cho lạc đà.

{keywords}

Những ông chủ giàu có ngồi chờ kết quả của cuộc thi đầy gay cấn này

Theo thông lệ, phụ nữ và trẻ em không được phép tham gia vào các cuộc thi lạc đà nên họ dành phần lớn thời gian quanh lều của gia đình hoặc tới một khu chợ gần đó.

Tuy nhiên, với tư cách là một du khách nước ngoài, tôi có thể tự do đi lại, tham dự các cuộc thi tìm 'hoa khôi lạc đà' và tham gia bữa tiệc những người chiến thắng.

{keywords}

Mục đích của lễ hội là tôn vinh nền văn hóa Bedouin, tạo ra các hoạt động du lịch và bảo tồn sự thuần chủng của một số giống lạc đà 

Khi Mặt Trời bắt đầu lặn và bầu trời chuyển sang màu tím sẫm, những tán cây được trang trí bởi hàng nghìn ngọn đèn bắt đầu lấp lánh giữa những cồn cát khô cằn. Nơi đây tập trung thành viên của các bộ lạc người Bedouin, thường sống rải rác khắp nơi trong khu vực. Họ tới đây để tôn vinh truyền thống của tộc người mình. Mỗi bộ lạc lại dựng lên những chiếc lều được trang trí lộng lẫy.

Được mời tới bữa tiệc ăn mừng chiến thắng của một con lạc đà, tôi cùng những người đàn ông của gia đình Almuharrami vào trong căn lều sáng rực rỡ của họ, theo sau là Waheela, tân 'hoa hậu lạc đà' vừa đăng quang.

{keywords}

Những bữa tiệc ăn mừng sau cuộc thi thường kéo dài thâu đêm

'Waheela vừa được trao vương miện lạc đà đẹp nhất Trung Đông', Muneef, chủ nhân 12 tuổi Waheela rỡ tự hào cho biết.

Sau đó âm nhạc nổi lên. Những người đàn ông bắt đầu biểu diễn điệu múa gậy truyền thống yowlah. Họ vừa ngâm thơ vừa mô phỏng một cảnh chiến đấu. Thời điểm tôi rời khỏi bữa tiệc, bầu trời đã bắt đầu chuyển sang màu đen kịt nhưng cuộc vui vẫn sẽ tiếp tục kéo dài thâu đêm.