Có một giai thoại ‘cười bể bụng’ NSND Lan Hương rất ‘vụng’ nấu ăn, chị có thể nói sao về điều này?
- Đúng, ngày xưa Lan Hương vụng lắm, 16 tuổi chưa biết làm cái gì, cầm cái chổi quét nhà cũng không xong, vo gạo nấu cơm cũng không được, không phân biệt được đâu là củ hành đâu là củ tóc tiên. Cái gì tôi cũng nhờ bà ngoại làm. Còn nhớ, khi tôi 16 tuổi, bà ngoại mất không ai nấu nướng cho mọi người bận hết cả. Tôi phải tự mình rang cơm. Loay hoay mãi, tôi chạy lăng xăng đi hỏi mọi người thì được chỉ cho hành với cho mỡ vào phi thơm lên rồi cho cơm vào rang.
Thấy củ tóc tiên trên bàn, tôi tưởng hành, thả vào mỡ phi cho thơm lại chẳng thấy thơm, cứ thấy nhớt nhớt. Tôi gọi toáng lên trong nhà: “Bà Chi ơi, củ này là củ gì mà nó không thơm như củ hành mọi khi”. Bà chạy ra: “Thôi chết rồi con ơi, bà mang đến để trồng trên mộ bà ngoại mà sao mày lại tưởng là hành? Mày cái gì cũng không biết à? ”.
Khi vào Nhà hát Tuổi trẻ, các bạn đi picnic bảo tôi bóc hành bóc tỏi, công việc đó khiến tôi vất vả vô cùng. Chính Ngọc Huyền vợ nghệ sĩ Chí Trung hướng dẫn tôi phải để dọc, dập một cái, bóc bóc thế là nó ra. Từ đấy tôi biết chứ không đến cả bóc tỏi cũng không biết.
Thế chị xoay sở thế nào để làm tròn bổn phận làm dâu, làm vợ và làm mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ mà lại 'vụng' như vậy?
- Tôi được cái may mắn, khi lấy chồng đầu tiên, lúc tôi sinh con gái đầu lòng, chồng tôi làm từ A đến Z. Từ xách nước đến giặt quần áo ông ý thuê người, tôi không biết làm một cái gì cả, mọi người bảo tôi “như ở trong tủ kính”.
Đến khi lấy chồng lần thứ hai, tôi thấy xấu hổ nên bắt đầu để ý. Và khi bắt đầu để ý tôi lại rất thông minh, bắt chước rất nhanh. Đi ăn ở đâu, đến nhà ai ăn, tôi bắt đầu ngửi thức ăn, phân tích xem là trong đấy có gồm mùi gì, thức ăn này nó làm như thế nào, cảm giác như thế nào. Tôi không hỏi gia chủ xem có những vị gì, tôi tự mày mò sách vở.
Thế là cứ từ từ, dần dần 2 vợ chồng sống với nhau 1, 2 năm thôi là tôi nấu được 10 mâm cỗ rồi. Khi mà tôi đã biết làm lại làm rất nhanh. Thấy vợ vất vả, ông Bình (đạo diễn Tất Bình - chồng NSND Lan Hương – PV) nói là: “Thôi em ơi bây giờ có điều kiện em cứ gọi cỗ về”.
Nhưng sau khi gọi về ăn, mọi người có vẻ không ưng, phản đối, gọi về ăn chán. Được động viên, thỉnh thoảng tôi lại nấu, bạn bè bây giờ đến chơi tôi cũng nấu nhiều món lắm. Tôi tự tin đến độ, năm 2011 tôi mở cửa hàng ăn uống. Nhưng thật sự là hồi đấy mình yêu nghề quá, vẫn đắm đuối với nghề, không tập trung vào kinh doanh thế nên là phải bỏ.
Những tháng ngày làm dâu ‘vụng’, chị có bị bố mẹ chồng chê trách?
