Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao (cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh còn 13.688 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 93,74% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và 7.569 hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 90,4% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh); trình độ dân trí thấp; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo; một bộ phận chưa biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và chưa tìm được thị trường tiêu thụ nông sản...

Ngày 24/02/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 08-KL/TU về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh. Đây có thể nói là giải pháp đột phá trong khâu tổ chức thực hiện để sớm đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến thực sự trên các mặt đời sống, xã hội.

Việc thay đổi cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần đã được thực hiện với phương châm: hành động tạo thói quen, thói quen hình thành nếp nghĩ, chúng ta phải thay đổi cách làm, cách triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách kiên trì, kiên quyết với phương pháp: mưa dầm thấm lâu (tăng cường tuyên truyền, vận động); tạo được kết quả (từ dễ đến khó, từ cầm tay chỉ việc đến hội nghị đầu bờ…); tạo được sự lan tỏa và phong trào rộng khắp (chú trọng xây dựng mô hình, điển hình; thu hút được sự tham gia của già làng, trưởng thôn, người có uy tín); tạo sự thi đua, phấn đấu (coi trọng công tác biểu dương, khen thưởng)…

Việc thay đổi cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đều khắp trên các mặt đời sống xã hội. Nếu trước đây chúng ta thường hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ chế cấp phát thì nay chúng ta nên chuyển sang hình thức cho vay tín dụng ưu đãi; hỗ trợ có điều kiện (người dân có tham gia đối ứng); trước đây chúng ta hay hỗ trợ, tặng quà cho hộ nghèo vào dịp tết đến xuân về thì nay bên cạnh việc làm đó, chúng ta cần chú trọng phát hiện và biểu dương, khen thưởng những hộ thoát nghèo bền vững, những hộ làm kinh tế giỏi....

Trước đây bà con thường phát, đốt rừng làm nương rẫy thì nay phải tuyên truyền, vận động bà con tích cực trồng, bảo vệ, phát triển và khai thác rừng bền vững (trồng và khai thác dược liệu, lâm sản phụ dưới tán rừng; được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng...); trước đây bà con thả rông gia súc thì nay khuyên bà con cần tổ chức chăn nuôi có chuồng trại và thực hiện tốt công tác thú y; trước đây trồng vườn tạp theo hình thức quảng canh, trông chờ vào trời mưa thì nay phải tập trung cải tạo vườn tạp theo hướng chuyên canh, thâm canh, chủ động nước tưới...

Trước đây chi tiêu không khoa học, khi được mùa thì tổ chức lễ hội linh đình, cúng Yàng, cúng rẫy thì nay phải chi tiêu khoa học, hợp lý hơn, nên gắn các hoạt động của nhóm gia đình vào các hoạt động của cộng đồng thôn, làng như Ngày hội đại đoàn kết khu dân cư; hội Bánh chưng xanh; Tết cổ truyền... Trong ăn uống thì tăng lượng rau xanh, giảm rượu bia... Chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát triển các giá trị đậm đà bản sắc văn hóa như trang phục, dân ca, dân vũ...

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh triển khai 3 năm qua đã và đang tạo ra luồng gió mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều cấp ủy đã khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức phát động và triển khai rộng khắp Cuộc vận động đến các thôn, làng.