Đưa văn hoá tâm linh thành sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có; Kêu gọi sự vào cuộc của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn để đầu tư các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao; Đưa các di sản phi vật thể thành sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị”. Nếu cần giải mã cho sự bứt tốc của du lịch Tây Ninh, thì đó chính là một vài trong nhiều bí quyết đưa Tây Ninh vượt qua nhiều điểm đến có bề dày phát triển du lịch lâu năm, để trở thành một điểm đến với nhiều hấp lực mới.

Hai tay vít ga chiếc xe máy đời mới vượt qua những con đường lọc xọc đất đỏ trên cung đường qua biên giới Kà Tum sang Việt Nam, Thon - chàng trai người Khmer đến từ tỉnh Memot (Campuchia) vừa thoăn thoắt up ảnh check-in dưới bức tượng Phật Bà lên facebook, vừa hớn hở inbox với bạn bè. 

“Tây Ninh nay khác lắm, đặc biệt núi Bà Đen đẹp tuyệt, toàn hoa là hoa. Hoa phủ đầy trên đỉnh núi. Hoa hồng, hoa cúc, hải đường, phi yến, xác pháo…, hoa nào cũng có. Đến hoa tulip mình chỉ biết có ở Hà Lan cũng được trồng trên núi Bà Đen, lạ quá”, Thon chia sẻ.

Cũng theo Thon, núi Bà Đen rất nổi tiếng. Anh cho biết thêm, “Tôi năm nào chẳng qua đây chơi ít nhất một lần. Hai năm Covid vừa rồi không qua được, năm nay quay trở lại thấy khác hẳn, hoa lá rực rỡ, không khí tươi vui rộn ràng hơn nhiều”.

Nhiều năm gần đây, núi Bà Đen không chỉ là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước khi đến với Tây Ninh, mà những người láng giềng như Campuchia, Lào… cũng xem núi Bà Đen như một điểm đến linh thiêng phải đến trong đời. 

Vào dịp Lễ hội Xuân đầu năm, trên đỉnh núi Bà Đen, du khách không chỉ được hoà vào không gian tưng bừng sắc hoa và nhiều tiểu cảnh độc đáo, mà còn được mục sở thị những màn trình diễn nghệ thuật độc đáo mang đặc trưng văn hoá bản địa. Các chàng trai Khmer khi nhún nhảy, khi nhào lộn, lúc dùng cùi chỏ, đầu gối, gót chân đánh vào chiếc trống Chhay-dăm được làm bằng thân cau già, khoét rỗng ruột được bịt bằng da trâu hay trăn khô tạo nên những âm thanh ngồ ngộ. Các cô gái Khmer đôi mươi duyên dáng má đỏ hây hây trong chiếc áo sà rông đính hạt cườm, hạt kim sa lấp lánh, đầu quấn khăn lụa "Sbay" mềm mại, uyển chuyển trong trong điệu múa Khmer nhịp nhàng. Những điệu múa cổ truyền hay trình diễn nhạc ngũ âm cứ thế làm say đắm lòng người, khiến ai đến núi Bà Đen cũng nhấn nhá muốn ở lại, ai chưa đến thì đứng ngồi không yên.

Năm 2020, tuyến cáp treo hiện đại tại núi Bà Đen đi vào khai thác, đưa du khách lên đỉnh núi trong 8 phút thay vì phải mất 4 giờ đồng hồ theo đường núi hiểm trở. Hệ thống các chùa Núi Bà được cải tạo, mở rộng khuôn viên khang trang, dẫn lối du khách tới hành trình tâm linh an yên với điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu đã có từ 300 năm, với chùa Hang huyền thoại, với bức tượng Phật nhập niết bàn bên lưng chừng núi nhìn ra vùng đồng bằng mênh mông, với động Kim Quang ghi lại dấu tích của lịch sử một thời hào hùng, hay động Ba Cô chứa đựng những sự tích ly kỳ được truyền lại qua nhiều thế hệ. 

Đặc biệt, nhờ cáp treo, hàng triệu du khách được lên Nóc nhà Nam bộ chỉ sau vài phút, để phóng tầm mắt ra toàn cảnh đồng bằng trù phú với hồ Dầu Tiếng mênh mông và những cánh đồng lúa xanh mướt mát. Ngay trên đỉnh núi là bức tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á đứng uy nghi hướng tuệ nhãn ra vùng cả đồng bằng Nam bộ rộng lớn. 

