Chiều qua, đơn vị quản lý cho dán thạch cao để đánh dấu. Một đoạn hầm dài khoảng 50m đầy các vết nứt, vết dán và có thông số được ghi để theo dõi.
Khu vực có nhiều vết nứt nằm cách cửa hầm phía Nam chừng 200m. Ảnh: Cao Thái
Vết nứt chằng chịt được dán thạch cao để theo dõi, trên thành hầm là các thông số được ghi nhận sau mỗi lần quan trắc. Ảnh: Cao Thái
Vết nứt trải dài trên thành hầm. Ảnh: Cao Thái
Công ty CP đầu tư Đèo Cả là đơn vị quản lý hầm đường bộ Hải Vân, cũng là chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân 2.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó ban quản lý dự án cho biết, thời gian qua, đơn vị chức năng cho nổ mìn để thi công ở khu vực cạnh đoạn hầm có các vết nứt.
Hầm đường bộ Hải Vân được bàn giao cho công ty CP đầu tư Đèo Cả quản lý từ tháng 1/2016
Tuy nhiên, phía Ban quản lý dự án mở rộng hầm Hải Vân cho rằng, các vết nứt đã xuất hiện từ trước khi công ty CP đầu tư Đèo Cả được bàn giao quản lý hầm (tháng 1/2016 - PV) và không phải do tác động từ việc nổ mìn.
Chưa rõ nguyên nhân
Ông Nguyễn Quang Huy (Ban quản lý dự án hầm Hải Vân) cho biết, trước đó đơn vị chức năng đã xử lý 8 vết nứt trong hầm.
Vết nứt kéo dài trên thành hầm. Ảnh: Cao Thái
"Sau khi xử lý, các vết nứt này vẫn tiếp tục được quan trắc" - ông Huy nói.
Vết nứt chằng chịt khiến người đi đường lo ngại. Ảnh: Cao Thái
Theo ông, vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân gây ra các vết nứt trong hầm Hải Vân. Để biết rõ nguyên nhân, cần thời gian dài để quan trắc, nghiên cứu.
Ông J. Cliffora Beckett, chuyên gia thuộc đơn vị tư vấn dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân nhận định, hiện tượng nứt có thể do co ngắt lún đàn hồi, co ngắt nhiệt chứ không phải do việc nổ mìn thi công thời gian qua.
Chuyên gia J. Clifford Beckett (Anh) cho rằng hiện tượng nứt không do nổ mìn mở rộng hầm. Ảnh: Cao Thái
Từ 11/7 đến nay, hầm Hải Vân được đóng 30 phút mỗi ngày (từ 13h15 đến 13h45) để đơn vị thi công nổ mìn, khoan đá cho dự án mở rộng hầm. Việc thi công được triển khai từ cả hai đầu hầm.
Cao Thái