Vậy nhưng vận may ít ỏi của chàng trai trẻ cũng tan biến. Chỉ 35 phút sau khi cất cánh, chuyến bay tới Nashville của hãng hàng không American Airlines đã quay trở lại DC vì một thành viên phi hành đoàn sắp đạt giới hạn 'thời gian bay tối đa'.

Chuyến bay đến Nashville gần nhất là hai ngày sau đó và điều này sẽ khiến Miller lỡ mất tiệc sinh nhật quan trọng mà anh cần tham gia. Quyết định từ bỏ hoàn toàn thứ mà mình gọi là "ác mộng hàng không", Miller đã chọn thuê xe một chiều và lái liên tục 10 tiếng rưỡi đến Nashville với giá 400 USD và 100 USD cho tiền xăng. Trước đó, cầu thủ này đã phải quay lại sân bay lúc 6 giờ sáng để thu dọn hành lý, đi taxi với giá 60 USD đến Baltimore và đợi chiếc xe thuê trong vòng hai tiếng.

“Mọi chuyện xảy ra đều quá sức trớ trêu và nực cười” anh nói.

Những chuyến du lịch mùa hè luôn vô cùng hỗn loạn và dưới đây là 8 điều mà mọi người nên biết.

“Vô lý” là một từ thích hợp để mô tả kỳ nghỉ hè năm nay, khi hàng loạt du khách quyết chí đi chơi trong bối cảnh tình trạng thiếu lao động trầm trọng, giá xăng cao, sân bay hỗn loạn, nhiều chuyến bay bị hủy, hành lý thất lạc không rõ lý do, giá khách sạn cao, vé máy bay đắt đỏ, thời tiết nóng nực và đại dịch vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.

Nói một cách khác: “Đây là một mùa du lịch cực kỳ khó khăn với nhiều yếu tố bất lợi tác động cùng một lúc, điều này đã dẫn đến trải nghiệm tồi tệ cho hầu hết các du khách”, Marc Casto, người đại diện công ty du lịch Bắc Mỹ Flight Centre Travel Group cho biết.

Nhiều người Mỹ nghĩ rằng đây sẽ là mùa hè chắc chắn phải đi du lịch sau hai năm bị mắc kẹt ở nhà. Hay thậm chí một số người còn gọi đây là năm “du lịch trả thù”. Và họ đang đi du lịch liên tục. Theo thống kê của Cục An ninh Giao thông Mỹ, hơn 2,46 triệu người đã được kiểm tra an ninh tại các sân bay, nhà ga. Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ ngày 11/02/2020.

Jason Rabinowitz, một nhà phân tích du lịch, cho biết: “Rõ ràng là mọi người đã bị bó chân ở nhà trong hai năm và họ muốn đi du lịch ngay lập tức. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào hiện trạng của ngành hàng không, hầu như mọi chuyến bay trên toàn hệ thống đều đầy 100%”.

Đây cũng chưa phải là mùa hè mà ngành du lịch mong muốn vì họ phải vật lộn để thuê đủ nhân công để đối phó với một lượng du khách đi nghỉ. Theo Cục Thống kê Lao động , việc làm trong lĩnh vực giải trí và khách sạn trong tháng 5 vẫn giảm 7,9%, tương đương 1,3 triệu người so với tháng 2 năm 2020.

Hơn 2.800 chuyến bay tại Mỹ đã bị hủy bỏ trong dịp nghỉ cuối tuần của Ngày Tưởng niệm. Trong kỳ nghỉ cuối tuần nhân Ngày của Cha 13/6, khoảng 5.000 chuyến bay đã bị hủy cùng hàng nghìn chuyến bay khác bị hoãn. Và tất nhiên kịch bản hủy chuyến trong ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 tới đây sẽ khiến nhiều du khách lo lắng.

Laurie Garrow, giáo sư tại Viện Công nghệ Georgia ở Atlanta và là chuyên gia về hành vi hàng không và du lịch cho biết: “Theo tôi, vấn đề cốt lõi ở đây là sự không tương quan giữa cung và cầu. Các hãng hàng không vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch khi nhiều lao động, bao gồm cả phi công, tiếp viên xin nghỉ. Do đó, họ không thể đáp ứng ngay lập tức khi nhu cầu tăng vọt".

Hành khách phàn nàn và các phi công cũng vậy. Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg không ngừng hối thúc các hãng hàng không. Trong khi, các hãng hàng không lại đang chĩa mũi dùi vào Cơ quan Quản lý và Hàng không Liên bang.

Giá khách sạn, thực phẩm hay các hoạt động giải trí cũng đã tăng vọt so với năm ngoái và thời điểm trước đại dịch. 