Dưới chân đại tượng Phật, du khách được tiếp cận với thế giới Phật giáo bằng ứng dụng công nghệ hiện đại tiên phong ở Việt Nam - công nghệ chiếu phim 3D mapping về sự hình thành của vũ trụ dưới lăng kính Phật giáo. Cũng tại quần thể này, các tín đồ được chiêm ngưỡng hàng trăm phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. 

Đặc biệt, quanh năm núi Bà Đen diễn ra rất nhiều lễ hội quy mô hút hàng triệu Phật tử và du khách thập phương như Lễ hội Xuân núi Bà Đen (tháng Giêng), Lễ hội Vía Quán Thế Âm Bồ Tát (Tháng 2 âm lịch), Lễ hội Vía Bà (Tháng 5 âm lịch)…

Với cả một quần thể tâm linh kỳ vĩ giữa đỉnh núi được mệnh danh “đệ nhất thiên sơn”, núi Bà Đen trở thành điểm đến tâm linh hút khách bậc nhất cả nước. Năm 2019, tổng lượng khách đến với Tây Ninh chỉ đạt hơn 2 triệu người, thì năm 2022 Tây Ninh đã đón 4,5 triệu lượt khách, với doanh thu 1.400 tỷ đồng. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Tây Ninh dẫn đầu cả nước về lượng khách, vượt xa nhiều điểm đến nổi tiếng trong nước. Và trong tháng đầu tiên của năm 2023, Tây Ninh đã đón lượng khách bằng tổng cả năm 2019. 

Không chỉ có núi Bà Đen, Tây Ninh còn là một vùng đất sở hữu nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên để khai thác du lịch, với những điểm đến tạo nên linh hồn cho thành phố bò tơ bánh tráng như Toà Thánh, Ma Thiên Lãnh, hay vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát...

Sở hữu đến 8 di sản văn hoá phi vật thể - một con số khiến nhiều địa phương phải ngưỡng mộ - Tây Ninh được khách thập phương biết đến nhiều nhất với Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu, với điệu múa trống Chhay-dăm, nghệ thuật đờn ca tài tử, với nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, hay với nghệ thuật chế biến món chay lừng danh khắp xứ. Các di sản văn hoá phi vật thể làm nên linh hồn của một vùng đất trù phú đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống, nhưng chưa đủ để có thể “hữu xạ tự nhiên hương” để đưa Tây Ninh thành kinh đô du lịch.

Vào mỗi dịp đầu năm mới, Lễ hội xuân Núi Bà Đen diễn ra suốt tháng Giêng là một trong những lễ hội lớn nhất tại Tây Ninh, hút một lượng khách lớn. Chỉ tính trong dịp Tết năm nay, Lễ hội Xuân núi Bà đã đón 1 triệu lượt khách đến với Tây Ninh. 

Ngay sau Tết, Lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” được tổ chức lần đầu tiên trong 3 ngày từ 17-19/2/2023 với gần 200 món chay chế biến độc đáo và rất nhiều hoạt động sôi nổi đã hút hơn 25.000 du khách. 

Tới đây, vào ngày 23-24/4, giải chạy Baden Mountain Marathon 2023 được tổ chức với quy mô 7.000 vận động viên sẽ tạo nên một sự kiện thể thao văn hoá lớn nhất Tây Ninh. Với chủ đề “Đường chạy huyền thoại”, giải chạy sẽ lan toả cộng đồng cả trong nước và quốc tế về một hình ảnh năng động, đầy sức sống cùng những điểm đến du lịch đã đi vào huyền thoại của vùng đất này như Núi Bà Đen, Toà Thánh Cao Đài, Ma Thiên Lãnh…

Theo đồ án quy hoạch chung đến năm 2035, Tây Ninh sẽ phát triển Khu du lịch núi Bà Đen thành khu du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đa dạng sản phẩm và loại hình du lịch truyền thống, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Như thế, một hệ sinh thái du lịch giải trí nghỉ dưỡng hứa hẹn sớm được hình thành tại Tây Ninh, để nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh hàng đầu Nam bộ, mà còn là điểm đến để du khách có thể vui chơi tại các công viên giải trí quy mô và trải nghiệm nhiều loại hình du lịch khác. 

Có thể thấy, Tây Ninh đang quyết liệt đi tìm lời giải cho sự bứt tốc của ngành du lịch. Và nếu sớm được đẩy mạnh đầu tư một hệ sinh thái du lịch đẳng cấp, thì sớm thôi, Tây Ninh sẽ từ một vùng trũng của ngành du lịch trở thành điểm đến mới có thể cạnh tranh và bứt phá hơn so với các địa danh du lịch nội địa nổi tiếng khác trên cả nước.

Doãn Phong