Đại dịch Covid-19 tác động mọi mặt đời sống xã hội, bao gồm lĩnh vực giải trí, ở phạm vi toàn cầu những thiệt hại có thể nhìn thấy và cả những thiệt hại xảy ra trong tương lai theo "hiệu ứng Domino" mà các chuyên gia cảnh báo. Không nằm ngoài tổn thất chung, nền giải trí Việt Nam chịu ảnh hướng từ dịch bệnh trong hai năm 2020 - 2021.
Giai đoạn phải cách ly toàn xã hội, toàn bộ hoạt động giải trí diễn ra trực tiếp hay đòi hỏi tương tác vật lý như rạp chiếu phim, chương trình nhạc "sống", trình diễn thời trang, triển lãm,... gần như "đóng băng". Việc cách ly xã hội còn khiến các dự án giải trí trì tuệ, khó khăn xoay xở, thậm chí hoãn vô thời hạn.
Đến giai đoạn bình thường mới, nghệ sĩ và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí hết sức dè dặt, cân nhắc hoạt động trở lại hoặc tái triển khai các dự án của mình. Mặt khác, sức chi tiêu của khán giả cho nhu cầu giải trí giảm thấy rõ.
Nhiều nghệ sĩ nói với VietNamNet, nền giải trí Việt Nam điêu đứmg, khốn đốn vì dịch Covid-19. Song, không vì vậy mà họ "bó tay chịu trận". Đứng trước nguy cơ và thách thức từ dịch bệnh, nghệ sĩ, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nỗ lực chuyển đổi số. Quá trình này diễn ra mạnh mẽ trong hai năm qua.
Khi phải dừng hoạt động biểu diễn, ca sĩ và các doanh nghiệp đã tiếp cận khán giả bằng hình thức trực tuyến. Vô số chương trình âm nhạc trực tuyến ra đời trong 2 năm dịch bệnh như: Live in sweet home của Tuấn Hưng và Khắc Việt; Stay strong Vietnam quy tụ nhiều nghệ sĩ; Những câu chuyện kể của nhạc sĩ Tuấn Thăng;... Nghệ sĩ Thanh Bùi nói: "Đứng trên sân khấu, bạn hát trước hàng nghìn khán giả nhưng nếu đứng trước màn hình trực tuyến, có thể đến hàng chục, hàng trăm nghìn người nghe bạn hát".
Đặc biệt trong giai đoạn đỉnh dịch, các chương trình Chia sẻ để gần nhau hơn; Cảm ơn những điều phi thường; Gala nghệ thuật Ở nhà vẫn vui - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch;... không chỉ phục vụ âm nhạc mà còn có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn với khán giả.
Khán giả dần quen với việc thưởng thức âm nhạc trực tuyến. Họ sẵn sàng trả tiền mua vé xem trực tuyến các show nhạc. Họ cũng quen với việc đón năm mới tại nhà thay vì ra đường với đêm nhạc Lễ hội ánh sáng (Countdown Lights) liên tiếp hai năm qua. Kết thúc năm 2021, các nền tảng phát nhạc trực tuyến có bản quyền như Apple Music, Spotify,... được ưa chuộng áp đảo các trang nhạc "lậu".
Phim trực tuyến Việt Nam đang thành hình với sự xuất hiện và tiếp cận rộng rãi của các nền tảng số Việt Nam như POPs, Galaxy Play, FPT Play, VieON... bên cạnh nền tảng ngoại như Netflix. Chỉ cần một cú nhấp, khán giả có thể xem phim Việt chất lượng như chiếu rạp ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
Truyền hình K+ đặt hàng sản xuất phim Mẹ ác ma, cha thiên sứ để chiếu độc quyền trên kênh của mình giống như cách Netflix đã làm với Squid game, Hellbound. Bộ phim có thể chưa hot rầm rộ nhưng có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự hòa mình, bắt nhịp hết sức nhanh nhạy của doanh nghiệp Việt đồng thời lan tỏa đến các doanh nghiệp khác. Được biết, Galaxy Play cũng đặt hàng sản xuất phim Việt riêng cho nền tảng trực tuyến của mình.
Lĩnh vực xuất bản trong hai năm 2020 - 2021 bùng nổ các hoạt động trực tuyến. Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tổ chức vào tháng 4/2020 đã thu về nhiều thành tựu không ngờ: gần 2 triệu lượt truy cập, doanh thu trên 1 tỷ đồng. Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ 2 vào tháng 4/2021 thu hút hơn 5,9 triệu lượt truy cập, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng - gấp 3,5 lần năm trước. Điều ý nghĩa nhất là hội sách trực tuyến đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đọc của hàng chục nghìn độc giả ở tỉnh, thành xa ngoài Hà Nội và TP.HCM.
