Chỉ với giá bán vài trăm nghìn đồng, chai sữa tắm dê nhãn hiệu Snow White và sữa tắm Laurel đều được gắn mác sản phẩm cao cấp được sản xuất theo công nghệ của Malaysia.

Khi cơ quan chức năng kiểm tra khu vực xưởng sản xuất rộng chưa đầy 20m vuông, với ngổn ngang nguyên liệu do công ty tự mua về và pha chế với nước máy để sản xuất ra các loại sữa tắm sau đó đem hàng thành phẩm tung ra thị trường bán kiếm lời.

Bà Lã Thúy Kiều, GĐ Cty TNHH Hóa mỹ phẩm Thiên Kiều cho biết:"Công ty tôi đã nộp hồ sơ thủ tục để được cấp phép trên sở y tế nhưng sở y tế xuống thẩm định nhưng vẫn có một số vấn đề nên chưa đạt. Tôi biết đây là sai phạm về sản xuất". 

Thời điểm bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ, tại cơ sở đang có hơn 7.000 chai sữa tắm thành phẩm chuẩn bị xuất ra thị trường tiêu thụ. Mặc dù chủ cơ sở khai nhận những sản phẩm này mới đưa vào thử nghiệm và chỉ để làm quà tặng chứ chưa đưa vào kinh doanh. Tuy nhiên, theo tài liệu cơ quan chức năng thu được thì toàn bộ sản phẩm của Cty này đã được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước từ tháng 10.2014  đến nay.

Trao đổi ANTV, Thượng úy Đoàn Thị Thúy Loạn – Đội 4 – Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Hà Nội cho biết:" Công ty khai báo là sản xuất thử nghiệm nhưng qua kiểm tram thì có xuất kho liên tục đi nhiều tỉnh thành trong cả nước".

Như vậy, liên tiếp trong thời gian vừa qua các lực lượng chức năng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm chui, không đảm bảo chất lượng nhưng đều gắn nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng hay sản phẩm cao cấp.

Thực tế này đang khiến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng bị xâm hại nghiêm trọng. Và nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý kiên quyết với những hành vi sai phạm như thế này thì chắc chắn người tiêu dùng vẫn còn phải đối diện với thực tế  ‘tiền mất, tật mang’.


Theo ANTV