Phụ nữ Mường Lang Chánh khôi phục và duy trì kỹ năng dệt truyền thống

Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống đồng bào dân tộc Mường xứ Thanh. Sử thi và thần thoại dân tộc Mường cho thấy nghề dệt ra đời rất sớm, từ thời kỳ “Đẻ đất, đẻ nước”, thời kỳ của những “Ông Đá Cần, bà Dạ Kịt”. Sau khi tìm ra các “Mường” và tìm được lửa, biết làm nhà ở, người Mường bắt đầu truyền dạy cho con cháu việc dệt vải may quần áo.

Trong xã hội người Mường cổ truyền, nghề dệt được coi như là một tiêu chuẩn đánh giá về khả năng lao động và vị trí của người phụ nữ. Người phụ nữ nào dệt giỏi không những được đánh giá cao mà còn được người dân trong vùng kính trọng. Chính vì lẽ đó mà ngay từ khi lên 7-8 tuổi các bé gái đã bắt đầu làm quen với những công việc đơn giản như quay sợi, phơi bông, tách hạt, hái dâu, nuôi tằm và được mẹ truyền cho cách dệt các loại vải.

Kỹ thuật dệt của người Mường từ bao đời nay cũng như cách trang trí họa tiết, hoa văn được tiếp nối theo hình thức mẹ truyền cho con gái. 

Phụ nữ Mường truyền dạy cho con gái rất nhiều kiểu đan cài màu sắc sợi dọc, sợi ngang để tạo thành muôn vàn hoa văn khác nhau.

Ví dụ kiểu vừa dệt vừa vắt ngang, đan cài những sợi màu để tạo thành hoa văn sặc sỡ (thêu trên khung), kiểu vừa dệt vừa đưa thoi từng dòng để tạo thành những mảng hoa văn 2 màu đen-trắng, và đặc biệt nhất là kiểu tạo hoa văn từ sợi dọc để trang trí cạp váy.

Với riêng kiểu tạo hoa văn sợi dọc này, người Mường cổ xưa đã sáng tạo ra vô số những hoạ tiết độc đáo như: con rồng, con phượng, con hươu, chim công, chim lạc…riêng hoạ tiết rồng cũng có tới dăm ba kiểu, từ dễ đến khó, từ to đến nhỏ…Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hình tượng rồng, hươu và chim lạc… với những đường nét cách điệu mang tính ước lệ cao này hẳn đã có sự liên hệ nào đó với các hoa văn trang trí trên trống đồng Ðông Sơn.

Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hóa đặc trưng của người Mường Thanh Hóa. Sắc màu của cuộc sống, không gian của núi rừng được đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mường khắc họa trên từng đường nét hoa văn thổ cẩm. 

Để giúp cho đồng bào Mường ở Lang Chánh, Thanh Hoá khôi phục và duy trì kỹ năng dệt truyền thống đồng thời đưa các hoạ tiết truyền thống vào bộ sản phẩm mới mang tính ứng dụng cao để giúp phụ nữ Mường có thêm thu nhập, Craft Link đã mời họ tham gia vào các triển lãm văn hóa để giới thiệu các nét văn hóa truyền thống đặc sắc đến với công chúng, đồng thời tham gia các sự kiện hội chợ, triển lãm lớn để giới thiệu và quảng bá sản phẩm. 

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV