icon icon

Chạy dọc quốc lộ 5 rồi rẽ hướng về phía huyện Nam Sách (Hải Dương), cách Hà Nội chừng 70km, là đến nhà của bé Nguyễn Thị Thùy Dung (10 tuổi). Ngôi nhà của em nằm ở phía cuối của thôn Hoàng Xá, xã Nam Chính. Đi tới đầu làng, hỏi nhà anh Dũng (bố của Dung) thì ai cũng biết. Lối vào rộng chừng 1m được đổ bê tông, dẫn thẳng đến ngôi nhà nhỏ nơi 5 thành viên trong gia đình bé Dung sinh sống. 

Nguyễn Thị Thùy Dung chào đời lúc 2h45 phút sáng ngày 1/11/2013 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Sáng cùng ngày,  TS Lê Thiện Thái, phó giám đốc bệnh viện,  công bố cô bé là công dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Thùy Dung là con thứ 2 của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng và chị Lê Hồng Duyên. 

Nhớ lại đêm con gái chào đời, anh Dũng chia sẻ: "Ngày hôm đó, khoảng 16 bác sĩ, hộ sinh, điều dưỡng tham gia ca trực và nhiều phóng viên báo chí cùng chờ đợi công dân thứ 90 triệu chào đời". Để chào mừng sự kiện này, nhiều chương trình kỷ niệm đã được tổ chức như diễu hành đi bộ "90 triệu bước chân con cháu Lạc Hồng", đêm nhạc hội "90 triệu trái tim yêu Việt Nam". 

“Thời điểm đó, bé Dung quá ngày dự sinh 10 ngày mà chưa có dấu hiệu đòi ra. Quá lo lắng, vợ chồng tôi cùng nhau lên bệnh viện huyện khám thai. Lúc này, bác sĩ chuẩn đoán tim thai yếu và chuyển thẳng lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Nằm tại đây 4 ngày, vợ tôi vẫn chưa có chuyển biến gì nên tôi mới quyết định đưa thẳng lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương”, anh Dũng kể lại. 

Bên trong căn nhà, những tấm hình của cô con gái ngày đầu chào đời được in khổ lớn, lồng khung kính và treo ngay ngắn trên tường. Mỗi khi có ai nhắc lại những ngày của chục năm về trước, bà Phạm Thị Nhanh (bà nội Dung) lại hồ hởi kể: “Kỷ niệm không thể nào quên! Con được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bế cơ mà”. Rồi những khi rảnh rỗi, cả nhà lại mang những bài báo, tạp chí đưa tin về sự ra đời của Dung ra để ngắm. Số báo ấy được anh Dũng giữ gìn, cất trong két sắt làm kỷ niệm, 10 năm rồi vẫn còn mới như in.

Còn với chị Duyên, Thùy Dung dù có đôi chút "lì lợm" vì không ra đời đúng ngày dự sinh khiến bố mẹ phải lo lắng nhưng ngày từ khi lọt lòng, Thùy Dung đã là một cô bé "trộm vía". "Cháu không kén ăn cũng chẳng quấy khóc gì nên bố mẹ nuôi nhàn tênh", chị Duyên nói.

Cách đây 4 năm, gia đình anh chị đón thêm người con thứ 3 là Thanh Duy. Từ ngày có em, Thùy Dung lại càng hiểu chuyện. Bố bận lo trang trại, mẹ đi làm, những khi ở nhà, Dung thường trông em rồi quét dọn nhà cửa. Ngay cả việc học của Dung, chị Duyên cũng không phải đau đầu vì lúc nào cô bé cũng tự giác. Cứ ăn tối xong là em ngồi vào bàn học, hôm nào nhiều bài tập thì tranh thủ lúc cả nhà tắm rửa trước bữa cơm tối là đã thấy cô bé ngồi hí húi bên đống sách vở.

10 tuổi, Dung tập làm những nhỏ trong nhà để đỡ đần bố mẹ. Chị Duyên làm công nhân tại một xí nghiệp từ 8-19h tối mỗi ngày. Vậy nên chuyện nhà cửa, cơm nước buổi trưa phần lớn sẽ do bà nội và các con lo liệu. Những ngày cuối tuần ở nhà, chị lại quây quần bên gia đình nhỏ. Chị Duyên hay nói nhà mình làm nông, cũng chẳng khá giả gì nên các con rau cháo quen từ bé, không bé nào đòi hỏi, vòi vĩnh gì nên bố mẹ cũng yên tâm làm việc.

