Làng cổ Thổ Hà (Vân Hà - huyện Việt Yên - tỉnh Bắc Giang) là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ.
Nơi đây từng là một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng, điếm bề thế uy nghi.
Ngày nay, nghề gốm sứ đã là quá vãng tại làng cổ Thổ Hà, thế nhưng dấu tích của nó vẫn in đậm trên các bức tường được xây bằng các mảnh gốm sứ kết hợp với bùn đất của sông Cầu. Sự giàu có của Thổ Hà đã để lại nhiều minh chứng, trong đó phải kể đến hơn 20 ngôi nhà gỗ có niên đại hơn 300 tuổi.
Theo ông Trịnh Đắc Tâm (65 tuổi), chủ nhân của ngôi nhà gỗ 7 gian có nên đại 300 năm tuổi, những ngôi nhà gỗ ngày đó chỉ các ông chủ lò gốm giàu có nổi tiếng trong vùng mới đủ nguồn lực để xây dựng. Họ thuê người đi vào tận Thanh Hóa tìm gỗ lim, vận chuyên theo dọc bờ biển, rẽ vào cửa sông, rồi ngược dòng các con sông về làng Thổ Hà. Mỗi lần vận chuyển kéo dài vài tháng trời mới được một mẻ gỗ. Sau đó, họ cùng con lăn đẩy gỗ về làng.
“Các cụ kể, ngày đó nhà nào chỉ có một lò gốm, mỗi năm chỉ cho ra lò một mẻ, sau đó dư tiền ăn chơi cả năm. Thế mới biết, các ông chủ có hàng chục lò thì họ giàu có đến mức nào”, ông Tâm cho hay.
Ông Tâm tự hào khi chính ông là một trong hơn 20 người đang sở hữu ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn tại Thổ Hà. Ông Tâm kể, ông là người kế thừa thứ 5 trong ngôi nhà. Hồi còn bé, được nghe bố ông kể lại, cụ thân sinh ra ông nội ông đã bỏ ra 1.500 đồng mua lại ngôi nhà này từ người thông gia với cụ.
Theo ông Tâm, cụ thân sinh ra ông nội ông cũng là chủ một xưởng gốm lớn, có hàng chục công nhân làm thuê. Chính nhờ xưởng gốm của cụ, gia đình ông ngày đó cũng thuộc hàng giàu có nổi tiếng đất Thổ Hà, vì thế mới đủ tiền mua lại ngôi nhà gỗ bấy giờ.
Theo các cụ kể lại, một đồng thời đó tương đương với một gánh gạo. Ông ví von, ngôi nhà này được mua với giá tương đương với 1.500 gánh gạo. Không những thế ông cho rằng, đây là giá hữu nghị giữa hai nhà thông gia. Nếu tính theo thị trường thì giá ngôi nhà có thể cao hơn rất nhiều.
“Thời đó rất khó khăn, người dân nghèo khổ không có lương thực, cho nên gạo có khi còn quý hơn vàng, thế mới thấy giá trị ngôi nhà ngày đó lớn như cỡ nào”, ông Tâm khoe.
Ông Tâm kể thêm, làng Thổ Hà gần đây có gia đình do khó khăn đã bán nhà cho một người ở Thạch Thất - Hà Nội. Ngôi nhà này cũng có niên đại cùng thời với nhà gỗ của ông. Được biết, vị đại gia này rất yêu thích nhà cổ, nhà xây càng lâu năm ông càng thích, vì thế ông đã nhiều lần về Thổ Hà hỏi mua.
“Sau đó cũng có người trong làng bán, giá bao nhiêu không được tiết lộ. Vị đại gia này bê nguyên khung nhà, bóc ngói, gạch lát nền, tất cả đều là nguyên bản, mang về dựng một biệt phủ tại huyện Thạch Thất - Hà Nội”, ông Tâm cho hay.
Còn nhớ cách đây 22 năm, năm 1997, kinh tế gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn, đã có người trả ông 250 triệu đồng mua lại ngôi nhà. Ngày đó ông cũng có ý định bán, nhưng nghĩ lại tài sản của các cụ để lại nên gia đình ông quyết định để lại.
“Năm đó, 250 triệu to lắm, tôi nhớ số tiền phải xây được 2 cái nhà 3 tầng, nếu quy ra vàng bây giờ khoảng 2 tỷ đồng. Thời điểm năm 1997 ít người có thú chơi nhà cổ, chứ bây giờ chắc phải lớn hơn con số đó nhiều”, ông Tâm khẳng định.
Khách thập phương đến nhà ông tham quan ý ngỏ muốn mua lại ngôi nhà, ông Tâm nhiều lần khẳng định: “Nếu ai đó trả cả chục tỷ đồng tôi cũng quyết không bán”.
Nhiều nhà khảo cổ về làng Thổ Hà nghiên cứu và xác nhận, hơn 20 nhà gỗ cổ tại đây có niên đại khoảng 300 năm. Nhưng ngôi nhà có tuổi đời lâu hơn có lẽ thuộc sở hữu của gia đình ông Cáp Trọng Huy (54 tuổi).
Kinh tế gia đình ông hiện hoàn toàn dựa vào nghề tráng - quạt bánh đa, hoàn cảnh gia đình cũng không mấy khá giả, nhưng chưa khi nào ông nghĩ bán ngôi nhà tổ tiên để lấy tiền tiêu. “Có hết gạo cũng không bán, thà đi làm thuê”, ông Huy thề.
Bước vào ngôi nhà ông Huy có thể nhận thấy một không gian chất chứa nhiều hoài niệm của lịch sử. Rất tiếc, trên khung hoành nhà làm bằng gỗ táu đã bị mục, còn cột và các kẻ hiên được làm bằng gỗ lim vẫn còn nguyên vẹn và rất rắn chắc.
Điều đặc biệt, văn hoa khắc chạm vẫn còn sắc, nét đục trên đầu các thanh kẻ hiên, thể hiện hình các con vật tứ linh (Long - Lân - Quy - Phượng) rất sống động. Theo lời ông Huy, các nhà khảo cổ về đây đều trầm trồ về đường nét khắc chạm trên gỗ. Họ cho rằng, thời bây giờ hiếm có thợ có tay nghề cao để đục được đường nét như vậy.
“Nét đục không những phải có độ tinh xảo, mà còn phải có chiều sâu mới hội tụ đầy đủ một tác phẩm nghệ thuật có giá trị”, ông Huy dẫn lời một nhà khảo cổ.
Có thể nói, việc những người dân như ông Tâm hay ông Huy gìn giữ những ngôi nhà cổ như giữ một báu vật gia truyền của gia đình, đồng thời đó còn là những sản phẩm văn hoá có giá trị của cả một vùng, cả một thời, với những dấu tích văn hóa tồn tại hàng thế kỷ..
Bởi thế, nhiều đại gia sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để sở hữu những ngôi nhà gỗ cổ này để dựng lên biệt phủ hoành tráng.
“Không đơn thuần ngôi nhà chỉ để che nắng, che mưa, mà đó còn là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi không thể bán với bất kỳ giá nào, vì đây là gia tài vô giá bao nhiều đời các cụ để lại”, chủ nhân của một ngôi nhà gỗ Thổ Hà có cùng quan điểm với ông Huy chia sẻ.
Tuấn Linh - Đức Yên
Đồ họa: K.H