XEM CLIP:
Trong ngành, anh em biết đến một tướng Cầu “hét ra lửa”; trên nghị trường cử tri lại thấy một ông nghị với nhiều phát biểu thẳng thắn, sâu sắc; với báo chí, ông là một ĐBQH rất gần gũi, cởi mở. Bí quyết nào để ông làm tròn nhiều vai và được tín nhiệm như vậy?
Thực ra anh em bảo Tướng Cầu “hét ra lửa” thì cũng không phải đâu. Tướng Cầu rất kiên quyết, rất quyết liệt, đã không nói thì thôi đã không làm thì thôi còn đã nói rồi là phải làm, đã làm là làm quyết liệt, làm đến nơi đến chốn.
Đấy là cái tính từ xưa đến nay thế rồi. Yêu cầu của công việc là khi mệnh lệnh của người chỉ huy ban ra thì tất cả cán bộ dưới quyền phải chấp hành, như thế mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Mặc dù tính quyết liệt như vậy nhưng trong quá trình làm việc, phương pháp lãnh đạo của tôi là bao giờ cũng dành tình cảm cho cán bộ chiến sĩ, chia sẻ, thấu hiểu với họ để động viên họ hoàn thành nhiệm vụ.
Còn đối với vai trò là một ĐBQH trên nghị trường, tôi nghĩ có 3 việc cần phải làm.
Thứ nhất, chúng tôi là những ĐB từ địa phương, từ cơ sở nên có nhiều cơ hội tiếp xúc với thực tiễn, với cuộc sống. Tôi chỉ mang những tâm tư tình cảm của cử tri ngoài cuộc sống vào trong nghị trường, đấy là một tài liệu rất quý báu.
Một vấn đề nữa, tôi có một nguyên tắc là dù mình có chuyển tất cả những tư liệu cuộc sống vào đây rồi thì mục tiêu chuyển vào là gì, đó là xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Động cơ của mình là để cho xã hội được bình an, được phát triển một cách lành mạnh chứ không vì một cái gì cả.
Đấy là một vấn đề mà tôi luôn suy nghĩ khi phát biểu với vai trò là ĐBQH.
Thứ ba, mình phát biểu mặc dù rất thẳng thắn nhưng cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh của đối tượng được đề cập. Nếu tôi ở HĐND tỉnh, người ta phát biểu chất vấn tôi với tư cách là tư lệnh ngành địa phương thì chúng tôi thế nào. Cho nên khi phát biểu, mình chuyển thông điệp làm sao cho họ cảm thấy thuyết phục, nhẹ nhàng và có thể chấp nhận được.
Mình nói làm sao không thái quá, nhưng cũng không phải quá lép vế trong quá trình sinh hoạt ở QH.
Có khi nào ông gặp rắc rối từ những phát ngôn của mình?
Có những lúc tôi cũng đưa ra nhiều vấn đề tương đối cân não. Ví dụ như khi nói về vấn đề giảm biên chế và cải cách tổ chức bộ máy, khi tôi đụng chạm đến cấp trung gian là cấp nào, chính là cấp tổng cục.
Tôi biết rằng, khi nói ra điều đó là đụng chạm và chắc chắn là sẽ có những phản ứng. Nhưng tôi nghĩ là tôi nói đúng, vì mục đích chung, vì lợi ích của ngành và cao hơn nữa là vì lợi ích của người dân, của nhà nước. Cho nên sau này thì người ta cũng hiểu.
Hoặc lúc tôi đụng chạm đến chuyện có quá nhiều nhà máy thủy điện, người đồng bào dân tộc miền núi mất đất, mất rừng là do nhà máy thủy điện…
Đấy là những câu chuyện thực tế nói ra sẽ có đụng chạm, nhưng tôi cho rằng, những vấn đề lợi ích của dân, tâm tư nguyện vọng của dân thì mình phải cố gắng truyền tải cho bằng được.
Khi tôi nói những điều này với tính chất xây dựng, không chì chiết thì tôi nghĩ có nhiều người ủng hộ.
Vì vậy, nếu nói rằng có một ai đó, ngành nào đó gây áp lực cho tôi thì tôi chưa gặp.
Tôi thì rất thẳng tính, mình chưa làm được thì mình cứ nói thật, cử tri của chúng ta rất là thoải mái, đừng có hứa hôm nay, hôm mai, hôm sau vẫn chưa làm được.
