{keywords}

Dân tộc Dao có nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán và nghề truyền thống. Trong đó, nghề làm giấy bản của người Dao Đỏ có từ lâu đời, được lưu giữ và phát triển đến ngày nay.

Trong năm, người Dao Đỏ tổ chức nhiều nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng khác nhau nên nhu cầu sử dụng giấy bản là cần thiết. Giấy bản được người Dao dùng trong các dịp lễ, Tết như: cấp sắc, đám tang, đám cưới, lễ cầu an; sử dụng trong việc sao chép sách cổ, sách hát, sách cúng, sách dạy học; dùng để làm tiền vàng (đốt cho người âm, thần linh, ma quỷ)... Đây có thể coi là cầu nối quan trọng với thế giới tâm linh trong đời sống tinh thần của người Dao. 

{keywords}

Lò Sành Phin là nghệ nhân người Dao duy nhất ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) hiện còn duy trì nghề đan mành tráng giấy bản.

Ông Lò Sành Phin hiện đang sống ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ông là nghệ nhân người Dao đỏ duy nhất còn giữ nghề đan mành tráng giấy bản. Ông Lò Sành Phin được người chú truyền lại nghề này. Hàng chục năm nay, ông Phin vẫn ngày ngày cần mẫn đan những chiếc mành, vật dụng không thể thiếu trong nghề làm giấy bản của đồng bào ở đây.

Giấy bản gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Dao và thường được sử dụng trong các dịp đặc biệt. Để làm giấy bản thì cần những chiếc mành để tráng giấy. Nghề đan mành tráng giấy đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Mất 5 ngày để hoàn thiện một chiếc mành tráng giấy.

{keywords}

Để có chiếc mành bền, chắc chắn, nhất thiết phải chọn lựa những cây vầu già, có ống dài và đặc biệt không được sử dụng những cây vầu không có ngọn nếu không mành sẽ kém bền.

Cây vầu sau khi được chặt về, chọn lấy ống dài từ 85-90 cm, đem bổ đôi, bỏ phần lõi, chỉ lấy thân ngoài, chẻ nhỏ như que tăm. Sau đó vầu được vót lại cho tròn đều, để khi đan chiếc mành mới phẳng, đẹp và chắc chắn.

Khung đan mành hình chữ nhật (dài 90 cm, rộng 30 cm), được làm từ 2 thanh gỗ đặt ngang trên 2 tấm gỗ song song nhau, đầu trên dựng hơi thoải để tạo độ dốc vừa phải. Phía trên thanh gỗ ngang được vít 54 ốc vít bằng gỗ tương ứng với việc móc 54 sợi cước kéo thẳng xuống thanh gỗ nằm ngang phía dưới, buộc chặt với từng chiếc đinh tạo thành một mặt phẳng cho công đoạn đan mành. Khi đan, lấy từng que đan cho vào một ống nứa nhỏ bằng ngón tay để luồn qua hàng cước, đan so le nhau. Sau mỗi que đan lại rút ống nứa ra, dùng tay khẽ kéo que đan xuống phía dưới, cho gần khít nhau và xoay ốc vít cho khung đan được căng. Cứ như vậy cho đến khi chiếc mành có chiều rộng 30 cm thì tiến hành công đoạn nẹp.

{keywords}

2 bên mép của mành, mỗi bên được nẹp bằng 3 miếng vầu nhỏ, to bằng ngón tay út, giúp cho mành được phẳng và căng. Phía 2 đầu mành được đan bằng 2 hàng chỉ chắc chắn.  Mành tráng sau khi đan xong phải phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời để thật căng và chắc. Cầu kỳ như vậy nên mỗi chiếc mành có giá 800 nghìn đồng. 

Ngoài thu nhập từ đan mành, ông Lò Sành Phin nay đã 70 tuổi mong sẽ tìm được người để truyền nghề trước nguy cơ thất truyền. Do công việc này khó, đòi hỏi sự tỉ mẩn nên dù nhiều cháu trong gia đình từng theo học nhưng không ai theo học được.

{keywords}

Để bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, như nghề đan mành tráng giấy bản đã gắn bó với đồng bào Dao đỏ Hà Giang từ hàng thế kỷ nay, rất cần những chính sách cụ thể, nhằm khích lệ, động viên những nghệ nhân đã và đang giữ nghề truyền thống như ông Lò Sành Phin. Bởi hiện nay, tất cả các bản Dao ở Hà Giang chỉ còn duy nhất ông Phin còn giữ nghề này. Đây là việc làm cần thiết, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá của các dân tộc.

Kiều Oanh
Ảnh: Duy Tuấn
Video: Thu Hằng HP, Ngọc Trang, Quang Thậm

25/12/2021 08:51