Khách du lịch không nên mong đợi một sự phục hồi nhanh chóng. Theo đó, kỳ nghỉ Quốc khánh 4/7 sẽ chứng kiến ​​số lượng người đi du lịch bằng xe hơi kỷ lục ở Mỹ, bất chấp chi phí nhiên liệu tăng cao. Và cũng sẽ là dịp 4/7, du khách phải chi trả nhiều nhất trong vòng 5 năm qua khi giá vé máy bay nội địa Mỹ trung bình tăng 45% so với năm 2019, theo ứng dụng đặt vé du lịch Hopper.

Để tránh những cơn ác mộng khi du lịch trong nước, nhiều người Mỹ tìm cách sang châu Âu nhưng rất tiếc rằng mọi chuyện thậm chí còn tồi tệ hơn. Tình trạng thiếu nhân viên an ninh, nhân viên làm thủ tục và nhân viên xử lý hành lý đang gây ra hỗn loạn trên khắp châu lục này.

Trong một chuyến đi gần đây đến châu Âu, Rabinowitz cho biết các hàng dài kiểm tra an ninh tại sân bay Hamburg (Đức) khiến anh ngộp thở.

Với những chuyến bay gần, du khách được khuyên là nên dành thời gian làm thủ tục trực tuyến để tiết kiệm thời gian tại sân bay.

Rabinowitz chia sẻ: “Hãy xóa bỏ mọi suy nghĩ về những chuyến du lịch trước đây. Mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều. Sẽ phức tạp, khó khăn, mất thời gian hơn nhưng du lịch vẫn là một trải nghiệm đáng giá".

Amy Sayles và chồng, David, sống ở Atlanta (Mỹ), đã đi du lịch đến Ireland vào cuối tháng 5 vừa khi trước đó chuyến bay từ New York đến Dublin của họ bị hủy. Sau 4 tiếng đồng hồ xếp hàng, họ đã được đặt lại được một chuyến bay khác vào ngày hôm sau, nhưng hành lý bị thất lạc hoàn toàn.

Bà Sayles cho biết họ cả hai đã có một khoảng thời gian tuyệt vời ở Ireland, nhưng phải tiêu tốn khoảng 1.000 USD để mua quần áo, đồ vệ sinh cá nhân và hành lý mới. Vào ngày thứ năm ở Ireland, họ rất phấn khích khi biết tin nhận được một chiếc túi được giao tới nhưng hóa ra đó là túi chơi gôn của chồng bà.

Ba tuần sau đó, chiếc vali của ông David vẫn mất tích và bà Sayles ước tính đã phải mất 14 giờ để nói chuyện với cả hai hãng hàng không về vấn đề này.

Nữ du khách 52 tuổi chia sẻ: “Nếu ai định đi du lịch vào mùa hè này, tôi khuyên bạn nên mang hành lý xách tay".

Chàng cầu thủ Miller, người có chuyến bay đến Nashville bị hủy, tiếp tục có hành trình đến Colorado và sau đó là Tây Ban Nha trong kỳ nghỉ kéo dài hai tuần của mình. Hành lý của anh ấy đã không kịp đến Tây Ban Nha và sẽ được gửi trở lại Mỹ, buộc anh chàng phải mua toàn bộ quần áo mới trong chuyến đi.

“Tôi cho rằng họ sẽ gửi lại hành lý nhưng vẫn không thấy đâu, thậm chí còn không thể liên lạc được", Miller thất vọng cho biết.

Đối với những du khách lựa chọn đường bộ, giá nhiên liệu thời điểm này chắc chắn sẽ khiến họ phải đắn đo suy nghĩ. Một cuộc thăm dò của trường Washington Post-Schar cho thấy 61% người Mỹ nói rằng giá xăng là “yếu tố chính” tác động tới việc lập kế hoạch cho kỳ nghỉ hè của họ.

Caitlin Johnson, 23 tuổi, làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Dallas, cho biết hiện cô tốn khoảng 85 USD để đổ xăng cho chiếc Honda Accord của mình và buộc cô cô phải cân nhắc lại việc đi du lịch vào mùa hè này.

Ngoài ra, các yếu tố bất lợi liên quan tới thời tiết như mưa lớn hay lũ lụt cũng có thể khiến ảnh hưởng tới chuyến đi du lịch mùa hè.

Để có một chuyến đi đến Công viên Quốc gia Yellowstone, Danielle De Pillis đã đặt chỗ ở cho cả gia đình trước một năm. Tuy nhiên, ngay khi chuyển bị xuất phát từ Minneapolis, Danielle nghe nói rằng lũ lụt có thể đe dọa chuyến đi của họ.

Một du khách trước đó đã cập nhật hình ảnh chụp tại lối vào phía nam của Công viên Quốc gia Yellowstone sau khi công viên mở cửa trở lại vào ngày 22/6 sau trận lụt lịch sử và lúc này Danielle biết rằng chuyến đi mình mong chờ từ lâu đã thật sự "đổ bể".