icon icon

Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện đảo Lý Sơn đón gần 40.000 lượt khách. Riêng trong nửa đầu tháng 7 - cao điểm du lịch hè, huyện đảo này đã đón hơn 33.000 lượt khách. Những ngày cuối tuần, các chuyến tàu cao tốc chở hơn 1.000 vị khách tới thăm đảo. Đây là những con số ấn tượng, chứng tỏ sức hút của Lý Sơn.

Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 đảo là Cù Lao Ré (đảo Lớn), xã đảo An Bình (đảo Bé) và hòn Mù Cu, nằm cách đất liền khoảng 30km. 

Thời điểm lý tưởng để khám phá huyện đảo này là từ tháng 4 - tháng 8 hàng năm, khi trời nắng, ít mưa, biển lặng. Tháng 5 - tháng 7 là cao điểm du lịch hè Lý Sơn nên khá đông đúc, nhất là dịp cuối tuần. Du khách nên chủ động tìm hiểu và theo dõi thời tiết trên đảo để tránh tình trạng "mắc kẹt" do mưa bão, biển động.

Từ tháng 9 đến tháng 12, huyện đảo này bắt đầu mùa mưa, bão lớn và biển động, nhiều chuyến tàu ra đảo phải tạm dừng, hoạt động du lịch cũng ngưng trệ. Từ cuối tháng 12 đến tháng 4 năm sau, Lý Sơn vào mùa rêu xanh ấn tượng.

Du khách từ Hà Nội, TPHCM có thể lựa chọn bay máy bay tới sân bay Chu Lai (Quảng Nam), sau đó di chuyển đến cảng Sa Kỳ. Thời gian di chuyển bằng ô tô khoảng 1 giờ với chi phí 450.000 - 600.000 đồng (thuê taxi). Bạn có thể đi các chuyến xe ghép với mức chi phí 100.000 - 200.000 đồng/người hoặc đi xe bus dừng chặng tại TP Quảng Ngãi để tiết kiệm chi phí.

Nhiều du khách cũng lựa chọn tour du lịch Đà Nẵng kết hợp Lý Sơn. Du khách có thể đi taxi từ Đà Nẵng tới Sa Kỳ với chi phí khoảng 1,2 triệu đồng - 1,5 triệu đồng (taxi) hoặc đi tàu hỏa, xe ghép...

Từ cảng Sa Kỳ, du khách di chuyển bằng tàu thủy ra đảo Lớn, huyện đảo Lý Sơn. Du khách có thể lựa chọn nhiều hãng tàu cao tốc khác nhau, chi phí dao động từ 340.000 - 400.000 đồng/người/khứ hồi. Du khách lưu ý mang theo Căn cước công dân hoặc bằng lái xe để mua vé.

Thời gian di chuyển từ cảng Sa Kỳ ra đảo khoảng 35 - 45 phút. Nếu say tàu, bạn nên chọn các hàng ghế giữa thân tàu; không nên ăn quá no, sử dụng nước có ga, cà phê... trước khi lên tàu. Bạn có thể uống thêm thuốc chống say.

Du khách đến Lý Sơn nên lên lịch trình để khám phá trọn vẹn đảo Lớn - đảo Bé và hòn Mù Cu.

Khám phá Đảo Lớn

Đảo Lớn là trung tâm hành chính của huyện đảo này. Du khách có thể thuê xe điện khoảng 300.000-400.000 đồng/lượt để khám phá vòng quanh đảo hoặc thuê xe máy, giá 150.000 đồng/ngày để chủ động di chuyển tham quan.

Phía bắc của đảo Lớn nhìn từ trên cao (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Thảo Đàm)

Cột cờ Lý Sơn trên đỉnh Thới Lới

Cột cờ được xây dựng trên núi Thới Lới với chiều cao 20m, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Đây là địa điểm check-in mà du khách không thể bỏ qua khi tới thăm hòn đảo.

(Ảnh: Mavis Vi Vu Ký/Linh Trang)

Đỉnh Thới Lới là một trong năm ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động của huyện đảo, với phần mỏm đá nhô ra nhìn xuống biển. Núi có độ cao khoảng 170m so với mặt nước biển và đỉnh núi là lòng chảo khổng lồ, với hồ nước ngọt cấp nước cho huyện đảo. Từ đây, du khách có thể chụp ảnh với khung cảnh biển đảo xanh trong ấn tượng.

Tuy nhiên, du khách nên lưu ý các biển báo cấm chụp ảnh ở khu vực phục vụ quân sự.

Đường lên đỉnh Thới Lới là góc chụp ảnh đẹp mê được nhiều bạn trẻ yêu thích (Ảnh: Ngọc Thảo/Thảo Quyết Linh)

Đỉnh Thới Lới có phần mỏm đá nhô ra nhìn xuống biển (Ảnh: Minh Phụng)

Hang Câu

Nằm ở thôn Đông, dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ với một bên là núi cao, các vách đá dựng thẳng đứng, một bên là biển xanh, bờ cát dài trắng mịn.

