Hồi tháng 9 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long (Hà Nội) tổ chức chương trình trưng bày Trung thu 2021 bằng hình thức trực tuyến với chủ đề "Trung thu sum vầy". Chương trình trưng bày trực tuyến "Trung thu sum vầy" gửi gắm những hình ảnh, câu chuyện về Trung thu truyền thống, xung quanh mâm cỗ Trung thu, ấm áp, giàu tình thân, cùng những món đồ chơi trung thu đầy yêu thương mà ông bà cha mẹ dành tặng cho các bạn nhỏ mỗi mùa Trung thu về. Thông qua hình thức trực tuyến,Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long (Hà Nội) mong muốn truyền tải đến du khách những ý nghĩa quan trọng của ngày Tết Trung thu, ý nghĩa của ngày Tết đoàn viên bên người thân.
Trưng bày phỏng dựng mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội đầu thế kỷ XX dựa trên các tư liệu tranh vẽ, bút ký của Henri Oger, Nguyễn Tuân, Phan Kế Bính, Vũ Bằng... Trong mâm cỗ Trung thu, ông tiến sĩ giấy được đặt ở vị trí trang trọng nhất thể hiện mong ước con cháu mình học giỏi, thành đạt. Tiếp đến là bánh Trung thu, thường có bánh dẻo, bánh nướng, bánh nặn hình quả hình con giống từ bột nhuộm màu sặc sỡ cùng các sản vật mùa thu như cốm, hồng, na, chuối, bưởi, hạt dẻ…
Đêm Trung thu, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ, trẻ con tổ chức rước đèn, thi đèn, múa sư tử, chơi trò chơi dân gian; người lớn thưởng trăng, ăn bánh, uống trà hoặc uống rượu sen Hồ Tây với ốc luộc tẩm lá gừng, chấm tương gừng hay ốc nhồi thịt lá gừng; một số nơi còn đi nghe hát trống quân.
Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám hàng năm còn gọi là tết trông trăng. Từ thời Lý, Trung thu là lễ tiết quan trọng của đất nước với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước... Khắp nơi trong kinh thành Thăng Long được trang hoàng gấm vóc, đèn hoa lộng lẫy, nhân dân nô nức đi xem. Trong phong tục dân gian truyền thống, Trung thu không chỉ là ngày tết của trẻ thơ mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau.
Vì dịch bệnh, các hoạt động triển lãm trưng bày thực tiếp không thể tổ chức nhưng khách thăm quan có thể tìm hiểu ý nghĩa của Trung Thu qua hàng loạt pano thú vị xung quanh chủ đề này được trưng bày vô cùng hấp dẫn trên không gian mạng.
Người xem sẽ được tiếp cận những loại đồ chơi được phục hồi theo lối cổ dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở các phố cổ và làng nghề ven Thăng Long. Theo các nguồn tư liệu từ Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp); Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp... những năm đầu thế kỷ XX, ở Hà Nội đồ chơi Trung thu vô cùng phong phú, được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như giấy bồi, đất, bột, gỗ, đồ sắt tây, bông và giấy bóng kính.
Truy cập trưng bày trực tuyến, người xem còn được gặp gỡ nhà sử học Lê Văn Lan qua các video clip nói chuyện về tết Trung thu truyền thống với chủ đề: Trung thu sum vầy trong bối cảnh dịch Covid-19; tục bày cỗ của người Hà Nội với các tích truyện đặc sắc như ông Lã Vọng câu cá, Tiến sĩ vinh quy, Người con hiếu thảo; Tục rước đèn; Tục thưởng trăng của người Hà Nội… Đồng thời, cùng tìm hiểu về nghệ thuật làm thiên nga bằng bông, món đồ chơi Trung thu đặc sắc của người Hà Nội với nghệ nhân Quách Thị Bắc.
Vào ngày Rằm tháng Tám, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, ban ngày cùng làm cỗ cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng. Đặt ở vị trí trang trọng nhất trong mâm cỗ là ông tiến sĩ giấy và ông đánh gậy trông trăng; tiếp đến là bánh nướng, bánh dẻo cùng các sản vật mùa thu như cốm, bưởi, hồng, na, lựu, chuối cùng hai chú chó bằng tép bưởi... Ngoài ra, còn có giò ốc nhồi lá gừng và gỏi cá trắm uống với rượi tăm Hồ Tây gợi nên phong vị mùa thu.