- Nhiều khi tôi nghĩ chắc tôi hồn nhiên quá nên chẳng cảm nhận được xung quanh người ta khó chịu với mình thế nào. Có khi người ta cáu, có khi khó chịu, người ta yêu mình, mình cũng chẳng biết, hồn nhiên đến mức độ như thế cơ mà.
Mẹ chồng tôi yêu tôi lắm, rất yêu ấy. Nhưng ban đầu về làm dâu bà cũng ‘lăn tăn’ không thích tôi. Mẹ chồng đầu tiên của tôi, không thích có con dâu làm nghề diễn viên, mặc dù con trai bà cũng là diễn viên. Nhưng khi chúng tôi đến với nhau, 2 gia đình gặp nhau bà lại thích gia đình tôi lắm.
Nhớ lại ngày trước, nhà chồng đầu của tôi vất vả lắm. Đêm 30 vẫn đi bán hàng cho những người đi chơi Tết tận 3, 4h sáng mới về. Nhưng tuyệt nhiên bà không cho tôi bán hàng. Cứ bế con đi ra chỗ bà với em chồng bán hàng, bà lại đuổi về. Bà bảo, diễn viên không cho ngồi đây. Diễn viên lại còn có tên có tuổi nữa, đi đâu người ta cũng gọi 'Em bé Hà Nội' với Lan Hương mà lại ngồi bán hàng thế là không được. Phải giữ sĩ diện, mẹ tôi thương tôi lắm.
Đêm giao thừa nào khi ở nhà chồng đầu đáng nhớ nhất với chị?
- Mấy năm liền ở nhà chồng cũ, tôi đều ôm con ra đường chờ tới 3, 4h sáng, mọi người về nhà hết tôi mới vào. Phần tôi cũng sợ ma, giao thừa nào cũng cô đơn với đứa con nhỏ. Chờ đợi em chồng, mẹ chồng về, có lẽ những năm đó là những năm đáng nhớ trong đời, phút giao thừa lặng lẽ của 2 mẹ con, của cả gia đình.
Rồi tôi buồn, khóc, sau cứ ngửi thấy mùi pháo đêm giao thừa là khóc. Tôi ấn tượng với mùi pháo đến độ về sau bỏ pháo rồi nhưng sang Trung Quốc chơi, hoặc đi diễn người ta đốt pháo vào ngày lễ chứ không phải ngày Tết tôi lại cảm giác cô quạnh, đơn độc.
Còn bây giờ, giao thừa không có con gái duy nhất bên cạnh, chồng lại đi du lịch mấy ngày Tết, chị có thấy cô quạnh?
- Những năm đầu không có con bên cạnh, tôi cũng buồn lắm chứ. Cứ đêm giao thừa là khóc, nhớ con. Nhưng sau biết rằng, con mình cũng đang ở một bến bờ an toàn, hạnh phúc cũng đỡ. Vẫn nhớ nhưng cái nỗi nhớ không phải là sự đau đáu kiểu mình đang ở chỗ sung sướng mà con mình đang đau khổ. Nỗi nhớ giờ khác rồi, tôi không bị cuồng lên giống như trước, khi mà có hai mẹ con bởi giờ con sung sướng hơn rồi.
Trước làm đến ngày 30 Tết không có tiền, nhà hát kém, cũng không có nhiều cho anh em nghệ sĩ nên mẹ chồng cho ăn cái gì ăn cái đấy. Khổ quá, chỉ mong về nhà mẹ đẻ thôi, vì mẹ lúc đó cũng khá hơn bên chồng. Thế nhưng mà đêm 30 Tết không thể về được, ngày xưa vẫn bị kị sau khi lấy chồng đêm 30 Tết không được về nhà. 2 mẹ con cứ ôm nhau, chơ vơ một mình, cô đơn và...nghèo. Giờ cứ đêm giao thừa, vẫn nhớ con nhưng nỗi nhớ giờ đã khác. Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Tình Lê
Clip: Bin Leo - Thanh Tùng