Theo người dân địa phương, sở dĩ thắng cảnh này mang tên Hang Câu vì vùng biển nơi đây có nhiều rau Câu, một loài tảo biển có thể chế biến thành món ăn xu xoa giải nhiệt ngày hè. Vùng biển Hang Câu còn sở hữu nhiều rạn san hô có nhiều loài hải sản sinh sống, lại có những ghềnh đá nổi chạy từ bờ ra phía biển sâu thu hút nhiều người về đây câu cá.

Tại đây, ngoài tắm biển, tham gia các bữa tiệc bên bờ biển, du khách có thể lặn ngắm san hô, chèo thuyền kayak.

Cổng Tò Vò

Cổng Tò Vò nằm ở phía đông đảo, dài khoảng 20m, cao hơn 2m. Người dân đảo Lớn cho rằng, nơi đây được tạo ra khi nham thạch phun trào từ núi lửa cách đây 2 triệu năm trước, bị đông cứng khi gặp nước biển. Xung quanh cổng Tò Vò là bãi đá nham thạch đen. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ hoang sơ, không có sự tác động của con người. 

Thời điểm đẹp nhất để đến cổng Tò Vò vào hoàng hôn, khi mặt trời dần khuất sau đường chân trời và những tia nắng le lói qua khe đá. Tuy nhiên, thời điểm này thường đông đúc du khách nên khó có thể chụp tấm ảnh ưng ý. 

Ảnh: Lan Hương

Thời gian gần đây, cổng đá này đứng trước nguy cơ đổ sập khi có nhiều đoàn khách bất chấp nguy hiểm leo lên chụp ảnh. Hiện, UBND huyện Lý Sơn đã cắm biển cảnh báo du khách không leo lên cổng Tò Vò, gây ảnh hưởng xấu đến vòm đá này. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - bà Phạm Thị Hương cho biết, huyện sẽ nghiên cứu xây dựng quy định trong việc bảo vệ danh thắng cũng như các hình thức xử phạt khi người dân và du khách có hành vi xâm hại cổng Tò Vò và các danh thắng, di tích khác trên đảo.

Ảnh: Thảo Đàm

Chùa Hang

Đây là ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, nằm trong một hang đá dưới chân núi lửa Thới Lới. Đây là hang đá lớn nhất trong hệ thống hang đá ở đảo Lý Sơn.

Ngôi chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Khu vực cửa hang khá hẹp, rêu phong. Nước từ hồ chứa trên đỉnh Thới Lới xuyên qua trầm tích núi lửa nhỏ tí tách suốt ngày đêm tạo nên khung cảnh yên bình. Chùa Hang có chiều sâu 24m, rộng 20m, cao 3,2m.Trong chùa có nhiều ban thờ Phật, các vị tiền hiền của làng An Hải (huyện Lý Sơn). Khu vực trước chùa Hang là dãy bàng cổ thụ, tượng Phật bà Quan Âm hướng ra biển.

Đoạn đường núi dẫn đến chùa cũng là một trong những điểm ngắm cảnh đẹp.

 (Ảnh: Ngọc Thảo/Thảo Quyết Linh)

Chùa Đục

Chùa Đục nằm trên vách núi Giếng Tiền, một trong những ngọn núi lửa đã tắt của huyện đảo. Từ cầu cảng đảo Lớn, du khách rẽ trái, đi theo con đường bao biển uốn lượn là có thể đến cổng Tò Vò và chùa Đục. 

Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27m. Du khách leo qua 100 bậc thang men theo sườn núi để tới các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Khi leo lên tận đỉnh Liêm Tự - du khách như đứng trên một đài quan sát lý tưởng để ngắm nhìn bao quát đảo Lý Sơn.

Tượng Quán Thế Âm cao 27m tọa lạc tại chùa (Ảnh: Linh Trang)

Âm Linh Tự

Địa điểm này nằm cách cảng Lý Sơn khoảng 500m về phía tây. Đây là nơi thờ tự các bậc tiền hiền đã có công khai phá đảo và những người lính Hoàng Sa đã hy sinh năm xưa. Nhiều tài liệu quý liên quan đến đội lính biển, di vật về lịch sử hình thành đảo Lý Sơn cũng được lưu giữ trang trọng tại đây. 

Cánh đồng tỏi

Tỏi là đặc sản của huyện đảo Lý Sơn. Do đó, khi tới huyện đảo này du khách nên ghé thăm các cánh đồng tỏi xanh ngút ngàn, xem bà con địa phương canh tác, thu hoạch. Tuy nhiên, tỏi ở đây thường được trồng từ tháng 9 đến tháng 10 và thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 3 năm sau. 

Cánh đồng tỏi - "hình ảnh đặc sản" của Lý Sơn (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Thảo Đàm)

Chợ cá

Sáng sớm, sau khi ngắm bình minh, du khách nên ghé qua các chợ cá tại đảo Lớn. Bạn có thể tận mắt chứng kiến nhiều loại cá vốn chỉ thấy trên tivi. Đặc sản tại chợ cá cảng Lý Sơn hay chợ An Vĩnh là mực nhảy, gạch nhum, cá ngừ, cá mú...

