Ngày 26/10, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, đăng trên Facebook cá nhân thông tin trường chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt, áp dụng cho sinh viên nước ngoài.

Quy định mới gây ra ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng cách làm này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ lo ngại về những rủi ro khi giao dịch bằng đồng tiền ảo.

'DH FPT thu hoc phi bang Bitcoin la bat hop phap va rui ro lon' hinh anh 1

Đại học FPT cho phép sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - cho biết Bitcoin chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận là đồng tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp.

Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về “Thanh toán không dùng tiền mặt”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định như sau:

"Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Khoản 6, Điều 6 về "Các hành vi bị cấm", Nghị định số 101/2012/NĐ-CP cũng quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là "sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Như vậy, việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cũng theo luật sư Đức, điểm d, khoản 6, điều 27 về "Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán" và Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về "Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng", quy định phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm “sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Ông nói thêm giao dịch thu học phí khác với các hợp đồng dân sự trao đổi hàng hóa, tài sản theo quy định tại điều 455 về “Hợp đồng trao đổi tài sản” của Bộ luật Dân sự năm 2015.

TS, luật sư Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP.HCM, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết Chính phủ đang giao các bộ, ngành liên quan, bao gồm Ngân hàng Nhà nước, soạn thảo khung pháp lý để quản lý đồng tiền ảo, tiền điện tử. Theo đề án, đến năm 2019, việc xây dựng mới hoàn thành bước đầu tiên. Như vậy, từ nay đến khi ban hành khung pháp lý, các giao dịch bằng tiền điện tử chưa được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ.

Ông nhận định Đại học FPT chấp nhận sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin, trường sẽ đối mặt rủi ro lớn.

Về mặt pháp lý, vì chưa được pháp luật điều chỉnh, những rủi ro liên quan việc nhận và bán đồng tiền này không được pháp luật bảo vệ. Từ góc độ kinh tế, giá của Bitcoin thay đổi liên tục. Tại thời điểm trường bán ra, nếu Bitcoin rớt giá so với lúc sinh viên đóng học phí, trường sẽ thiệt hại.

Ngoài ra, trên thế giới, không phải nước nào cũng công nhận Bitcoin, nhiều sàn giao dịch không hợp pháp. Các điểm giao dịch ở nước ta chưa được pháp luật công nhận. Do đó, trường gặp khó khăn về đầu ra, đặc biệt trong trường hợp "sàn" sập hoặc không có người muốn mua Bitcoin. Sinh viên cũng phải chịu rủi ro tương tự.

Trước mắt, Đại học FPT áp dụng đối với sinh viên nước ngoài. Nếu họ muốn nộp học phí bằng tiền ảo, việc mua Bitcoin cũng không dễ. Bên cạnh đó, giá cả Bitcoin biến động liên tục, sinh viên đóng học phí như thế nào cũng là câu hỏi cần giải quyết. 

Hiện tại, giá Bitcoin khoảng 5.700 USD (hơn 126 triệu đồng). Khi thu học phí, trường quy đổi như thế nào và sinh viên thanh toán ra sao?

Trước đó, trả lời báo chí về việc chấp nhận sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin, ông Lê Trường Tùng cho hay trường sẽ bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại ĐH FPT. 

Ngoài ra, chủ tịch Đại học FPT chia sẻ trường đào tạo về công nghệ, FPT muốn tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống.

Theo Zing (Video: VTV)