Đắk Lắk nằm giữa trung tâm của khu vực Tây Nguyên, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà; phía Tây giáp nước bạn Campuchia; địa hình được trải dài trên vùng đất đỏ bazan rộng lớn. Với cấu tạo địa hình và khí hậu đa dạng, đã tạo ra những cảnh quan tự nhiên, phong phú, thơ mộng… Tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 13 huyện.

Một trong những tài nguyên lớn được thiên nhiên ban tặng cho Đắk Lắk đó là tài nguyên đất. Toàn Tỉnh có diện tích tự nhiên là 13.085 km2, trong đó chủ yếu là nhóm đất xám, đất đỏ bazan và một số nhóm khác như: đất phù sa, đất gley, đất đen. Đất đỏ bazan còn có tính chất cơ lý tốt khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao... thích hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu... và nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày khác. Đây là một lợi thế rất quan trọng về điều kiện phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là cây cà phê - loại cây có giá trị kinh tế cao. 

Mỗi năm, sản lượng cà phê của tỉnh chiếm 30% cả nước, xuất khẩu đi hàng trăm lãnh thổ vùng và quốc gia Trước xu hướng kinh tế hội nhập ngày càng mạnh mẽ, Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển, khai thác ngày càng hiệu quả hơn sản phẩm nông nghiệp chủ lực này.

Trong giai đoạn hiện nay, cà phê Việt Nam là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng ngày càng được khẳng định vị trí của mình trên thị trường cà phê thế giới. Từ một nước xuất khẩu cà phê nhỏ, năm 2021, cà phê là một trong 6 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm, sánh vai cùng với các mặt hàng giá trị cao như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, gạo, rau quả, cao su...  

Có thể nói, cà phê không chỉ mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho người nông dân mà từ lâu đã trở thành biểu tượng cho văn hóa của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, là một đặc sản ẩm thực hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân nơi đây.

TP.Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước với khoảng 210 ngàn ha về diện tích và đạt hơn 250 ngàn tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Cà phê luôn đóng vài trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Nhằm tôn vinh, tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh và để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh thị trường và chất lượng cà phê Việt Nam, năm 2005 lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Sau đó, Thủ tướng chính phủ đã công nhận đây là lễ hội cấp Quốc gia, tổ chức định kỳ hai năm một lần. 

Qua 07 lần tổ chức, Lễ hội cà phê Buôn Ma thuột đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Sau 2 lần được Chính phủ đồng ý dừng tổ chức vào các năm 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2023 Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ được UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định tổ chức lại vừa để kế thừa và phát huy kết quả của 07 Lễ hội trước đã đạt được, đồng thời để đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch, góp phần phục hồi kinh tế- xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 có gần 20 sự kiện, hoạt động chính góp phần khẳng định thương hiệu của một Lễ hội lớn không chỉ ở Đắk Lắk- Buôn Ma Thuột mà còn mang tầm khu vực Tây Nguyên và cả nước về lĩnh vực cà phê.

Với chủ đề “Buôn Ma Thuột- Điểm đến của cà phê thế giới”, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 10/3 đến 14/3/2023 tại TP.Buôn Ma Thuột và một số địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Qua lễ hội, lần đầu tiên câu chuyện kết nối, hợp tác thương mại cà phê được địa phương trình bày một cách “có hệ thống”. Điều này gắn kết tầm nhìn xây dựng chiến lược logistics nông sản Đắk Lắk mà địa phương đã định vị những năm qua.

Lễ hội cà phê sẽ không chỉ dừng lại ở khâu quảng bá bán hàng, giới thiệu thương hiệu nhãn hàng các sản phẩm cà phê, mà còn mở ra những nắm bắt, hiểu biết cho người quan tâm về cả quy trình trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến và phân phối hạt cà phê ở Đắk Lắk – Tây Nguyên. Đây sẽ là một sự khác biệt rất lớn so với các kỳ lễ hội trước, khi hoạt động chỉ mới giới hạn ở phạm vi thành phố trung tâm.

Những trang trại, thương hiệu, nhãn hàng cà phê cơ sở tại các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ cùng tụ hội để quảng bá, thực sự chứng tỏ Buôn Ma Thuột là thủ phủ hợp tác phát triển và thương mại hóa thành công sản phẩm cà phê cao nguyên và hướng đến tầm vóc quốc gia, thế giới.

Hội nghị kết nối giao thương quốc tế (ngày 11/3/2023) là điểm nhấn của Lễ hội, sẽ diễn ra các hoạt động như: Gặp mặt các nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước tại TP. Buôn Ma Thuột trong chương trình Lễ hội; tham luận của các chuyên gia, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu về tiềm năng của cà phê Việt Nam nói chung và của Đắk Lắk nói riêng; trưng bày giới thiệu các sản phẩm bên lề Hội nghị; ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác. Bên cạnh đó, các hoạt động khác có liên quan cũng sẽ tổ chức tập trung quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc về văn hoá cà phê, về con người, các tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh, tạo dựng hình ảnh về một Đắk Lắk năng động, thân thiện, lịch sự, mến khách, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên và Việt Nam nói chung.

Tại hội nghị kết nối, kế hoạch của địa phương sẽ được đưa ra yêu cầu đối thoại rõ ràng hơn giữa các bên hợp tác, làm sao gắn kết thực tế và bền vững cơ hội xuất khẩu, bán hàng cho cà phê Đắk Lắk lan tỏa rộng hơn.

Ngành nông nghiệp địa phương đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao chất lượng giống, năng lực canh tác, chăm sóc cây trồng, ứng dụng các công nghệ cao, công nghiệp hữu cơ chuyên sâu vào từng vùng trồng cà phê.

Ngành công thương và khoa học công nghệ hướng đến các hoạch định đầu tư, hỗ trợ người nông dân đổi mới năng lực thu hoạch, bảo quản, chế biến hạt cà phê và các phụ phẩm từ cà phê đạt chất lượng tốt nhất. Qua đó, nâng cao chất lượng cà phê qua chế biến, và đặc biệt là tiến hành kêu gọi các dự án đầu tư chế biến chuyên sâu, mở rộng các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm từ cà phê.

Kinh tế hội nhập và khoa học công nghệ đang đòi hỏi phải đổi mới hướng đầu tư này, cần có thêm những nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm từ cà phê như bánh kẹo, thức ăn…

Thời gian tới, Đắk Lắk tiếp tục nâng tầm cơ hội hợp tác với không chỉ những nhà buôn, tổ chức thương mại, mà từ lễ hội điển hình, tìm được những nhà đầu tư chuyên sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ cà phê, mới thực sự tạo nên dáng vóc khác biệt mới, hiệu quả hơn về phát triển cà phê ở thủ phủ của nông sản này.

Tỉnh hỗ trợ kinh phí trong việc đăng ký bảo hộ mở rộng sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột, Thực hiện công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như: HAPCCP, ISO 22000… trong chế biến để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

PV