Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em luôn được Nhà nước Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong những năm qua, việc thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và hàng loạt các kế hoạch hành động quốc gia, như Kế hoạch tổng thể quốc gia về làm mẹ an toàn, Kế hoạch hành động quốc gia vì sự sống còn của trẻ em, Kế hoạch tổng thể quốc gia về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe vị thành niên và thanh niên Việt Nam, Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản,... đã góp phần vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em.

Ngày 14/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2013/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, đánh dấu một giai đoạn mới trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản với quan điểm chiến lược: “đầu tư cho công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản là đầu tư cho phát triển bền vững, mang lại hiệu quả trực tiếp về kinh tế, xã hội và môi trường”.

Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tháng 9/2015, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, giảm tất cả các hình thức suy dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho các đối tượng là trẻ em, trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ mang thai và đang cho con bú (Mục tiêu 2.2 toàn cầu).

Bên cạnh hệ thống chính sách và cam kết chính trị, ngành y tế Việt Nam cũng luôn quan tâm củng cố y tế cơ sở, trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe bà mẹ và trẻ em (CSSKSS/SKBMTE). Hiện nay, các chỉ số sức khỏe sinh sản nói chung và các chỉ số về tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh nói riêng ở nước ta tương đối khả quan so với các quốc gia khác có cùng mức phát triển về kinh tế - xã hội.

Những chỉ số, như khám thai đủ 3 lần, sinh con tại cơ sở y tế, bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh, tử vong mẹ và tử vong trẻ em,... đều có sự cải thiện rõ rệt; mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS từ Trung ương đến địa phương đã ngày càng được mở rộng, củng cố và phát triển, bao gồm hệ thống các viện, bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa nhi, các khoa sản, khoa nhi ở các bệnh viện đa khoa các cấp. Hầu hết hộ sinh, y sĩ sản nhi, nhân viên y tế cơ sở có kỹ năng cơ bản về CSSKSS theo Hướng dẫn quốc gia.

Ở những vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có tỷ lệ sản phụ sinh con tại nhà cao, cùng với việc tuyên truyền vận động, khuyến khích sản phụ đến sinh con tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế triển khai các loại hình đào tạo cô đỡ thôn bản hoặc đào tạo cán bộ y tế thôn bản có kiến thức và kỹ năng về quản lý thai và đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn bao gồm cả việc phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp nguy cơ cao, nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên triển khai chương trình sáng kiến về làm mẹ an toàn sau Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tại Cairo năm 1994. Thực hiện cam kết quốc tế nên ở nước ta, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tất cả phụ nữ trong thời kỳ mang thai đều được khám thai đều đặn định kỳ.

Thời gian qua, nhờ được tuyên truyền và cung cấp các dịch vụ tốt đến tận cơ sở, nhận thức về chăm sóc sức khỏe của phụ nữ dân tộc thiểu số đã ngày một thay đổi.

Thực tế cho thấy, 88% phụ nữ DTTS mang thai đã đến các cơ sở y tế để khám thai trong lần sinh gần nhất. Một số dân tộc có tỷ lệ phụ nữ khám thai rất cao như dân tộc Thổ 98,3%, Tà Ôi 97,8%, Cơ Ho 97,6%... Cả nước có 86,4% phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) sinh con tại các cơ sở y tế. Các dân tộc: Mường, Tày, Hoa, Khmer và Nùng có tỷ lệ sinh con tại cơ sở y tế khá cao, lần lượt là 99,3%, 99,2%, 99%, 98,7% và 97,1%.

Khoảng 3,9% phụ nữ DTTS sinh tại nhà nhưng có cán bộ chuyên môn đỡ thông qua mô hình cô đỡ thôn bản. Cô đỡ thôn bản là những người sinh sống tại cộng đồng DTTS, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.

Toàn quốc hiện có 3.077 cô đỡ thôn bản được đào tạo để hỗ trợ phụ nữ DTTS có thai sinh đẻ an toàn tại nhà.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu quan điểm: “Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển” và yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ “Chú trọng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo”. 

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp phát triển mạng lưới y tế cơ sở ở vùng DTTS và miền núi. Chẳng hạn như tăng cường đào tạo nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Yêu cầu các cơ sở y tế huyện, y tế xã, y tế thôn bản phải tích cực tham gia các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, các hoạt động về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chú trọng đào tạo bác sỹ cho y tế xã. Xây dựng và ban hành mức giá, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế đối với thăm khám, đỡ đẻ tại nhà, cung cấp gói đẻ sạch trong một số trường hợp đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; tổ chức các đợt khám bệnh, chữa bệnh lưu động của trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện tại thôn, bản theo định kỳ...

GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em của Liên hợp quốc.

Nhằm tiếp tục chăm sóc tốt hơn nữa cho bà mẹ và trẻ em DTTS, trong các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030:

Dự án 7 đề cập tới mục tiêu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em với các nội dung: Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ nhỏ lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS; chăm sóc sức khoẻ, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em; tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; Hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản…

Dự án 8 sẽ triển khai 04 gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em, qua đó góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dự án 9 có nội dung Hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù thông qua tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; khám, quản lý thai nghén và chăm sóc y tế đối với phụ nữ mang thai, hỗ trợ phụ nữ mang thai được tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến; hỗ trợ sinh con đúng chính sách dân số và phương tiện đi lại cho bà mẹ mang thai. Đối với trẻ em dưới 05 tuổi, hỗ trợ trẻ sơ sinh được tầm soát các loại bệnh bẩm sinh phổ biến; điều trị, cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng công thức (cơm/cháo dinh dưỡng công thức ăn liền) cân đối hợp lý và sữa học đường cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Những gói dự án thành phần này đang được các địa phương quan tâm triển khai sẽ tiếp sức cho các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong chăm sóc bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số tiếp tục được thúc đẩy cao hơn.

Hải Vân