Ông có e ngại cử tri nghĩ mình là ĐB của ngành thì sẽ nói tiếng nói của ngành, bảo vệ lợi ích ngành hơn là lợi ích của người dân, cử tri ngoài ngành?
Tôi thì không nghĩ thế. Thực ra lợi ích của cử tri là lợi ích của ngành, lợi ích của ngành chính là lợi ích của cử tri, hòa quyện với nhau, đấy là một. Vì ngành công an cũng không có lợi ích nào cả ngoài lợi ích của dân.
CLIP tranh luận giữa Giám đốc Công an Nghệ An và ĐB Lưu Bình Nhưỡng tại phiên chất vấn của QH ngày 5/11/2018:
Trong ngành công an cũng có nhiều cử tri có tâm tư, tình cảm. Họ cũng làm việc, cũng cống hiến cho xã hội, cũng hết sức vất vả. Tôi muốn chuyển những điều này đến QH để thấy rằng bên cạnh có những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, phần lớn cán bộ chiến sỹ công an là những người miệt mài cống hiến cả sức lực, trí tuệ và cả máu của mình cho sự đảm bảo an ninh trật tư.
Cho nên, khi tôi nói một điều gì đó thì không có chuyện xung đột lợi ích. Giữa lợi ích dân và lợi ích công an là thống nhất, lợi ích công an nằm trong lợi ích của dân.
Vì vậy, tôi không thấy có bất cứ một vấn đề gì phân vân và tôi cũng không phải đứng ra để bênh ngành đâu. Tôi chỉ bênh những cái đúng thôi, còn những cái sai không bao giờ tôi bênh.
Tôi lấy ví dụ vừa rồi một loạt cán bộ công an bị kỷ luật, một số bị đuổi ra khỏi ngành, tôi cho rằng những việc đó là phải làm kiên quyết.
Lực lượng công an hay bất cứ một lực lượng nào trong hệ thống chính trị đều vì dân hoạt động chứ không phải vì lợi ích của ngành, vì lợi ích bộ phận này, bộ phận khác.
Nói gì thì nói, Giám đốc Công an tỉnh khác hoàn toàn với vai một ĐBQH. Vậy ông làm sao để không bị nhầm vai?
Bởi vì tôi xác định rằng lợi ích của cử tri, của ngành là thống nhất. Cho nên tôi nói ở cương vị nào cũng thấy rằng mình nói về cái chung. Và khi mình nói về cái chung bằng một động cơ trong sáng, với tính xây dựng thì chắc chắn những lời nói của tôi được người ta chấp nhận.
Tôi chỉ sợ mình nói không khách quan, mình cứ để tô hồng ngành của mình lên, không thấy được những tiêu cực của ngành mình để chấn chỉnh anh em, đấy mới là khuynh hướng sai lầm.
Cũng có nhiều người nói rằng tôi làm ĐB công an thì hay bênh vực cho ngành nhưng không phải đâu.
Tôi là người thẳng thắn, cái gì làm được tôi thừa nhận, những cái gì sai thì kiên quyết đấu tranh. Không phải từ QH đâu, tại địa phương cũng thế, trong đơn vị tôi cũng thế.
Cho nên cho đến bây giờ, qua 8 kỳ họp rồi nhưng mỗi lần phát biểu, nói thật với phóng viên là tương đối vất vả. Để chuẩn bị cho mình một chủ đề phát biểu trong vòng 7 phút tại nghị trường thì mình phải suy nghĩ rất nhiều, mình phải tìm đọc rất nhiều và kiến thức của mình cũng phải cố gắng trau dồi.
Mình viết được một bài cũng phải mất vài ba đêm, trăn trở với chủ đề, sau khi mình phát biểu trước QH rồi thì mình về theo dõi báo chí họ bình luận thế nào.
Sau đó mình còn đọc lại bài phát biểu của mình xem có gì hở không để rút kinh nghiệm cho những lần sau.
'Giám đốc Công an không có Tết đâu'
“Giám đốc Công an không có Tết đâu, 2/3 thời gian dành cho đơn vị, mình là lãnh đạo thì phải làm gương cho anh em”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ.
Thu Hằng - Hương Quỳnh - Thiết kế: Tú Uyên