Vợ đi làm, các con đi học, trang trại lớn chỉ còn mình anh Dũng và bà Nhanh chăm lo. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Mảnh đất trước đây là đồng ruộng, mùa nước lên ngập cả cánh đồng, trước có con nước ngập đến thắt lưng. Từ năm 2003, xã Nam Chính (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có chính sách cho người dân trong xã lập trang trại và được sử dụng đất trong 50 năm rồi hoàn trả cho nhà nước, anh cũng tách làng ra đây để làm ăn. Lúc mới đầu cũng bận rộn nhiều việc, từ đào ao, đắp đất, dựng chuồng trại, đi đường điện, đường nước... Sau này dần ổn định, anh mới đón vợ con ra ngoài này ở.

Buổi sáng anh dậy từ 5h30 rồi bắt đầu cho cá ăn, lo gà vịt rồi rửa chuồng trại, kiểm tra từ đàn lớn đến đàn bé xem bầy gia súc có con nào đau ốm. Tất bật là thế nhưng cứ chừng 10h30 là anh sẽ nghỉ tay để lo cơm nước cho đám trẻ chuẩn bị đi học về. Người đàn ông 41 tuổi quán xuyến việc chăn nuôi, đi chợ nấu nướng.

Chạy vòng quanh làng chừng 15 phút, anh Dũng đã có đủ nguyên liệu cho bữa trưa nay. Chủ yếu là mua thịt thà đổi bữa còn rau củ thì anh trồng ngoài vườn.

Thùy Dương và Dung đi học về buổi trưa là đã sẵn mâm cơm có bà và bố. Dùng bữa xong, 2 chị em cùng nhau rửa bát, dọn dẹp rồi tranh thủ nghỉ trưa để chiều tiếp tục vào giờ học.

- Dung ơi đi học!

Nghe tiếng cô bạn thân gọi réo từ ngoài cổng, Dung chạy từ trong nhà ra, không quên chào bà và bố.

Cô bé học lớp 4C, trường Tiểu học Nam Chính, cách nhà chừng 2km. Những ngày đầu hè, trời nắng lớn. Giỏ xe của Dung lúc nào cũng được bà để sẵn chiếc áo khoác và mũ đội đầu. Đôi bạn thong dong đạp xe trên con đường làng vắng vẻ, vòng qua thêm 2 điểm nữa để rủ thêm bạn cùng lớp tới trường. 

Đến lớp, Dung cùng các bạn kiểm tra lại khăn quàng đỏ, đồng phục rồi rủ nhau làm nhiệm vụ vệ sinh lớp học. 14h, tiếng trống truy bài vang lên. Cả lớp ngồi ngay ngắn để ôn lại bài cũ. Tiếng đám trẻ đọc bài ngân nga ra cả những dãy hành lang, vang về phía sân trường ngập nắng:

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên trước nhà

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kỳ
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi

...

Giải lao giữa những tiết học, đám trẻ kéo nhau ra sân trường nô nghịch. Giống như những bạn bè cùng trang lứa, Thùy Dung cũng là cô bé hồn nhiên, vô lo vô nghĩ. Đuổi bắt, chơi xích đu, nhảy nụ... là những trò thu hút cô bé. Cô Trần Lan (giáo viên chủ nhiệm) cho biết Thùy Dung là cô học trò hiền lành, ngoan ngoãn, thậm chí có phần rụt rè. "Dung không phải một người có cá tính mạnh mẽ, cũng chẳng thích nghịch mấy trò "nhất quỷ nhì ma". Lúc nào cô bé cũng chăm chỉ, vâng lời. Chẳng khi nào tôi thấy Dung không làm bài tập hay lơ đễnh trong những tiết học", cô Lan nói.

Mỗi khi được hỏi về ước mơ của mình xem sau này muốn trở thành người như nào, Dung lại có phần đắn đo suy nghĩ. "Nhiều khi con nghĩ muốn trở thành một cô giáo đi dạy trẻ em. Hoặc trở thành một bác sĩ để đỡ đầu các em bé, như ngày trước con được chào đời. Nhưng cũng có lúc con định trở thành một công nhân, làm việc trong nhà máy, giống mẹ. Con không biết nữa", Dung nói. 

Tổ chức sản xuất: Võ Thu

Bài và Ảnh: Thạch Thảo - Tuấn Anh