Ghé thăm đảo Bé

Đảo Bé Lý Sơn nằm cách đảo Lớn khoảng 3 hải lý. Du khách có thể di chuyển bằng ca nô cao tốc đến đảo Bé. Thời gian di chuyển khoảng 10 phút với mức chi phí 100.000-120.000 đồng/người/khứ hồi. Nếu đi theo đoàn, bạn có thể thuê ca nô riêng với giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/ngày.

Các chuyến tàu từ cảng Lý Sơn đi đảo Bé khởi hành từ 7h tới 11h20 hàng ngày, mỗi chuyến cách nhau khoảng 20 phút. Tàu từ đảo Bé trở về lúc 10h -14h30 hàng ngày.

Dù thời gian di chuyển nhanh nhưng sóng ở khu vực này khá lớn cộng thêm tốc độ nhanh của ca nô nên du khách dễ bị say. Bạn nên lưu ý điều này, đồng thời đừng quên hỏi rõ giờ cano trở về để tránh lỡ chuyến (Ảnh: Linh Trang)

Di chuyển "thót tim" qua sóng lớn,  du khách sẽ tới thiên đường biển xanh như ngọc, nơi được ví như "Maldives của Việt Nam" (Ảnh: Linh Trang)

Đúng như tên gọi - đảo An Bình, nơi đây không ồn ào, không tấp nập dân cư. Cuộc sống trên đảo còn bình dị, mộc mạc với những ngôi nhà nhỏ nằm hướng ra biển để đón nắng, gió, người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, trồng rau màu, hành, tỏi. Ngoài tắm mình trong bãi biển trong xanh, du khách có thể trải nghiệm chèo SUP, thuyền kayak, chèo thuyền thúng với giá khoảng 100.000-150.000 đồng/giờ/người. Du khách cũng không nên bỏ lỡ lặn biển ngắm san hô.  Giá dịch vụ thuê đồ lặn và tắm nước ngọt 110.000 đồng mỗi người.

Đảo Bé có diện tích không lớn. Du khách có thể đi khám phá xung quanh đảo chỉ trong vài giờ (Ảnh: Linh Trang)

Du khách có thể trải nghiệm chèo SUP, thuyền kayak, chèo thuyền thúng hay lặn biển ngắm san hô (Ảnh: Linh Trang)

Hòn Mù Cu

Trong hành trình khám phá Lý Sơn, du khách nên dậy sớm để tới điểm ngắm bình minh đẹp nhất trên quần đảo - hòn Mù Cu. Nơi đây nằm cách trung tâm đảo Lớn khoảng 3km về phía đông. Do chưa có người ở nên phong cảnh còn rất nguyên sơ, không khí trong lành.

Hòn đảo có duy nhất một loài cây sinh sống là mù cu và những rừng mù cu mọc um tùm khắp nơi, tràn trên cả đá, vì thế mọi người đã lấy tên của nó để đặt cho đảo. Ngoài ra, vì không có sự sinh sống của con người, lại chơ vơ giữa biển nên người dân còn đặt cho nó cái tên khá thú vị là "đảo Mồ Côi".

Du khách có thể thuê xe máy để đi từ đảo Lớn tới hòn Mù Cu qua đường kè biển.

Đảo Lớn có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, homestay để du khách lựa chọn với mức giá từ 200.000-500.000 đồng/đêm. Du khách cũng có thể chọn các homestay xinh xắn, phong cách trẻ trung như Bep's House, Bé Ecolodge hoặc nhà nghỉ DHT Hang Câu hay khu nghỉ dưỡng view biển.

Tại đảo Bé, du khách có thể tới các homstay như Ly Son Bungalow với những nhà gỗ nhiều màu sắc, XaLaBin với các phòng ở trên cao có view biển hoặc Gió Biển.

Hiện tại đảo có một số homestay được thiết kế trẻ trung, xinh xắn (Ảnh: Minh Phụng)

Du khách đặt bữa ăn ngay tại nơi lưu trú hoặc tới các quán ăn quanh đường bao biển như cơm hải sản Đại Hằng, quán Út Ngọc, quán Phát Hải, quán Khói Chiều... Giá đồ ăn trên đảo tương đối rẻ.

Những món du khách nên thưởng thức tại Lý Sơn là cua huỳnh đế, ốc cừ, mưc nhảy, gạch nhum, nộm tỏi, nộm rong biển, ốc tượng, dưa hấu hắc mỹ nhân...

Gạch nhum được bán tại chợ cá sáng sớm với mức giá 200.000 đồng/lọ (500gram). Tháng 7-8 là thời điểm gạch nhum ngon nhất (Ảnh: Linh Trang)

Nếu muốn mua quà mang về, bạn có thể mua các loại rong biển khô, hải sản khô hay tỏi, hành Lý Sơn. Tỏi đen Lý Sơn là đặc sản nổi tiếng với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Loại tỏi đen Lý Sơn năm nay có giá dao động 850.000 đến hơn một triệu đồng/kg. Riêng loại tỏi đen "cô đơn" thì có giá 3,5-5 triệu đồng. Tuy nhiên du khách nên tìm hiểu kĩ để tránh mua phải "vàng đen rởm".

Linh Trang

Xem các bài viết của tác giả