Mảng sân khấu đang nỗ lực chuyển đổi số để thích nghi với thời đại. Khi không thể sáng đèn, các đơn vị như Nhà hát kịch Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội, Sân khấu Hồng Vân, Sân khấu Lệ Ngọc,... chủ động đưa các tác phẩm của mình lên không gian số.
Tháng 9/2020, Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập kênh YouTube thử nghiệm mô hình Nhà hát online. Tất cả chương trình nghệ thuật các lĩnh vực kịch, tuồng, chèo, cải lương,... của đơn vị đều được phát trực tiếp với chất lượng như xem TV để khán giả thưởng thức tại nhà. Không chỉ quảng bá tốt, không gian số cũng là cách tiếp cận nhanh nhất với thế hệ Z; khơi gợi, phát huy và lan tỏa tình yêu văn hóa cổ truyền trong người trẻ.
Dịch bệnh cũng là dịp để các nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm cộng đồng của mình. NSƯT Xuân Bắc - người đi vào tâm dịch trao tiền từ thiện, livestream bán hàng chục tấn nông sản giúp nông dân - nói: "Năm nay, không chỉ tôi mà rất nhiều đồng nghiệp đã thể hiện đúng tinh thần nghệ sĩ. Rằng ngoài chuyên môn nghệ thuật, chúng tôi phải đóng góp sức mình cho sự phát triển chung và lan tỏa tinh thần ấy đến cộng đồng". Ca sĩ Phương Thanh cũng nói lý do đi tình nguyện liên tục 5 tháng đỉnh dịch ở TP.HCM: "Lúc bình thường, tôi là nghệ sĩ nhưng khi đất nước cần, tôi là chiến binh".
PwC UK - Mạng lưới cựu sinh viên Vương quốc Anh - nhận định, Covid-19 khiến ngành giải trí phải đối mặt sự gián đoạn nghiêm trọng nhưng lại mở ra một cơ hội phát triển mạnh mẽ, đó là thúc đẩy nhu cầu dịch vụ giải trí trực tuyến (streaming).
Cần nhấn mạnh, các hình thức giải trí trực tuyến đã xuất hiện từ trước đại dịch Covid-19. Nhưng chính trong hai năm 2020 - 2021, chúng phát triển mạnh mẽ và đồng bộ ở phạm vi toàn cầu.
Alexia Quadrani - người điều hành U.S. Media Equity Research - cho rằng sự bành trướng không ngừng của đại dịch Covid-19 kéo theo sức tương tác và sự tăng trưởng mạnh mẽ của người dùng dịch vụ phát trực tuyến trên khắp thế giới.
Mảng âm nhạc, theo số liệu từ Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI) vào năm 2020, nhạc kỹ thuật số chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu âm nhạc trên toàn thế giới, riêng dịch vụ phát trực tuyến đã chiếm 62% tổng doanh thu của ngành với 443 triệu người dùng đăng ký phát trực tuyến nhạc trả phí. Trước đó, sự suy thoái của đĩa vật lý cùng thái độ lưỡng lự trước nhạc kỹ thuật số đã khiến doanh thu ngành công nghiệp âm nhạc thấp chạm đáy hồi năm 2014 với 14 tỷ USD.
Mảng phim, theo nghiên cứu của J.P. Morgan, sự thay đổi sau dịch thể hiện rõ ở việc các đơn vị sản xuất đang cố rút ngắn thời gian chiếu phim ở rạp để phát hành trực tuyến. Thậm chí, phim Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới của hãng Universal Studios được phát hành tại rạp và các nền tảng số cùng một ngày. Hiện tại, hầu hết phim có thành tích kém tại phòng vé sẽ được chuyển sang phát hành trực tuyến để nhường suất cho các phim hot ở rạp.
Năm 2020, theo Cơ quan giám sát truyền thông Anh Ofcom, số người dùng dịch vụ phát trực tuyến tăng vọt khi cách ly xã hội. 12 triệu người dùng mới đã sử dụng một trong ba dịch vụ của Netflix, Amazon Prime Video và Disney+; 3 triệu người trong số này chưa bao giờ đăng ký bất kỳ dịch vụ nào trước đây.