Hấp dẫn các em nhỏ nhất chính là sự đa dạng của các loại đồ chơi như đèn lồng, trống, đầu sư tử, tàu thủy sắt tây, con giống bằng bột màu sặc sỡ... Mâm cỗ thể hiện sự gắn kết yêu thương gia đình, cùng mong ước mọi điều tốt lành, bình an, con cháu học hành giỏi giang.
Từ cảm hứng về vầng trăng tròn đầy trong lễ thưởng nguyệt, người xưa đã gắm gửi tình cảm của mình trong chiếc bánh tròn trịa được gọi là “Nguyệt bính”, “Nguyệt đoàn” hay còn gọi là bánh Trung thu. Bánh Trung thu thể hiện ước mong mọi sự được viên mãn trong không khí sum vầy. Bằng nguyên liệu chính là sản vật tự nhiên như: hạt sen, hạt bí, hạt dưa, mỡ lợn, lá chanh, đậu xanh, bột gạo… những chiếc bánh nướng, bánh dẻo được làm ra có vị thơm ngọt, hòa quyện.
Vào ngày Rằm tháng Tám, mọi người cùng nhau ăn bánh, uống trà, thưởng thức vẻ đẹp huyền ảo của vầng trăng, cảm nhận sự nồng ấm của tình cảm gia đình.
Ngày tết Trung thu, khắp nơi đều rộn lên không khí tưng bừng, tươi vui. Nhà nhà, người người đều háo hức chuẩn bị đèn Trung thu cho con trẻ trong đêm rằm phá cỗ.
Những chiếc đèn với vô số hình dáng xinh đẹp sáng rực trong đêm rằm tháng Tám. Trẻ em ríu rít gọi nhau, mỗi bạn trên tay đều cầm một chiếc đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù, đèn thỏ… được thắp sáng lung linh và đi chơi khắp thôn xóm. Trẻ em nô nức vừa rước đèn vừa múa hát dưới ánh trăng thu. Sau đó, trẻ cùng ông bà, bố mẹ phá cỗ thưởng trăng, cầu mong những điều bình yên, tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình.
Múa lân, múa sư tử, múa rồng là hoạt động không thể thiếu của các em nhỏ vào mỗi dịp Tết Trung thu. Đám múa lân, sư tử nhảy múa rộn ràng, theo sau là các em nhỏ cầm đèn tạo không khí vui nhộn cả ngõ phố. Múa lân, sư tử, rồng tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà. Ngoài ra, tại các vùng quê, các đôi trai gái thường cùng nhau ra đình, ra sông hát trống quân.
Đèn kéo quân là loại đèn bắt nguồn từ điển tích nói về lòng hiếu thảo, tình yêu thương dành cho ông bà, bố mẹ.
Bên trong đèn có những hình ảnh dân gian thân thuộc được gắn lên khi đốt đèn bóng của hình đó sẽ in lên mặt ngoài của đèn và xoay quanh vòng tròn liên tục, nhìn như một đoàn quân đang di chuyển dài vô tận nên gọi là đèn kéo quân.
Sau này, các “quân” được cải tiến có chủ đề đa dạng như: ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, thầy trò Đường Tăng... Hiện nay, thn Đàn Viên (Hà Nội); làng Mật Sơn (Thanh Hóa) vẫn làm đèn kéo quân.
Đèn lồng giấy màu đỏ là thứ đồ chơi dễ làm không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu. Đèn được tạo khung từ nan tre bọc ngoài bằng giấy hoặc giấy màu được xếp thành nếp và được thắp nến bên trong để các em cầm đi chơi Trung thu. Các chủ đề là những loại quả, loài vật gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường ngày như: đèn lồng hình quả bí, đèn xếp hình quả bầu, đèn thỏ, tôm, cua, cá, bướm...
Từ xa xưa, ông cha ta luôn coi trọng việc học nên hình tượng tiến sĩ vinh quy đã đi sâu vào tâm thức người Việt. Với mong ước con cháu mình học giỏi, thành đạt, người lớn thường mua ông tiến sĩ giấy và ông đánh gậy trông trăng đặt ở vị trí trang trọng nhất trong mâm cỗ Trung thu.
Hiện nay, chỉ còn gia đình cô Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (Hà Nội) duy trì nghề.
