Theo tinh thần cuộc họp, lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức với nghi lễ trọng thể nhất, tiến hành quốc tang trong 7 ngày (4 -10/9/1969).
Viết điếu văn là việc quan trọng nhất trong các khâu chuẩn bị tang lễ. Các cán bộ chịu trách nhiệm soạn thảo đã gấp rút gửi văn bản cho từng ủy viên Bộ Chính trị để xin ý kiến vào ngày 5/9/1969 và sáng 6/9/1969.
Chiều tối 6/9/1969, Bí thư thứ nhất BCH TƯ (một cách gọi khác chức danh Tổng bí thư) Lê Duẩn chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn về tổ chức lễ truy điệu và thông qua bản điếu văn dự thảo.
Hơn 21g, cuộc họp tạm dừng, bản dự thảo điếu văn chưa thông qua được, Bộ Chính trị giao cho Tổng bí thư Lê Duẩn chuẩn bị một văn bản khác.
Tổng bí thư Lê Duẩn gặp tổ thư ký, trao cho anh em bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bản dự thảo điếu văn và nói: "Bộ Chính trị chưa thông qua hai bản dự thảo này, các đồng chí đọc thật kỹ Di chúc và dự thảo điếu văn rồi giúp tôi soạn thảo bản khác, lễ truy điệu ấn định vào ngày 9/9, các đồng chí cố gắng viết xong trong đêm nay để ngày mai Bộ Chính trị họp tiếp, thời gian còn lại không nhiều".
Ông Đống Ngạc (thư ký của Tổng bí thư Lê Duẩn) và ông Đậu Ngọc Xuân (chuyên viên nghiên cứu của Văn phòng Tổng bí thư) được trao nhiệm vụ viết điếu văn. Tổng bí thư Lê Duẩn nói rõ những định hướng cơ bản, những vấn đề lớn mà điếu văn cần tập trung làm nổi bật.
Hai giờ sau khi nhận nhiệm vụ trôi qua (từ 22- 24h) hai ông vẫn chưa viết được dòng nào. Đến hơn 1g sáng, ông Đống Ngạc mới đặt bút viết dòng đầu tiên. Vì lao lực nhiều ngày, ông Đậu Ngọc Xuân đột ngột bị ngất đi ngay trên bàn làm việc, khiến ông Đống Ngạc phải dừng nghĩ, cùng tổ phục vụ lo thu xếp cho ông Đậu Ngọc Xuân tĩnh dưỡng.
Ông Đống Ngạc xác định phải vượt lên chính mình, đúng như lời Bác “mỗi người làm việc bằng hai” thay bạn và lời của đồng chí Tổng bí thư: biến đau thương thành hành động cụ thể. Ông đã viết câu mở đầu bài điếu văn: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa...”.
Sức nghĩ sáng ra, ông Đống Ngạc viết một mạch về nỗi đau mất Bác, về Bác: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, vị anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta...”.
Cứ đà đó, tự tin, phấn khởi ông viết tiếp theo dàn bài. Đến phần ba, phần ruột dài nhất và cũng khó viết nhất, phải viết sao cho đạt hai yêu cầu: một là: nêu cao những quan điểm lớn trong tư tưởng Bác Hồ. Hai là, từ những quan điểm đó vạch ra nhiệm vụ cho những người còn sống quyết giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên. Cái khó là trình bày những vấn đề lớn ấy bằng những ngôn từ nhỏ, giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Và khó hơn nữa là phải tìm ra cách diễn đạt hay cùng lúc chuyển tải được cả hai yêu cầu nói trên, một công thức biểu cảm có khả năng hòa quyện những nội dung lớn về tư tưởng với những hoạt động thực tiễn mà những người còn sống cần biểu thị trước anh linh của Người.
Bài điếu văn J.Stalin truy điệu V.Lenin năm 1924 đã gợi mở cho ông hướng giải quyết, suy nghĩ sâu thêm về những điều chỉ dẫn của Tổng bí thư. Ông đã trình bày tư tưởng Bác Hồ thành năm quan điểm lớn gắn liền với năm nhiệm vụ được thể hiện thành năm lời thề danh dự mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân giơ cao nắm tay thề trong giờ phút thiêng liêng tiễn đưa vị cha già dân tộc. Câu “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề…” được lặp lại năm lần như một điệp khúc làm tăng thêm sức truyền cảm của lời điếu.
Ðoạn cuối nêu bật hai di sản quý báu do Bác Hồ để lại: “Di sản thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc, và kỷ nguyên Ðộc lập - Tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên CNXH ở nước ta. Ðó là thành quả vĩ đại nhất nhân dân Việt Nam ta đã giành được dưới sự lãnh đạo thiên tài của Người, đồng thời là công ơn trời biển của Bác Hồ mà mọi người Việt Nam đều có quyền tự hào và có nghĩa vụ phải kế tục, gìn giữ và phát huy mãi mãi.”
Ông Đống Ngạc viết liền một mạch đến khoảng 5g sáng ngày 7/9/1969. Khi ông vừa kết thúc dòng cuối, mở cửa ra sân thì dường như Tổng bí thư Lê Duẩn cũng thức suốt đêm để chờ đợi kết quả, Tổng bí thư mừng lắm, nghe đọc xong liền nói: Bài viết như thế này về cơ bản là đạt yêu cầu....
Theo Tổng bí thư Lê Duẩn, cứ để bài viết như thế đem cho đánh máy, gửi các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem lại và góp ý.
8 giờ sáng BCT và BBT họp chung, góp ý, 11 giờ trưa, hai ông Tố Hữu, Hoàng Tùng từ phòng họp bước ra thông báo là BCT "nhất trí chấp nhận dự thảo này" và đề nghị cùng lên gác hai chỉnh sửa theo góp ý của cuộc họp. Tới 13 giờ sửa xong, văn bản được đánh máy rồi báo cáo thông qua TBT gửi tới các ông Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Tố Hữu, Hoàng Tùng để tiếp tục hoàn chỉnh thêm và đưa qua Ban đối ngoại dịch ra năm ngoại ngữ: Nga, Trung, Anh, Pháp, Tây Ban Nha.
Bảo Phùng
Ảnh: Thanh Hà
Video: Thu Hằng HP, Ngọc Trang, Quang Thậm