Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê của nước ta, bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Nhiều năm qua, cà phê là nông sản chủ lực trong cơ cấu kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) hiện có 105 thành viên và 263 nông hộ liên kết, chủ yếu tập trung vào sản xuất và chế biến cà phê.

Những năm gần đây, trước bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có nhiều biến động, ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng cà phê, HTX đã chủ động nâng cao giá trị sản phẩm bằng việc thực hiện sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, có chứng nhận quốc tế (như tiêu chuẩn mưa rừng (Rainforest Alliance), 4C…) không sử dụng hóa chất nào trong toàn bộ quy trình trồng, chế biến và sản xuất.

Để từng bước thay đổi nhận thức và quy trình sản xuất của thành viên HTX, Ban quản lý HTX đã cùng xã viên, hộ liên kết đi học hỏi về cách xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, sản xuất cà phê hữu cơ, chất lượng cao tại các vùng sản xuất cà phê chất lượng cao, các vườn cà phê đạt tiêu chuẩn quốc tế trong và ngoài tỉnh. Đồng thời đầu tư 600 triệu đồng mua máy móc, xây dựng nhà xưởng… để thực hiện chế biến cà phê bằng phương pháp chế biến ướt.

Năm 2022, HTX đã cùng 67 thành viên, với diện tích 97 ha tham gia sản xuất cà phê bền vững, đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance. Hiện nay, các hộ thành viên thu về sản lượng trên 300 tấn cà phê tươi. HTX mua toàn bộ sản phẩm cà phê này với giá cao hơn thị trường từ 8.000 - 10.000 đồng/kg cà phê nhân. Nhờ vậy, người dân và thành viên trong HTX tích cực tham gia vào chuỗi sản xuất có chứng nhận, hình thành thói quen sản xuất mới, bền vững và bảo vệ được môi trường canh tác, từ đó mối quan hệ liên kết giữa nông dân và HTX được kết nối chặt chẽ hơn. Người dân địa phương cũng bắt đầu quan tâm và học hỏi, làm theo mô hình cà phê chất lượng cao của HTX.

Dưới chân dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ, Hợp tác xã Thành Công ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk) đang mở ra hướng đi đầy triển vọng tại vùng chuyên canh cà phê của địa phương.

HTX thành lập với mục đích tạo vùng nguyên liệu sạch, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng an toàn. Trên diện tích đất canh tác trên 30 ha, Hợp tác xã đã không ngừng nỗ lực với “lối đi” của riêng mình, góp phần mang lại lợi ích cho xã viên và người dân địa phương.

Các thành viên tham gia liên kết sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong khâu trồng trọt. Đồng thời, HTX còn liên kết với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để vừa hỗ trợ giá, vừa kiểm soát được lượng vật tư nông nghiệp mà người dân sử dụng trong quá trình canh tác.

Cùng với việc tạo ra vùng nguyên liệu sạch, từ năm 2021, HTX đã xây dựng cơ sở vật chất để nghiên cứu sản xuất cà phê chất lượng cao, từ đó thu mua và lựa cà phê chín 100% của các hộ liên kết để sản xuất theo quy trình chất lượng cao, gồm hai loại natural và honey.

Mới đây, HTX đã thí điểm thêm sản phẩm cà phê ủ mốc theo quy trình từ một cán bộ nông nghiệp tại Hà Nội chuyển giao lại. Theo đó, loại mốc này được nhập từ Nhật Bản về, ông sẽ dùng nguồn cà phê sạch, chín, xay để lại vỏ lụa, ủ mốc trong thời gian nhất định. Sau đó, đem phơi ở nhiệt độ thường trên giàn phơi để tạo ra thành phẩm. Sản phẩm cà phê ủ mốc này thành công, dự kiến sẽ bán ra thị trường với giá khoảng 300.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với cà phê thường.

Dự kiến niên vụ 2023 - 2024, HTX sẽ xuất bán được 7 tấn cà phê nhân chất lượng cao, với giá trên 90.000 đồng/kg. Hiện tại, rất nhiều cơ sở thu mua cà phê chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng và TP. Buôn Ma Thuột đặt hàng với số lượng lớn nhưng HTX không đáp ứng đủ. Sau 4 năm, người dân liên kết sản xuất cà phê sạch chất lượng cao đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 

Văn Cảnh và nhóm PV, BTV