Bộ phỗng giấy gồm một con chim, một con cá, một con rùa, trung tâm là cậu bé và ông quan. Bộ đồ chơi có ý nghĩa khuyến khích tinh thần học tập và hướng thiện của con cháu. Nghệ nhân dùng khuôn của từng nhân vật rồi cẩn thận bồi các lớp giấy có dán hồ. Khi giấy khô thì mới trang trí họa tiết và vẽ các chi tiết cho nhân vật. Hiện nay, gia đình ông Hoàng Bá Nhất (Thôn Đông Khê, xã Song Hồ).
Mặt nạ giấy bồi là đồ chơi Trung thu ưa thích của trẻ em. Trải qua nhiều công đoạn xé giấy, dán khuôn, phơi khô, vẽ màu, nghệ nhân tạo ra những chiếc mặt nạ thật ngộ nghĩnh. Chủ đề gắn liền với đời sống như: con trâu, con lợn, con thỏ và các nhân vật Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không... Hiện nay, đồ chơi này còn được làm từ các nghệ nhân phố cổ Hà Nội, làng Hảo (Hưng Yên), làng Đông Khê (Bắc Ninh).
Đồ chơi được làm từ nguyên liệu giấy bóng kính kết hợp với khung tre, khi thắp nến mang lại ánh sáng lung linh, huyền ảo. Những chiếc đèn ông sao như một vì sao tinh tú trong ngày hội rực rỡ của bầu trời; chiếc đèn cù quay tít; đèn cá chép hóa rồng thể hiện khát vọng vươn lên cùng các loại đèn con thỏ, con gà, tàu thủy… đẹp mắt làm cho đêm rằm tháng Tám thật rực rỡ và ấm cúng.
Xưa các gia đình tự tay làm cho con hoặc mua ở Phố cổ chuyên bán đèn Trung thu. Ngày nay, làng Hạ Thái (Hà Nội) và Báo Đáp (Nam Định) vẫn duy trì làm các đồ chơi bóng kính.
Đồ chơi sắt tây là món đồ chơi đắt giá của đất Hà thành, xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XX. Tận dụng vỏ lon, hộp, những thợ thiếc làng Khương Hạ xưa đã tạo ra hàng trăm mẫu nhưng ngày nay chỉ còn các mẫu phổ biến như: còi, kèn, thỏ đánh trống, con bướm.
Hấp dẫn trẻ em nhất là chiếc tàu thủy có thể chạy trong nước. Hiện nay, chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng duy trì nghề.
Đồ chơi bằng bột là những con giống, hoa quả… được nặn từ bột nhuộm màu. Đây là một trong số ít những món đồ chơi dân gian vẫn còn sức hấp dẫn, một nét văn hóa dân gian thẩm thấu qua nhiều thế hệ. Vào tết Trung thu của Hà Nội, không thể không nhắc đến dòng đồ chơi bằng bột kiểu thành thị đặc sắc như Đồng Xuân, Phố Khách và bánh chim cò Xuân La cùng một số làng nghề khác.
Mỗi một sản phẩm là một câu chuyện sống động, giàu tính biểu cảm giúp trẻ trân trọng những giá trị lịch sử, nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp tình yêu cuộc sống.
Một bộ phỗng đất thường có đức Phật, cụ già, em bé, chim, rùa. Đức Phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa giáo dục con cháu sống hiền lành, lương thiện. Cụ già, em bé là sự kết nối thế hệ. Chim tượng trưng cho khát vọng hòa bình; Rùa là con vật linh thiêng, tượng trưng cho sự che chở, vững bền. Phỗng được làm từ đất sét được phơi khô, phủ bột điệp rồi vẽ các màu cơ bản.
Khi tiếng trống ếch “tùng rinh” vang lên là báo hiệu ngày tết Trung thu đang đến gần. Trong các cuộc chơi của các em nhỏ từ múa sư tử, múa rồng, rước đèn chơi trăng... đều không thể thiếu được âm thanh của loại nhạc cụ này. Ngoài trống ếch còn có trống bỏi, có kích thước nhỏ hình đồng xu, khi quay phát ra tiếng “tạch, tạch” thật vui tai.
Vũ Phong
Ảnh: Hồng Kiên
Video: Vũ Lụa, Tư Giang, Minh Khuê
28/11/2021 05:32