Năm 2022 là một thời điểm đáng nhớ trong quá trình phát triển văn hóa đất nước. Sau hơn 2 năm trải qua đại dịch Covid-19, cuộc sống bình thường đã trở lại, tạo điều kiện cho các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khởi sắc, làm giàu có thêm đời sống tinh thần của toàn xã hội.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam gắn liền với hệ giá trị văn học, nghệ thuật cho rằng dù còn có nhiều lộn xộn qua các cuộc thi hoa hậu, lễ hội đình đám nhưng nhuốm màu sắc văn hóa nước ngoài... song không thể phủ nhận rằng, sự sôi động của đời sống văn hóa thể hiện một tinh thần mới sôi động hơn. Đó là điều gì đó mà chỉ trong vòng 1 năm về trước, những người lạc quan nhất cũng chưa nghĩ đến.
Song tìm trong sự sôi động của các hoạt động văn hóa nghệ thuật, chúng ta thấy rất nhiều điều hay – dở, tích cực – tiêu cực liên quan đến cuộc sống, cũng chính là liên quan đến văn hóa.
Nếu như những tín hiệu tích cực từ các không gian sáng tạo, sự kiện sáng tạo ở Hà Nội đang cho thấy giá trị của thương hiệu thành phố sáng tạo đã len lỏi đến từng góc phố, mỗi con người Thủ đô; từ các cuộc thi sắc đẹp cho chúng ta cảm nhận về việc tôn vinh vẻ đẹp hình thức và trí tuệ; từ các liên hoan phim như Cánh Diều Vàng, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, cho thấy sự hội nhập và khởi sắc của điện ảnh khi Luật Điện ảnh mới ra đời. Hay các ca khúc mang đậm chất dân gian cho chúng ta mơ ước về các tác phẩm nghệ thuật của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam thì những hình ảnh tiêu cực trong hành vi ứng xử của một số nghệ sĩ, nhiều tác phẩm nghệ thuật không phù hợp, lệch chuẩn... cũng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ về cách xây dựng văn hóa trong bối cảnh mới.
Rõ ràng, xây dựng văn hóa trong bối cảnh hiện nay có những phức tạp riêng khiến cho chúng ta cần có một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa.
Khi chúng ta đang sống ở một xã hội rất đặc biệt, các tác động từ nền kinh tế thị trường, cả tích cực và tiêu cực, được cộng hưởng bởi quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Một ngôi làng toàn cầu xuất hiện với những cá nhân ích kỷ hơn vì mải nghĩ đến lợi ích của chính mình, luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ, có thể phán xét người khác và xã hội theo cách từ trước tới giới chưa từng có nhờ sự tiếp tay của mạng xã hội. Sự nhộn nhịp của xã hội khiến con người có quá nhiều đam mê, cảm xúc, cũng như nhiều mục đích sống. Điều đó có những lúc nhất định rất tốt, nhưng đôi khi cũng khiến chúng ta lạc lối, mất phương hướng vì thiếu giá trị định hướng hành vi, thiên về hành động theo cảm xúc mà thiếu đi sự kiểm soát.
Yếu tố kinh tế khiến cho mọi câu chuyện đều có thể quay sang chuyện tiền nong, và môi trường mạng lại khiến cho nhiều người có một cách suy nghĩ khác, lối sống khác, thói quen khác, trong đó có cả cách kiếm tiền mới. Do tất cả những vấn đề trong xã hội đều liên quan đến văn hóa nên nhiều vấn đề bất cập xảy ra đối với văn hóa, kể cả hiện tượng xuống cấp đạo đức trong xã hội, nhiều khi lại xuất phát từ những nguyên nhân khác như kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ.... Tất cả đều tạo ra những vấn đề cho sự phát triển văn hóa, con người.
Chúng ta chỉ có kinh nghiệm với những gì đã xảy ra, còn những gì chưa có tiền lệ, chúng ta sẽ gặp lúng túng. Đó chính là câu chuyện mà chúng ta đang đối mặt trong giai đoạn hiện nay.
Để giúp văn hóa phát triển, tạo điều kiện xây dựng con người toàn diện và đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta cần xây dựng hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia để từ đó chúng ta điều tiết con người trong mọi không gian của xã hội, từ trong chính mỗi cá nhân, đến gia đình và xã hội. Từ đó, những hệ giá trị này giúp chúng ta hiểu những gì nên làm/không nên làm, phải làm/không được phép làm, cũng làm cơ sở như hình thành nên dư luận xã hội ủng hộ giá trị tích cực của xã hội. Văn hóa nhờ đó điều tiết hành vi của mỗi người và toàn xã hội.
Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
Như vậy, bên cạnh vai trò là nền tảng tinh thần, văn hóa còn là hệ điều tiết cho sự phát triển cho mỗi cá nhân và toàn xã hội. Nếu chúng ta mong muốn có một nền kinh doanh lành mạnh hay một nền kinh tế nhân văn, văn hóa cần phải được đặt ở vị trí trung tâm để từ đó, người chủ doanh nghiệp không vì lợi ích của mình mà hy sinh lợi ích của người làm công, của khách hàng; người bán hàng không bất chấp lợi nhuận mà bán hàng giả, hàng nhái. Hay ngay cả nghệ sĩ cũng không vì đồng tiền mà quảng cáo thuốc tràn lan mà không biết chất lượng kém sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và sự nghèo khó của khách hàng – những khán giả vốn rất hâm mộ và đặt niềm tin vào họ.
Truyền cảm hứng từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, giờ đây chúng ta nhắc nhiều hơn đến chấn hưng văn hóa. Quá trình chấn hưng ấy chắc chắn phải có những hương vị mới, kết hợp của những giá trị truyền thống và những giá trị hiện tại. Trên cơ sở ấy, chúng ta có thêm sự tự tin văn hóa để hội nhập quốc tế tốt hơn, mang lại lợi thế cho sự phát triển đất nước.
Hồng Khanh, Hữu Khôi, Nguyễn Doanh