Trang Hosting Tribunal đưa ra một vài con số gây "giật mình" về xu hướng giải trí trực tuyến trong 5 năm (2016-2021): Tốc độ tăng trưởng của dịch vụ phát trực tuyến là 20% mỗi năm; Netflix "bỏ túi" 26 triệu người dùng mới trong năm 2020; Doanh thu của thị trường dịch vụ trực tuyến năm 2017 ước tính 184 tỷ USD; 62% người dùng Mỹ đã đăng ký dịch vụ phát trực tuyến; Thời gian xem các nội dung phát trực tuyến tăng 250% vào năm 2020; 89% người dùng toàn cầu sử dụng dịch vụ phát nhạc trực tuyến;...
Từ kinh nghiệm của quốc tế, có thể thấy đại dịch thách thức nhưng cũng là cơ hội và tiền đề để Việt Nam xây dựng nền giải trí trực tuyến.
Anh Vân Trình - "cha đẻ" mô hình Phòng trà online - cho biết nếu các số 1, 2 và 3 vẫn tổ chức đêm nhạc song song trực tiếp và trực tuyến thì số 4 là đêm nhạc không khán giả, 100% trực tuyến. Có thể thấy giải trí trực tuyến là “lối thoát" của nền giải trí trong và cả sau đại dịch.
Năm 2022, Mỹ Tâm là ca sĩ đầu tiên (và duy nhất đến hiện tại) "dám" bán vé xem show trực tuyến với giá cao kỷ lục là 1 triệu đồng. Dù vậy, cổng bán vé vẫn "sập" ngay hôm đầu tiên vì truy cập quá tải. Rõ ràng, thói quen nghe xem của khán giả đã thay đổi và nghệ sĩ có thể lạc quan khai thác, phát triển bản thân ở thị phần trực tuyến.
Rạp phim đóng cửa lại mở ra một "cánh cửa" khác cho nhà làm phim là đưa phim lên các nền tảng xem phim bản quyền trả phí. Đơn cử, phim Gái già lắm chiêu V có doanh thu khiêm tốn 55 tỷ đồng (so với kinh phí sản xuất 46 tỷ đồng) đã được đạo diễn Bảo Nhân và nhà sản xuất Nam Cito chủ động bán cho nền tảng Netflix để khai thác nguồn lợi lâu dài - điều chưa từng có những năm trước.
Hội sách trực tuyến quốc gia đã làm rất tốt vai trò của mình trong đại dịch và chắc chắn khi thiết lập trạng thái bình thường mới, sự kiện vẫn tiếp tục mang lại nguồn thu cho ngành xuất bản Việt Nam, đáp ứng sâu rộng nhu cầu đọc của người dân mọi vùng miền đất nước (điều mà sự kiện trực tiếp không thay thế được), qua đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc và nâng cao dân trí Việt Nam.
Nền giải trí trực tuyến cũng mở ra cơ hội lẫn sự đào thải khắc nghiệt hơn trong giới nghệ sĩ. Giải trí trực tuyến càng phát triển, thế giới càng "phẳng", cơ hội chia đều cho tất cả người trẻ có đủ tài năng và đam mê nghệ thuật. Vì khi ấy, công nghệ lăng-xê truyền thống trở nên lỗi thời và không cá nhân, pháp nhân nào đủ khả năng thao túng, lũng đoạn thị trường nữa.
Điển hình, ca sĩ Mỹ Anh, "hiện tượng nhạc Trịnh" Hoàng Trang hay Phùng Khánh Linh nổi lên nhờ thực lực thay vì lăng-xê “ảo”. Số liệu thành tích của họ thể hiện công khai và trung thực trên các nền tảng số. Bởi vậy điều không thể phủ nhận là khi tư duy con người thay đổi, thị trường giải trí Việt Nam sẽ dần đi vào chuyên nghiệp như cách các thị trường giải trí lớn trên thế giới đã từng.
Covid-19 còn đó, phía trước vẫn gập ghềnh nhưng giải trí Việt cần trở lại phải hơn trước để tìm cho mình cơ hội tốt nhất. Mỗi nghệ sĩ bình tĩnh xem mình cần làm gì, điều chỉnh gì để thích nghi với thay đổi do đại dịch đem tới và từng cá nhân, cộng đồng hãy đưa sự bất thường do đại dịch gây ra thành điều bình thường cùng sự chung tay góp sức đồng lòng, tương lai rộng mở của thị trường giải trí trực tuyến tại Việt Nam không hề xa vời.
Nhật Anh
Thiết kế: Tú Uyên
Các vấn đề giải trí được phản hồi nhiều nhất năm 2021
Chuyện sao kê từ thiện của sao Việt, phim “Hương vị tình thân” gây tranh cãi, lùm xùm của Hồ Văn Cường cùng mẹ nuôi Phi Nhung… là những vấn đề được nhiều độc giả quan tâm và phản hồi nhất năm 2021.